Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoa gói, hoa đĩa ngày Tết, nét đẹp trọn vẹn hương Xuân của người Hà Nội

Bài và ảnh: Lý Nam

Chủ nhật, 26/01/2025 - 10:00

(Thanh tra) - Hoa gói, hoa đĩa tưởng như chỉ còn trong ký ức của người Hà thành, nhưng giữa sự ồn ào bộn bề của cuộc sống, nhiều người vẫn muốn tìm về nét đẹp văn hóa truyền thống xưa, với mùi thơm đặc trưng của các loài hoa được gói lá, xếp vào đĩa. Những đĩa hoa thơm ngát nao lòng này dâng lên ban thờ trong những dịp lễ, Tết mới trọn vẹn hương Xuân...

Nhiều nam thanh nữ tú vẫn yêu vẻ đẹp, thơm nồng của hoa đĩa, mua về dâng lên bàn thờ ngày Tết như lòng thành kính mong cầu 1 năm mới an vui.

Hoa gói, hoa đĩa có vẻ đẹp riêng, ai đã một lần trót yêu thì mãi không quên

Tục lệ dùng hoa gói, hoa đĩa để thắp hương trên ban thờ gia tiên dường như đã in sâu trong tiềm thức người Hà Nội.

Nhẹ tay tháo sợi lạt mảnh, bốn cánh lá dong từ từ hé mở, để lộ bên trong bông hoa mẫu đơn đỏ tươi, cành ngâu mắt cá diếc vàng ươm, hoa móng rồng mập mạp thơm như mít chín, bông ngọc lan trắng ngà như đá cẩm thạch hay cánh hoàng lan cong như những ngón tay thiếu nữ…

Ấy là đĩa hoa cúng ngày xưa của người Hà Nội, một vẻ đẹp tao nhã giờ đã chẳng còn nhiều.

Đó là vào các buổi sớm tinh mơ, nhất là những dịp lễ, Tết hay ngày rằm, mùng một, trên mỗi nẻo đường, góc phố Hàng Mã, Hàng Khoai, Hàng Lược, hay cổng chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Hàng Da… của Thủ đô thấp thoáng những cụ già với gánh hàng hoa gói đủ sắc màu thơm phức. Xung quanh gánh hoa là các bà, các mẹ xúm lại xếp hàng để mua hoa về thắp hương.

Những bàn tay nhanh thoăn thoắt nhẹ nhàng của người bán hoa cúng nhón nhặt từng bông hoa các loại như: Ngọc lan, hoàng lan, hồng, quế, cúc vạn thọ, ngâu, và cúc bạch nhật, cúc chi chi, hoa móng rồng... thơm ngát được gói gọn trong những tấm lá dong xanh ngát rất khéo léo, với những sợi lạt buộc vuông vắn hình chữ thập có dây để xách, vừa kín mà lại vừa chắc chắn để làm sao cho hoa không bị dập nát.

Không chỉ là lễ Tết, sáng mùng Một hay ngày Rằm, dù đầu óc có bận rộn trăm thứ nhưng bà không thể nào quên việc phải mua một gói hoa cúng. Gói hoa vuông hệt chiếc bánh chưng mỏng như lưỡi mèo thường dùng để rán ấy, được tạo từ 2 chiếc lá dong bồ tát mát mướt, bao bọc những thứ hoa vừa hái, tuỳ mùa nào mà có hoa ấy.

Hoa gói, hoa đĩa có vẻ đẹp riêng, ai đã một lần trót yêu thì mãi không quên

Theo chia sẻ của người bán, một đĩa hoa được chị sắp xếp khéo léo, có giá từ 130 đến 150 ngàn đồng

Ngày Tết, hoa gói hay hoa đĩa dù được dâng cúng hay bày biện ở một góc nào đó vẫn toát lên vẻ nền nã, trang nghiêm. Không có mút xốp ẩm, lọ nước, ấy vậy mà hoa vẫn tươi được dăm ba ngày.

Hết Tết, hoa héo lại, thoảng mùi lá khô, nhụy khô được gói ghém trọn vẹn trong lá dong khum khum, nhưng không tàn lụi, rơi. Có một điều thật lạ, đó là tất cả những loài hoa được đem cúng lễ đều là những loài hoa rất giản dị, đủ sắc màu và dường như loài nào cũng có hương thơm từ dịu nhẹ đến nồng nàn.

