Ngày 26/10, Quốc hội (QH) thảo luận báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Còn một “khoảng lặng” trong các báo cáo tư pháp!

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (đại biểu (ĐB) QH Đồng Nai) cho biết, ông đã đọc kỹ các báo cáo tư pháp và cảm thấy đâu đó vẫn còn một “khoảng lặng” chưa được phản ánh trong những báo cáo này.

“Đó là tình trạng có những vụ án, Viện KSND Tối cao bảo không sai, TAND Tối cao bảo không sai và thi hành án thì lại càng đúng. Nhưng trên thực tế, đương sự trong vụ án chịu nhiều thiệt thòi và mong có một sự giải quyết thỏa đáng”, ông Hồng nói.

Không nêu tên cụ thể vụ án, ông Hồng cho hay, ông đã đề cập vấn đề này tại cuộc họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, nhưng đến nay, sự việc vẫn rơi vào im lặng.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, có những vụ án, do tính chất của quy trình tố tụng, luật cho phép không thể khôi phục lại toàn bộ quyền lợi như thuở ban đầu, nhưng người dân bị thiệt thòi có quyền đòi hỏi sự trung thực, thành khẩn và sự bù đắp thỏa đáng.

“Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan tư pháp ngồi lại với nhau, rà soát lại tất cả các vụ án có dấu hiệu tương tự, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp giải quyết thỏa đáng cho người dân bị thiệt thòi”, ông Hồng đề nghị và cho rằng, nếu sự việc do bất cập của cơ chế pháp luật thì phải có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Phó trưởng chuyên trách đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cũng cho hay trong kỳ họp QH nhiệm kỳ vừa rồi, nhiều ĐBQH đề cập và đặt câu hỏi về tính tuân thủ pháp luật của trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp chưa có câu trả lời.

Theo ông Sơn, việc vi phạm trong hoạt động tố tụng mới chỉ dừng lại việc xử lý vi phạm của các cá nhân là những chức danh tư pháp. Tuy nhiên, điều quan trọng mang tính quyết định, tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội vẫn là những vi phạm trong hoạt động tố tụng cần phải xem xét, khôi phục trật tự đúng quy định của pháp luật, song thực tế điều này lại chưa được coi trọng, chưa được đặt đúng vị trí của vấn đề.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, không thể nói vi phạm khắp nơi, từ một vài vụ cụ thể mà đánh giá cả một nền tư pháp.

“Thành tựu của đất nước và thành tựu của cơ quan tư pháp được khẳng định và chúng ta đang tổng kết việc này. Tất cả các báo cáo chính thức đều phản ánh điểm được như thế”, ông Bình nói trước QH.

Ông Bình cũng cho biết, các yêu cầu của ĐBQH với Tòa án đã được trả lời rất đúng quy định, đúng hạn, nỗ lực tối đa những nội dung có thể trả lời được. Còn những nội dung chưa có hồ sơ thì đang cố gắng sẽ trả lời sớm nhất. “Không có câu chuyện lặng thinh”, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh. 

“Một nền tư pháp vững mạnh là nền tư pháp mà ở đó, trước hết, tính tuân thủ của hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tiệm cận đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do dân và vì dân”, ông Sơn nói.

“Nếu không hiểu thì sẽ không chia sẻ được”

Phát biểu giải trình sau đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, cuộc đấu tranh với tội phạm không phải chỉ có ý chí chủ quan của cơ quan chức năng “muốn thắng là thắng” mà còn lệ thuộc vào sự đối phó và khả năng của tội phạm trong từng vụ án cụ thể. Ngoài ra, còn bị kiểm soát bởi hai yêu cầu: hoàn toàn không được làm oan và không bỏ lọt tội phạm.

Theo ông Trí, con số chỉ tiêu nghiệp vụ năm sau đều tốt hơn năm trước. “Số nào cần giảm thì tiếp tục giảm, số cần tăng tiếp tục tăng. Năm sau tốt hơn năm trước, chứ chưa có xấu. Nhưng con số tuyệt đối thì chúng ta chưa làm được”, ông Trí nói.

Cho rằng, con số có thể nói lên tất cả, nhưng vị tư lệnh ngành Kiểm sát cũng lưu ý, “có những con số không nói lên gì, thậm chí chúng ta phải suy ngẫm vì tính 2 mặt của nó” như tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ, tham nhũng…

Ông Trí phân tích, có những lúc nói con số phần trăm nhưng không nói con số tuyệt đối. Có những lúc phải nói con số tuyệt đối để hiểu được con số thật.

