Tham dự lễ kỷ niệm, có ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Trương Mỹ Hoa, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương....

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đọc diễn văn cho biết, đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ; (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Tháng 5/1930, đồng chí Võ Chí Công bắt đầu tham gia cách mạng.

Đến tháng 5/1935, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau đó được cử làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn.

leftcenterrightdel
Chị Phan Vũ Thùy Trân, đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Quảng Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: P.B 

Với tài năng, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cách mạng, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam.

Đồng chí đã thể hiện là một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ trong thời kỳ khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Quảng Nam những năm 1939 - 1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, đồng chí được phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên, gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ; phụ trách công tác quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang Liên khu 5, lãnh đạo nhân dân Liên khu 5 kháng chiến; là Bí thư Ban Cán sự khu Đông Bắc Campuchia, Khu ủy viên khu V, làm nhiệm vụ quốc tế giúp hai nước bạn Lào và Campuchia.

Trong cuộc kháng chiến Mỹ, cứu nước (1954-1975), đồng chí Võ Chí Công được giao giữ các cương vị, trọng trách: Phó Bí thư và Bí thư Liên Khu ủy V (1954-1960), Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961-1965), Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Bí thư Khu ủy V (1964-1975)…

Đồng chí đã lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên khu V từng bước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, chỉ đạo giải phóng các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Đà Nẵng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
Tiết mục văn nghệ giàu bản sắc văn hoá xứ Quảng. Ảnh: P.B 

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; sau đó là Phó Thủ tướng phụ trách Khối Công - Nông - Ngư nghiệp.

Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam.

Với tầm nhìn xa và sự nhanh nhạy, bám sát tình hình thực tiễn, đồng chí sớm phát hiện những vấn đề bất cập, trói buộc nền sản xuất của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Đồng chí có nhiều ý kiến đề xuất đổi mới với Ban Bí thư và Bộ Chính trị, từng bước tháo gỡ khó khăn, đổi mới tư duy, góp phần quan trọng hình thành Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (1/1981).

Từ kết quả của “Khoán 100”, đồng chí được Bộ Chính trị tin cậy giao làm Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, hình thành nên Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (tháng 4/1988) - mở ra bước ngoặt của nông nghiệp đất nước thời đổi mới.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (từ tháng 4/1982), đồng chí Võ Chí Công đã có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương; tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng.

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), đồng chí Võ Chí Công tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa VIII (1987).

leftcenterrightdel
Các tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: P.B 

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Hội đồng Nhà nước đã xem xét và công bố những bộ luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Thuế xuất khẩu, Luật Đầu tư nước ngoài…

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí chỉ đạo xây dựng Hiến pháp mới và được Kỳ họp thứ XI Quốc hội khóa VIII đã nhất trí thông qua, trở thành Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Đại diện thế hệ trẻ Quảng Nam, chị Phan Vũ Thuỳ Trân phát biểu: “Với tình cảm biết ơn sâu sắc, nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang, son sắt một lòng; tiếp bước giữ vững mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng tôi nguyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với các thế hệ cha anh; với truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc và đất nước ta…”.

 

 

 

N. Phó - L. Bằng