Tất cả những mùi hương ấy hòa quyện vào nhau trở nên mùi hương thanh tao trong không gian trầm mặc của khói hương, khiến mỗi người đều có cảm giác như lạc giữa muôn rừng hoa ngát hương.

Đặc biệt, hoa đĩa là những bông hoa được cắt cành, hái nụ, không cắm vào nước mà sao hoa tươi rất lâu, mùi hương cứ thoang thoảng, nồng nàn đưa mãi không hết trong không gian.

Hoa bưởi gói nồng nàn, quyến rũ

Níu giữ nét đẹp văn hóa xưa

Buổi sáng mùa đông khi ánh ban mai đã ngập tràn trên phố, mùi hương hoa bưởi trái mùa tỏa hương thơm ngát, tại ngã tư phố Hàng Giấy (gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội) là hàng hoa đĩa của bà nguyễn Thị Hồng với đủ loại hoa sắc màu rực rỡ, nhưng mùi hương thơm nhất vẫn là mẹt hoa bưởi trái mùa trắng tinh khôi, thơm nức mũi.

Ngắm nghía đĩa hoa vừa làm xong cho khách với vẻ hài lòng, nở nụ cười tươi, bà Hồng cho biết, nhà bà ở Hoài Đức (Hà Nội), bà theo nghề gia truyền từ cụ nội, bà nội, ở Bắc Ninh. Từ lúc mới lên 7, 8 tuổi bà đã theo bà nội đi hái hoa, được tiếp xúc với những bông hoa sắc màu có hương thơm nồng nàn nên thấy thích, rồi lúc nào cũng theo, chưa bao giờ bà có ý nghĩ chuyển sang nghề khác.

Hơn 30 năm qua, với gánh hàng hoa, bà Hồng rong ruổi mọi ngõ ngách các con phố của Thủ đô, nhưng 5 năm nay ngày nào bà cũng ngồi ở góc phố Hàng Giấy, cần mẫn bày biện, chăm chút từng đĩa hoa truyền thống.

Đồ hàng của bà rất giản đơn, chỉ có vài túi đựng hoa, một chiếc thùng xốp kê cao lên một chút để xếp hoa cho đẹp, bên cạnh là những bông hoa riêng lẻ đủ sắc màu luôn được bà chuẩn bị sẵn để khách mua đến đâu bà lại xếp vào đĩa đến đó.

Mỗi mùa hoa, người Hà Nội lại chọn một loài hoa dâng lên ông bà, tổ tiên

Bà Hồng kể, ngày xưa các cụ chỉ gói hoa vào lá dong, nhưng giờ chuyển sang khay, đĩa để tiện về thắp hương luôn không phải bày ra đĩa nữa. Tuy nhiên, với các cụ cao tuổi ở phố cổ này vẫn thích hoa gói bằng lá dong buộc lạt.

“Còn các cô ở thời đại 4.0 thì lại thích hoa đĩa nên tôi cũng phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Để làm được những đĩa hoa vừa lòng “thượng đế”, phù hợp với xu thế hiện nay, không chỉ là sự khéo tay, trí sáng tạo mà đòi hỏi người cắm hoa đĩa phải có tính kiên trì, sự tỷ mẩn và biết chiều theo thị hiếu của khách hàng”, bà Hồng chia sẻ thêm.

Theo bà Hồng, hoa gói Hà Nội thường có ít nhất 5 đến 7 loại hoa góp lại nhưng đều phải tươi và có hương thơm. Đĩa hoa của người Hà Nội cũng được thêm những loại hoa theo mùa với những điều đặc biệt riêng. Mùa hạ, hoa móng rồng và ngọc lan mang đến hương thơm ngọt ngào, sâu lắng. Cuối hạ, chớm thu, hoa ngâu tỏa hương nhẹ nhàng bên mẫu đơn bung nở rực rỡ. Sang thu, những đóa hoàng lan ửng vàng mang đến hương thơm thanh tao, tinh tế…

“Các cụ xưa thường xem trọng hương thơm thanh nhã và giàu ý nghĩa mà trân trọng dâng cúng tổ tiên. Hoa theo mùa chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong chiếc lá dong bồ tát, buộc cọng lạt hình chữ thập rồi lại xỏ một vòng nữa, tết thành cái quai để xách. Đó là nét đẹp tao nhã, đời thường của người Hà Nội xưa được lưu truyền đến nay”, bà Hồng nói rồi lại thoăn thoắt đôi tay gói hoa bưởi cho khách.

