Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chống dịch lần này ở TP Hồ Chí Minh chưa có tiền lệ

Hương Giang

Thứ năm, 08/07/2021 - 17:02

(Thanh tra) - Nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì TP Hồ Chí Minh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sẽ tiếp tục sát cánh hằng ngày với TP và yêu cầu các bộ trưởng dành thời gian, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, sau khi TP đề xuất và Thủ tướng đồng ý áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn từ 0h ngày 9/7.

Thực hiện Chỉ thị 16 với TP Hồ Chí Minh là quyết định khó khăn nhưng cần thiết

 Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP Hồ Chí Minh là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại nhiều lần.

Thủ tướng giao TP Hồ Chí Minh, các bộ, ngành vào cuộc, tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực để đạt mục tiêu đề ra.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thống nhất quan điểm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép. Trong lúc này, TP Hồ Chí Minh ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch để đưa TP trở lại bình thường.

Những nơi an toàn, điều kiện cho phép phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không cực đoan cũng không chủ quan, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.

Theo Thủ tướng, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện; đồng thời, phải bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh để thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp đã đề ra.

Cho rằng, việc chống dịch lần này ở TP Hồ Chí Minh là chưa có tiền lệ, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát tình hình thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Về các vấn đề chuyên môn, các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, kịp thời và điều chỉnh thường xuyên nếu tình hình thay đổi.

Ông cũng yêu cầu, phải rà soát, điều chỉnh, tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chỉ thị 16, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau, tránh bỏ sót nhiệm vụ.

Ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh

Chính phủ tiếp tục phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh hằng ngày với TP Hồ Chí Minh và yêu cầu, các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế phải ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của TP. Các bộ trưởng quyết định ngay theo thẩm quyền được giao, không xin ý kiến nhiều.

Một vấn đề nữa, Chính phủ tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu tổ chức tiêm nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả; nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về biến chủng mới của virus để có đối sách ứng phó phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Ông đặc biệt lưu ý phải quan tâm tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế ở TP Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ để không ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu tối thiểu.

Về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 16, theo Thủ tướng, cần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn ở các cấp, các ngành. Với các ổ dịch lớn, trên cơ sở các kinh nghiệm đã tích lũy được, phải có biện pháp, giải pháp khoanh vùng thật nhanh, thật gọn, giải quyết dứt điểm, nghiên cứu các cách làm mới trên cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm an toàn cho người dân.

Chuẩn bị cho phương án có thể đến 50.000 ca mắc

Chỉ thị 16 hạn chế tối đa di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp hết sức tỉ mỉ với TP Hồ Chí Minh để phân luồng, phân tuyến căn cứ vào tình hình dịch tễ từng khu vực, bảo đảm giãn cách xã hội nhưng không gây ách tắc giao thông.

Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Y tế là cần chuẩn bị cho phương án cao hơn, có thể đến 50.000 ca mắc, Thủ tướng đề nghị, TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản bố trí đủ nguồn lực. Đồng thời lưu ý, bệnh viện là pháo đài chống dịch, không để lây lan dịch bệnh từ bệnh viện.

Còn việc ách tắc trong khâu thẩm định, đánh giá trang thiết bị y tế nhập khẩu phục vụ chống dịch, Bộ Y tế phải tháo gỡ ngay vướng mắc, xem lại toàn bộ quy trình công nhận trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”.

Đề nghị TP Hồ Chí Minh cử cán bộ làm đầu mối chỉ đạo để điều phối công tác chi viện, hỗ trợ, Thủ tướng nhấn mạnh, “khi nào cần hỗ trợ, cần cái gì, bao nhiêu phải rất rõ ràng”.

Lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ COVID-19 cộng đồng để giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội, thực hiện đúng yêu cầu của Chỉ thị 16, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Ông giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, bám sát tình hình, không gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân do thiếu các nhu yếu phẩm.

Còn nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn, theo Thủ tướng, tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích các nhà máy cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Tăng cường hình thức làm việc trực tuyến.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình cách ly tại nhà, trên tinh thần tự nguyện; thiết lập các đường dây nóng để người dân gọi khi cần thiết.

Nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh”, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt quá quy định thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm