Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Sau thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội tiến hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

Trước đó, sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước vào chiều ngày 2/4.

Cũng trong sáng ngày 5/4, sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch nước sẽ trình danh sách để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội sẽ về đoàn để thảo luận đề cử nhân sự này.

Qua 2 bước trên, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Tân Chủ tịch nước cũng sẽ báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách, tiến hành bỏ phiếu kín để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.

Cũng như tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước.

Chiều ngày 5/4, Chủ tịch nước  trình Quốc hội miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước sau đó. 

Kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV phải kiện toàn nhiều chức danh chủ chốt của Nhà nước, gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tổng khoảng 25 chức danh sẽ được bầu và phê chuẩn.

Với 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sau khi được bầu phải thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc tuyên thệ tại kỳ họp này là thuộc khoá XIV.

“Đến đầu nhiệm kỳ sau có thể bầu lại người đó, có thể bầu người khác, nhưng đương nhiên là người nào được bầu vào chức danh đó thì vẫn phải tuyên thệ. Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm và kiện toàn đợt này là thẩm quyền của Quốc hội khóa XIV. Đến tháng 7 này, chúng ta có Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác kiện toàn bộ máy”, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

"Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn càng ngày càng Xuân"

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi (sinh ngày 20/7/1954), quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị 3 khóa (XI, XII, XIII); Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa (X, XI, XII, XIII); đại biểu Quốc hội 3 khoá (XI, XIII, XIV).

Năm 2016, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần tuyên thệ trước Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước.

Giới thiệu chuyên đề Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII mới đây, đọc câu thơ ví von: "Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn còn gì là Xuân", ông Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về nhiệm kỳ vừa qua với sự kỳ vọng lớn: "Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn càng ngày càng Xuân". 

Hương Giang