Hoa gói rất thơm, dìu dặt, níu giữ người mua như nét duyên thầm...

Chủ yếu khách quen đặt mua online

Chia sẻ về sự đặc biệt của hoa đĩa, bà Hồng cho biết, yêu cầu hoa phải được hái vào sáng sớm tinh mơ, sau đó mang về để ơ nơi mát hoa mới tươi, có mùi thơm lâu. Hoa hái dùng đủ trong ngày, nếu để một, hai hôm hoa sẽ không còn tươi và không có mùi thơm.

Đặc biệt, hoa phải nở tự nhiên không kích thích hay phun thuốc và phải lấy ở vườn quen, rõ nguồn gốc. Trung bình mỗi đĩa hoa được bà Hồng cắm trong vòng từ 15 - 20 phút.

“Do hoa đi lấy vất vả, phải lựa chọn kỹ càng nên giá thành cao hơn so với hoa cắm ở lọ, bình một chút. Một đĩa hoa có giá từ 130 đến 150 ngàn đồng, ngày rằm, mùng một, lễ Tết tôi cũng không tăng giá theo thị trường. Mùa đông hoa đĩa tươi được 5 ngày, mùa hè được 3 ngày. Các cụ ngày xưa thắp hương ngày rằm, mùng một xong để hoa khô trên ban thờ luôn có hương thơm, đến ngày rằm mới thay hoa mới”, bà Hồng chia sẻ.

Nắng đông vàng óng, len lỏi qua tán cây xà cừ rồi rọi xuống những đĩa hoa tô thắm thêm vẻ đẹp. Câu chuyện giữa tôi và bà Hồng luôn bị ngắt quãng bởi có khách đến mua hoa.

Nhanh tay sắp lại cho gọn những chiếc đĩa bằng nan tre và chồng lá dong xanh ngắt để gói hoa, bà Hồng chậm rãi: “Hoa đĩa không bị mai một, nhiều người vẫn có nhu cầu mua với đủ các lứa tuổi từ già tới trẻ, mua nhiều nhất là tầm trung tuổi. Một số cụ cao tuổi được các con chở đến tận nơi để tự tay lựa chọn những đĩa hoa ưng ý; thậm chí có cụ ở phố cổ đã chuyển nhà ở cách hơn 10 cây số nhưng vẫn “bắt” con chở đến hàng hoa”.

“Chủ yếu khách quen đặt mua online nhiều hơn khách đến mua trực tiếp hoặc các shipper đến lấy hàng mang đi là chính. Ngày thường, ít khách hơn nên mình tôi túc tắc làm, khách đến mua chỉ chờ một lúc là có ngay đĩa hoa ưng ý mang về”, bà Hồng chia sẻ rồi hướng ánh nhìn về một shipper vừa đến lấy hoa mang cho khách.

Những đĩa hoa giản dị và nồng đậm lòng thành kính hồn nhiên, dâng lên Trời Phật, tổ tiên mọi thứ thanh sạch nhất, mà chẳng cầu xin gì ngoài hai chữ bình an cho gia đình. Tết với nhiều gia đình, đơn giản chỉ là vậy…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đặc sắc Tết hoa của người Cống và lễ cúng bản của người Si La ở Điện Biên

Đặc sắc Tết hoa của người Cống và lễ cúng bản của người Si La ở Điện Biên

(Thanh tra) - Người Cống và Si La là hai dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh Điện Biên, cùng với 19 dân tộc anh em khác, với những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… đã tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên. Cũng ăn Tết như bao dân tộc khác, Tết của đồng bào Cống và Si La thực sự là nét văn hoá đặc sắc và độc đáo.

Trần Kiên

13:30 26/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm