Không tổ chức công an cấp huyện, nghiên cứu cơ cấu lại cơ quan thanh tra được Tổng Bí thư đề cập khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 24/1.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo ông, Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. Vì vậy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Song song với đó, cần nghiên cứu thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn đơn vị, cơ quan, địa phương, mở rộng không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng cường nguồn lực của đất nước và địa phương, kiên quyết xóa bỏ cấp trung gian.
Khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng là định hướng quan trọng được Tổng Bí thư quán triệt.
Ông yêu cầu xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo, phát triển.
Đi kèm với đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Các cơ quan cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, ngang tầm với những chuyển đổi mang tính cách mạng, có số lượng phù hợp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước.
Tổng Bí thư lưu ý đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, cần khẩn trương ban hành cơ chế, qui định phù hợp để lựa chọn, bố trí đúng cán bộ tốt, thực sự có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Trên cơ sở kết luận tại hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan khẩn trương thể chế hóa để triển khai việc sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, cùng với việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hoàn thành trong quý I/2025.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương theo mô hình công an 3 cấp: bộ, tỉnh, xã; không tổ chức công an cấp huyện.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.
“Quá trình triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy mới cần bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Song song là thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nghiên cứu cơ chế tạo việc làm cho người lao động tại khu vực Nhà nước chuyển sang làm việc tại các khu vực ngoài Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lao động cho mọi công dân trong độ tuổi lao động.
Cạnh đó, có kế hoạch tạo việc làm cho những thanh niên sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương.
Mục tiêu được Tổng Bí thư nêu rõ là phấn đấu để mọi công dân trong độ tuổi lao động đều tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Nội dung quan trọng nữa, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với các đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số.
Đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trung ương yêu cầu tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là “đột phá của đột phá” và thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm, cấp bách.
Nêu rõ các giải pháp trọng tâm, cấp bách, trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Theo ông, trước mắt, trong năm 2025 hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản; thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Giải pháp nữa là có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài; tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp để tăng nhanh nguồn cung.
Cùng với đó, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; thu hút vốn FDI có chọn lọc.
Tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số; thúc đẩy các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đấy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đáp ứng đủ năng lượng cho tăng trưởng 2 con số…
Tổng Bí thư lưu ý, từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần nghiên cứu, thảo luận kế hoạch hành động của ngành mình, cấp mình, địa phương mình thật cụ thể, sát thực tế để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Nghị quyết Đảng bộ các cấp phải chỉ ra các biện pháp phát triển kinh tế xã hội của cấp mình, nhất là các nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
“Tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy phải được phát huy tối đa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Quyết tâm, chủ động, năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là chìa khóa của thành công”, theo Tổng Bí thư.
Ông lưu ý, cần bổ sung sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương. Địa phương có quyền đòi hỏi, kiến nghị Trung ương có cơ chế, giải pháp tháo gỡ để địa phương phát triển bên cạnh việc địa phương chấp hành các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương.
Những kiến nghị, đề xuất của địa phương, theo Tổng Bí thư, phải được Trung ương xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm và phải trả lời dứt khoát, đúng thời gian quy định, rõ ràng, cụ thể tránh tình trạng bút phê như: “Thực hiện theo đúng pháp luật và qui định hiện hành và tự chịu trách nhiệm” hoặc bút phê lòng vòng, đùn đẩy, bởi đó là thứ bút phê an toàn, nhưng thực chất là tránh né, không làm đúng, làm tốt việc cần làm.
“Sau khi giao việc bắt buộc phải có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, từng cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao và kết quả chỉ đạo, kết quả công tác là căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị đó. Bộ máy trong hệ thống chính trị phải hoạt động thông suốt từ Trung ương tới cơ sở trên tinh thần “công việc là trên hết”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Hội nghị Trung ương lần này đã thành công tốt đẹp. Những nội dung được Trung ương thông qua, theo Tổng Bí thư cần sớm được triển khai thực hiện.
Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương nghiên cứu, quán triệt các nội dung đã được Trung ương thông qua để xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.