“Ví dụ, năm trước có một vụ, năm sau 2 vụ mình nói 200% là nghe hết hồn rồi. Hay với việc chống người thi hành công vụ, đặc biệt cơ quan công an tăng lên 260%, nhưng xem lại có bao nhiêu vụ để đánh giá”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị, những con số đánh giá tăng, giảm cũng phải nói được mặt tích cực, không tích cực, nếu không rất khó.

Vẫn nói về những con số, ông Trí nêu, số hồ sơ điều tra của Tòa gửi cho cơ quan điều tra công an bao giờ cũng nhiều hơn số Viện Kiểm sát gửi về vì trong quá trình điều tra, Viện Kiểm sát đã kiểm sát điều tra rồi. Khi đã quyết định truy tố, tức là công an và kiểm sát đã thống nhất nên việc trả lại hồ sơ sẽ thấp hơn so với tòa.

“Đó là chuyện bình thường”, ông Trí nói và bày tỏ “tôi nghĩ chúng ta cũng phải chia sẻ, nếu không cứ nhận khuyết điểm mãi nhưng sửa không được người ta cũng không hiểu thế nào”.

Viện trưởng KSND Tối cao cũng cho rằng,  mỗi năm đều có tiến bộ hơn đó là một nỗ lực phấn đấu. “Tất nhiên không thể giảm hết được như mong muốn nhưng mỗi năm có tiến bộ hơn thì cần ghi nhận đó là nỗ lực phấn đấu. Nếu không sẽ làm anh em mệt mỏi”, Viện trưởng nói, con số tuyệt đối sẽ không có trong bất kỳ một lĩnh vực nào, có thể được chỗ này sẽ mất chỗ kia. Nhưng chúng ta chọn cái được lớn để làm và rõ ràng là đang được dân tin, dân đồng tình, ủng hộ.

“Với tinh thần như thế, chúng tôi luôn luôn lắng nghe, tiếp thu nhưng cũng phải thẳng thắn nói hết suy nghĩ của mình. Nếu không hiểu thì sẽ không chia sẻ được, cứ đòi mãi những điều không làm được, việc làm được thì không động viên”, Tư lệnh ngành Kiểm sát kết thúc phát biểu.

“Không phải để chìm xuồng” vụ Công ty Thuận Phong

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương (ĐBQH đoàn Ninh Thuận) và ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) tiếp tục đề cập đến vụ làm hàng giả của Công ty Thuận Phong.

“Trong nhiệm kỳ XIV này, tôi cùng với nhiều ĐB đã nêu vấn đề này nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời nào. Trong các báo cáo về xử lý thông tin không hề đề cập”, ông Sơn nói và đề nghị, cập nhật thông tin để ĐB nắm rõ.

Giải trình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay, trên cơ sở phản ánh của ĐBQH, Viện KSNC Tối cao đã nghiên cứu vụ án. Từ đó, chỉ đạo Viện KSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án của Công an Đồng Nai; thực hiện quy trình thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Theo ông Trí, để xác định Công ty Thuận Phong có sản xuất, nhập khẩu, buôn bán phân bón giả hay không thì cần có kết quả giám định và kết luận của các cơ quan chuyên môn.

Tới nay, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có kết luận về giám định của ngành mình. Còn Bộ Khoa học Công nghệ giám định nhãn hàng hoá của các loại phân bón thì không đạt yêu cầu.

Vì vậy, Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo Viện KSND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp tài liệu còn thiếu theo nhận định tại kết luận giám định của Bộ Khoa học Công nghệ và ra quyết định trưng cầu tổ giám định tư pháp của bộ này để giám định bổ sung.

Ngày 3/4/2020, Cơ quan Điều tra tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trưng cầu giám định theo vụ việc về nhãn hàng hoá.

“Khi có kết luận giám định bổ sung này, Viện Kiểm sát sẽ xem xét có cơ sở hay không có cơ sở để chỉ đạo tiếp xử lý việc này”, ông Trí nói và cho hay, vụ việc này, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo rất nhiều lần.

“Báo cáo ĐB như thế, chứ không phải không làm, không phải để chìm xuồng. Kết luận giám định bổ sung sắp tới sẽ quyết định để đánh giá là có tội hay không? Có khởi tố điều tra tiếp hay không. Ở đây có đồng chí Phó Thủ tướng, chắc phải chỉ đạo thêm lần nữa”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhấn mạnh. 

Hương Giang