Tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM chiều nay 12/5.

Làm đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM

Dự thảo nghị quyết đề xuất, giao Chính phủ trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM.

Cạnh đó, trình thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (SaiGon Coop) hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc đưa vào dự thảo nghị quyết nội dung trên là “chưa đủ căn cứ”.

“Đề nghị rà soát, quy định theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, theo đó chỉ quy định, “nghiên cứu, sớm trình Quốc hội ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nói.

Tương tự với quy định “phát triển liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (SaiGon Coop) hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã”, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, hiện chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ nội hàm chính sách, chưa chắc chắn tính hợp lý để xác định SaiGon Coop sẽ hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã. 

Nghị quyết 31 chỉ quy định “tổ chức lại các mô hình hợp tác xã kiểu mới”, không xác định “hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã” như trong dự thảo nghị quyết. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định theo đúng Nghị quyết 31. 

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, hiện chưa rõ nội hàm “xây dựng TP HCM thành một trung tâm tài chính” hay “xây dựng một trung tâm tài chính trong TP HCM”. Theo ông, thế giới có cả 2 cách tiếp cận này, cho nên cần làm đề án theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Vấn đề này có thể đưa vào tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, chứ không nhất thiết phải đưa vào điều khoản thi hành của nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Với thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, theo ông Huệ, đã có Nghị quyết 20 Chính phủ. Nếu không liên quan đến pháp lý thì Chính phủ ban hành nghị định để làm. Còn trường hợp có liên quan thẩm quyền của Quốc hội thì trình Quốc hội. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

“Không nhất thiết phải quy định vào nghị quyết này trong điều khoản thực hiện, tránh xung đột pháp lý sau này, nếu vướng mắc lại không gỡ được”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, chủ trương đã có, ta cứ làm.

Chưa quy định về Trung tâm Tài chính trong nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình tạm thời bỏ quy định liên quan đến Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM và Liên đoàn Hợp tác xã ra khỏi nghị quyết.

Theo ông Dũng, về Liên đoàn Hợp tác xã “không có vấn đề lớn”, nhưng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM là vấn đề “rất lớn, rất khó”.

“Sáng nay, tôi vừa chủ trì họp riêng về vấn đề này, đúng là hiện nay đang rất lúng túng, chưa rõ khái niệm thế nào, phạm vi đến đâu, cuối cùng là điều kiện cần và đủ để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM như thế nào, kèm theo đó là thể chế gì, nguồn lực nào, bước đi nào, cách tiếp cận thế nào, mô hình nào”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, TP HCM có nghiên cứu bước đầu, cùng với Đà Nẵng, hiện có 2 hồ sơ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu. 

“Chúng tôi đang hết sức thận trọng nghiên cứu kỹ, thời gian tới sẽ báo cáo với Quốc hội”, Bộ trưởng nói.

Nói chung về dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, phạm vi và quy mô lớn, phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm 3 yếu tố.

Đầu tiên là phải giải quyết được các “điểm ách tắc”, “điểm nghẽn” đang cản trở phát triển của TP HCM; thứ hai là làm sao tạo được động lực mới và cú hích mới để phát huy các tiềm năng, lợi thế của TP, tạo bứt phá trong thời gian tới; thứ ba là bám sát các nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ đã rất nỗ lực, phối hợp hết sức chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành và TP HCM cũng không quản ngày đêm làm. Trong thời gian rất nhanh, khối lượng rất lớn và cuối cùng đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao giữa các bộ, ngành”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để rà soát, điều chỉnh lại các quy định để mở rộng đầu tư theo hình thức đối tác tác công - tư, đất đai, phân cấp phân quyền cho UBND TP, HĐND TP…

Hương Giang