Sáng ngày 7/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có nội dung “cứng”, nội dung “mềm”, tránh đi vào chi tiết

Nêu ý kiến, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói, xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia là nhiệm vụ “chưa có tiền lệ, rất khó”, nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. 

Ví von “Quy hoạch Tổng thể quốc gia như người lính mở đường, tạo động lực phát triển”, ông An lưu ý, quy hoạch phải khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá và thuận lợi để giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện.

Từ quan điểm đó, theo ông An, Quy hoạch Tổng thể quốc gia phải được tính toán khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ, cụ thể nhưng không được mâu thuẫn, thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.

“Quy hoạch Tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được đại hội Đảng ban hành”, đại biểu đoàn Đồng Nai nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: P.Thắng

Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.

Xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

“Những nội dung quy hoạch “cứng” như giao thông, đất đai, năng lượng, quốc phòng an ninh… thì nên “chốt” trong chiến lược này”, ông An nói.

Còn các nội dung khác mang tính định tính như vấn đề giáo dục, y tế… thì nên xác định là quy hoạch “mềm” để thực hiện xã hội hóa.

Tức là, Quy hoạch Tổng thể quốc gia phải vừa có nội dung “cứng”, nội dung “mềm”, để tránh đi vào chi tiết, chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí bó khung có thể hạn chế phát triển thời gian tới.

Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn dàn trải, ôm đồm

Đi vào nội dung cụ thể, ông An đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa - Nghệ An bên cạnh 4 vùng động lực kinh tế hiện có; xác định rõ ràng nông nghiệp mới là ngành có thể so sánh, có thể cạnh tranh với thế giới

“Những nội dung nào có lợi thế so sánh, cạnh tranh thì phải nêu rất rõ trong quy hoạch, chứ dàn trải thì chỗ nào cũng có, cũng ghi một chút sẽ không rõ được những gì chúng ta có khả năng cạnh tranh, trở thành điểm sáng thế giới”, ông An nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) thấy, Quy hoạch Tổng thể quốc gia “vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm” khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: P.Thắng 

Theo bà Nga, 6 vùng không gian phát triển đều có sản phẩm du lịch chính gần như giống nhau.

“Có vẻ như đây là sự liệt kê tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể”, bà Nga nhận xét và dẫn chứng, 4/6 vùng xác định sản phẩm du lịch chính là biển đảo, 5/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, 6/ 6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch biên giới gắn với cửa khẩu…

Chính vì cố gắng liệt kê hết những sản phẩm du lịch hiện đang có nên sản phẩm du lịch chính mỗi vùng lại quá nhiều, đều từ 10 sản phẩm trở lên.

Bà Nga cho rằng, sự ôm đồm một cách an toàn toàn, khiến quy hoạch chưa thực sự “trọng tâm, trọng điểm”, chưa đúng với quan điểm về tổ chức không gian phát triển; chưa sát với bài học kinh nghiệm được nêu trong bản quy hoạch là “phát triển phải dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng miền, địa phương”.

Vì thế, cần rà soát sản phẩm du lịch chính mỗi vùng theo hướng sản phẩm thật sự nổi trội, chứ không phải sự liệt kê có phần lộn xộn tất cả sản phẩm du lịch các vùng.

“Khi xác định được sản phẩm du lịch chính chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung đầu tư để phát triển. Còn cứ dàn trải, đầy đủ, e rằng lại rơi vào sự đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm và thiếu hiệu quả; không khắc phục được những hạn chế đang còn tồn tại”, bà Nga nói.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cũng đề nghị rà soát lại khái niệm sản phẩm du lịch vì thấy hiện nay “còn có sự lẫn lộn”.