Đội Thanh niên Tiền tuyến 47, sau ngày giành được chính quyền ở Huế đã trở thành một đơn vị bán vũ trang rồi vũ trang (Trung đoàn Trần Cao Vân) làm nòng cốt cho nhiều chi đội Vệ quốc đoàn khác ra đời.

Giặc Pháp trở lại Huế, chiếm khách sạn Mo-ranh, cầu Tràng Tiền đổ sập, bộ đội Trung đoàn Thừa Thiên rời khỏi Thành Nội đi về nông thôn, lập chiến khu Hòa Mỹ (sau đổi là Dương Hòa)… trường kỳ kháng chiến.

Trong hàng ngũ của các em liên lạc Thành Huế mà Tố Hữu đã ngợi ca qua bài thơ “Lượm”, có một chú bé tên là Phan Thắng nhỏ xíu, nhưng đã có vốn học vấn và được sự giáo dục gia phong tốt với một tấm lòng yêu nước nồng nàn.

Năm 1949, Thắng được cử đi học Trường Lục quân khóa 5, tại Hà Cháy, Thanh Chương, Nghệ An, một khóa lục quân “học chết thôi, vui nổ trời”. Đẵn gỗ trên rừng xuôi bè theo sông, dưới những cơn mưa hè tầm tã, đầu cạo trọc, với những bát cơm gạo đỏ, khô cháy mặt trên “ăn không bao giờ thấy lửng bụng, ngủ không bao giờ lưng giấc” thiệt đã quá sức đối với một con người xuất thân từ một gia đình có ăn có học như Phan Thắng.

Trải qua 8 năm chống Pháp, rồi chống Mỹ, đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, Phan Thắng vẫn nhận được đầy đủ lòng tin yêu của bạn bè, đồng đội, cấp trên.

Anh chính là một trong những người đi “phá lối, mở đường” cho con đường vận tải biển mang tên Hồ Chí Minh. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, và sau đó ít lâu, khi từ giã quân ngũ để trở về Huế, anh là một Chính ủy trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, giữ một trọng trách lãnh đạo công tác chính trị của một đơn vị anh hùng…

Gia đình anh, bên cạnh những chiều “thuận” cũng có những chiều “không thuận”. Dượng ruột anh, là Hà Văn Lan, Phó Tổng trấn Trung Kỳ thời Pháp (1946 - 1954). Anh trở về quê, đến nhà dượng trong khu Vĩ Dạ - vườn nhà của các quan thượng thư triều đình nhà Nguyễn - nơi anh đã sống hồi nhỏ, trong một gia đình “hoàng phái”.

Đứng trước bàn thờ dượng, anh đốt 3 nén nhang, vẩy cho tắt, cắm vào bát nhang và làm đủ phong tục của gia đình của hoàng tộc trước người đã khuất.

Bà cô anh rơm rớm nước mắt hỏi: Con là con cháu nhà vua, ông gia, ông cố đều là hoàng thân, phó vương, con đi theo Việt cộng “răng” còn biết thắp hương cúng dượng…

Anh Phan Thắng, tên thật là Vĩnh Mẫn thưa: Dạ thưa O, con cũng như rất nhiều anh em trong hoàng tộc mình của thế hệ Cách mạng Tháng Tám đã đi theo Cụ Hồ. Tất cả những việc con làm đều theo lời dặn của Cụ… Không chỉ có con, nước mình còn bao nhiêu người dù họ là ai cũng đi theo Cụ…

“Ông Hoàng” Vĩnh Mẫn có tên trong Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị là Phan Thắng, cán bộ tuyên huấn, Lữ đoàn Vận tải Hồ Chí Minh trên biển.

Vĩnh Mẫn là chắt nội Vua Hiệp Hòa. Thân sinh Vĩnh Mẫn là Bửu Trác, thông hiểu chữ Hán, tiếng Pháp. Bửu Trác từng là Phó Vương, nhưng có tinh thần yêu nước. Gia đình Bửu Trác ở Vĩ Dạ cùng kề bên các “nhà” yêu nước là cụ Ưng Úy, bà Công nữ Đồng Canh tức Đạm Phương nữ sĩ, thân mẫu nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn…).

Gia đình Vĩnh Mẫn có 9 anh chị em, tham gia kháng chiến đã hy sinh 5 người. Bản thân Vĩnh Mẫn (sinh 1931) năm 14 tuổi (1945) đã vào Việt Minh, theo chân anh cả là Vĩnh Tập, đảng viên duy nhất của Tiếp phòng quân Huế. Vĩnh Tập đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở Huế cuối năm 1948, người mà trong các năm 1945 - 1946 luôn được Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu trao đổi, bàn bạc trên nhiều vấn đề. Chị ruột Vĩnh Mẫn là Băng Tâm, hy sinh hồi đầu kháng chiến chống Pháp cho đến nay chưa tìm được mộ…

Thủy Trường