Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.

Tại báo cáo này, Chính phủ cho hay, các chính sách phòng, chống dịch COVID -19 tại Nghị quyết 30 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ. 

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thời gian qua và kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31/12/ 2022 theo đúng Nghị quyết số 30.

Đề xuất tiếp tục chi trả chế độ với người điều động tham gia chống dịch

Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất chuyển tiếp thực hiện với 4 chính sách đã triển khai nhưng còn cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán.

Cụ thể, là các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch đã thực hiện trước 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30, các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán.

Lý do được Bộ trưởng nêu là theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố thì việc chi trả kinh phí cho một số hoạt động phòng, chống dịch COVID- 19 vẫn đang triển khai, chưa hoàn thành.

Như chi chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là 56,3 tỉ đồng.

Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 khoảng 1.826 tỉ đồng. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID- 19 khoảng 1.101 tỉ đồng.

Việc thanh toán bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 cũng chưa hoàn thành.

Do đó để bảo đảm quyền lợi cho quyền lợi của những đối tượng thụ hưởng các chính sách phòng, chống dịch theo quy định tại nghị Quyết số 30 cần thiết phải chuyển tiếp việc tiếp tục thanh toán.

Chính phủ cũng đề xuất tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá đối với vaccine mua bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ Vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân cho đến khi công bố hết dịch.

Bộ trưởng cho hay, theo quy định của Luật Dược, một trong các biện pháp quản lý giá thuốc là kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai.

Thực tiễn trong đàm phán mua vaccine phòng COVID-19, một số nhà sản xuất chỉ thực hiện đàm phán cấp Chính phủ (bao gồm đàm phán giá) và có yêu cầu bảo mật thông tin về giá (không thực hiện kê khai giá, công bố giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế).

Theo bà Lan, việc miễn thủ tục hành chính này giúp bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt trong đàm phán giá để bảo đảm nguồn vaccine phục vụ chống dịch. Đồng thời không làm phát sinh thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước (thủ tục công khai giá của doanh nghiệp và cơ quan quản lý là không cần thiết đối với vaccine phi thương mại).

“Quy định này về cơ bản bảo đảm phù hợp thực tiễn của tình hình dịch bệnh và các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam đang trong thời kỳ “hậu COVID-19” nhưng dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, vẫn xuất hiện nhiều biến chủng mới gây nguy hiểm cho cộng đồng và nhà sản xuất chưa thay đổi chính sách bảo mật về giá. Do đó, việc chuyển tiếp quy định trên là cần thiết”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp ở cấp độ 3, cấp độ 4 thì được phép áp dụng biện pháp “ngừng hoạt động” như trong tình trạng khẩn cấp.

Cạnh đó kiến nghị, tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phi phòng, chống dịch cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh đang thực hiện theo Nghị quyết 268 và 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi công bố hết dịch COVID-19.

Chính sách gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc không có tác động tiêu cực

Vấn đề nữa, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng áp dụng “giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã nộp hồ sơ gia hạn mà chưa được gia hạn theo quy định Luật Dược thì được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến ngày Luật Dược sửa đổi có hiệu lực thi hành theo danh mục thuốc do Bộ Y tế công bố với các trường hợp đạt các tiêu chí bảo đảm an toàn, hiệu quả”.

Nêu lý do, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện trên thế giới và các nước ASEAN đã có một số quốc gia thực hiện cơ chế gia hạn tự động như EMA (Châu Âu), US FDA (Hoa Kỳ), PMDA (Nhật Bản), HAS (Singapore)...

Theo bà Lan, nếu chính sách được ban hành sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân; đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dược và các doanh nghiệp có hoạt động liên quan, hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh. 

Cơ quan quản lý cũng có thời gian nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện thế chế, bổ sung nhân lực giải quyết hồ sơ. 

“Chính sách không có tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, về giới đối với người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thủ tục hành chính”, báo cáo Chính phủ khẳng định.

Hơn nữa, việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành như trên bảo đảm các thuốc được tiếp tục lưu hành là các thuốc đã được thẩm định, đánh giá và tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn, hiệu quả. 

Các thuốc này là các thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ), đã có đầy đủ dữ liệu chứng minh chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc.

Trong quá trình lưu hành, tất cả các lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trước khi xuất xưởng để lưu hành trên thị trường phải được cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoặc cơ sở kiểm nghiệm do Bộ Y tế chỉ định tiến hành kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo đúng.

Bộ trưởng cho biết, hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, các cơ sở y tế, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, các cơ sở sản xuất, đăng ký vẫn thường theo dõi, giám sát và báo cáo nếu phát hiện phản ứng có hại của thuốc.

“Thuốc sẽ bị thu hồi nếu vi phạm chất lượng hoặc có cảnh báo nghiêm trọng và cơ sở có thuốc vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo dự kiến, báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30 sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ hai vào tuần đầu của tháng 1/2023 (sau khi kết thúc nghỉ Tết Dương lịch).

Hương Giang