Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các tỉnh: Hà Nam, Kiên Giang về việc chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19.

Kiên Giang chấn chỉnh các bất cập

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết sau khi Thủ tướng phê bình, chấn chỉnh, 12 ngày qua, tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế.

Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện thần tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng, tập trung ở các xã, phường, thị trấn có mức nguy cơ cao và rất cao trên địa bàn 5 huyện, TP trong 5 ngày với 3 đợt.

Trên cơ sở kết quả tầm soát xét nghiệm diện rộng, tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình, thực hiện đánh giá lại mức độ nguy cơ và quyết định chuyển trạng thái theo từng vùng kể từ ngày 20/9.

Theo ông Bình, biểu đồ dịch của tỉnh trong 14 ngày qua theo hướng đi xuống dần, nhất là số ca phát hiện trong cộng đồng giảm mạnh. Đến ngày 23/9, số ca mắc mới trên toàn tỉnh trở lại 2 con số (93 ca, trong cộng đồng 3 ca) - thấp nhất trong 1 tháng 4 ngày qua.

Với Phú Quốc, ngay sau khi phát hiện ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại phường An Thới (chiều tối ngày 20/9), tỉnh đã tập trung lực lượng khẩn trương truy vết, khoanh vùng và tầm soát, xét nghiệm, phát hiện 109 ca dương tính.

“Trong sáng 25/9, Phú Quốc đang dốc toàn lực, triển khai tầm soát cho 100% hộ dân trên toàn đảo (hơn 27.000 hộ), quyết tâm kiểm soát dịch chậm nhất trước ngày 30/9”, Bí thư Kiên Giang cho biết, mục tiêu của tỉnh là phải từng bước chuyển hóa các vùng nguy cơ cao, rất cao; quyết tâm trở lại bình thường mới trước ngày 30/9.

Hà Nam kịp thời điều chỉnh giãn cách

Với Hà Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy, sau khi xét nghiệm tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao, địa phương đã phát hiện 99 ca mắc.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, sau vài tiếng, các tỉnh, TP xung quanh và Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng hỗ trợ Hà Nam. Tổng lực lượng huy động khoảng 10 nghìn người”, ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, ban đầu, tỉnh dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ TP Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân, nhưng khi báo cáo Thủ tướng yêu cầu xem lại. Bởi giãn cách diện rộng như vậy, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Sau đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã họp khẩn ngay trong đêm và đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm như có phường 12 nghìn dân chỉ phong tỏa 1 ngõ có 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu.

Theo ông Huy, điều này giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung nguồn lực cho các việc khác như xét nghiệm.

leftcenterrightdel
Qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết, ông đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh và phân tích: “Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không?”

“Tỉnh đã điều chỉnh rất kịp thời và hai ngày qua êm ả. Thay vì phải giãn cách 500 nghìn người thì chỉ giãn cách vài trăm người”, Thủ tướng ghi nhận Hà Nam đã thực hiện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Từ thực tế đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương trước khi thực hiện các biện pháp mạnh phải nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Trung ương, tính toán, suy nghĩ rất kỹ và báo cáo cấp trên trực tiếp.

Tương tự, với Kiên Giang, Thủ tướng đã yêu cầu phải xét nghiệm tầm soát tại Phú Quốc vì đây là địa bàn nguy cơ cao; đồng thời khoanh vùng hẹp nhất có thể, nên cả TP Phú Quốc vẫn hoạt động bình thường.

“Đây là gợi mở hết sức quan trọng từ thực tiễn để nới lỏng giãn cách, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, thay vì khoanh vùng rộng rồi lai rai kéo dài mà không dập được dịch”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, “cách duy nhất để tìm ra virus là xét nghiệm, nhưng xét nghiệm sao cho khoa học, tiết kiệm, hiệu quả”. Theo ông, xét nghiệm diện rộng không nhất thiết là xét nghiệm đại trà, xét nghiệm toàn bộ người dân. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết TP đã kiểm soát được dịch bệnh theo 7 tiêu chí của Bộ Y tế. Ông cũng nhắc tới một số kinh nghiệm của Đà Nẵng như coi xét nghiệm là biện pháp pháp căn cơ; có thể phong tỏa rộng tạm thời nhưng phải thần tốc xét nghiệm, tùy tình hình dịch tễ để quyết định phong tỏa hẹp đến từng hộ dân, từng cụm dân cư.

Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng thời gian qua đã chủ động, tích cực, là điểm sáng trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là địa bàn có nguy cơ rất cao do là trung tâm giao thương, vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải luôn cảnh giác cao. 

Hương Giang