Chiều 9/1, với 449 đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nghị quyết, Việt Nam phấn đấu ở giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 6,5 - 7,5% một năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Giải trình tiếp thu trước đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết có ý kiến đề nghị tính toán lại tỷ lệ đô thị hoá 70-75% đề xuất trong tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 50% để phù hợp với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định tại Chiến lược phát triển.

Ông Thanh cho hay, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa trung bình của các nước thu nhập cao đã đạt tới 81,5%. Dự báo của Liên hợp quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì tỷ lệ đô thị hóa trung bình của thế giới đến năm 2050 ở mức từ 68% - 80%

“Do đó, việc đặt mục tiêu đô thị hóa Việt Nam đến năm 2050 đạt từ 70-75% là phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như xu thế của thế giới”, ông Thanh giải thích.

Hình thành 6 vùng kinh tế - xã hội và 4 vùng động lực

Quy hoạch Tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 định hướng tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội; 4 vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia, và các hành lang kinh tế.

Theo đó, 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh, thành phố); Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).

4 vùng động lực, cực tăng trưởng, gồm: Vùng động lực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Về hành lang kinh tế, tới năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế.

Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc, kết nối vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.

Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM- Biên Hoà - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trong dài hạn, Việt Nam sẽ từng bước hình thành, hình thành hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Hành lang kinh tế này sẽ kết nối các vùng nguyên liệu cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, liên kết phát triển du lịch “con đường xanh Tây Nguyên”, tăng cường tác động lan tỏa của các đô thị trung tâm vùng.

Cũng trong dài hạn, sẽ hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Huy động vốn đầu tư, phát triển các loại thị trường vốn

Về huy động nguồn lực đầu tư thực hiện quy hoạch Tổng thể quốc gia sẽ gồm từ nguồn ngân sách, tư nhân và vay nước ngoài.

Theo đó, nguồn lực ngân sách thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ thông qua cơ cấu lại, chi đầu tư công, đẩy nhanh thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Nhà nước sẽ hoàn thiện chính sách và có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng cường nguồn thu cho ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất thuộc quy hoạch và tại các khu vực phát triển đô thị… để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm nhằm huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Huy động vốn vay nước ngoài với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, hiệu quả, tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, nâng cao chất lượng môi trường, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Hương Giang