Chiều ngày 7/5, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Toạ đàm “Tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm”. Tại đây vụ án tử tù Hồ Duy Hải đang được xét xử giám đốc thẩm được các đại biểu Quốc hội, luật sư đề cập đến.

“Sai mà không sửa là sự méo mó của nền tư pháp”

Theo giám sát của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng. Trong khi, tỷ lệ giải quyết của ngành Tòa án (TA) chưa cao mới được 51%, chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội.

Vậy, vì sao đơn đề nghị giám đốc thẩm nhiều? Theo luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa có nhiều nguyên nhân, trong đó sơ thẩm, phúc thẩm làm chưa tốt.

“Nếu cấp sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì giám đốc thẩm sẽ giảm xuống”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, trong các vụ án hình sự, giám đốc thẩm là do sai trái có thể do khâu điều tra, kiểm sát hay TA.

Dẫn chứng vụ tử tù Hồ Duy Hải, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho hay, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã giám sát trực tiếp, cá nhân ông cũng là thành viên trong đoàn giám sát đã họp rất nhiều cuộc với sự tham dự của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

“Có những cái sai phải sửa, vì nếu sai mà không sửa thì đó là sự méo mó của nền tư pháp”, đại biểu nêu quan điểm. Theo ông, mấu chốt nhất trong vụ Hồ Duy Hải là vấn đề chứng cứ.

“Một nguyên tắc rất cơ bản của pháp luật hình sự của mọi quốc gia văn minh là phải đủ chứng cứ mới buộc tội. Hiến pháp, Bộ Luật Hình sự của chúng ta cũng quy định như vậy.

Luật pháp Việt Nam văn minh không kém nước nào, tại sao không làm vậy? Có thể anh nghi ngờ người ghê lắm, nhưng muốn buộc tội người ta thì phải có đủ chứng cứ. Một khi không đủ chứng cứ thì không được buộc tội người ta”, ông Nghĩa nêu.

Vị luật sư nói tiếp, vật chứng trong vụ án Hồ Duy Hải là cái thớt thì được đi mua cái khác giống như vậy. “Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Gây “bão” dư luận vì những điều rất “sơ đẳng”

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, có rất nhiều vụ án gần đây gây “bão” dư luận vì những điều rất sơ đẳng. Trong đó có vụ Hồ Duy Hải khi các chứng cứ chứng minh “có rất nhiều vấn đề”.

“Vụ này đã qua khâu kiểm soát ở giai đoạn giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao. May mắn là nó đã dừng lại ở khâu kiểm soát đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước. Giờ thì chúng ta đang hồi hộp chờ kết quả”, ông Hùng phát biểu.

Cũng nhắc đến Hồ Duy Hải đang được dư luận đặc biệt quan tâm, theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện, rất may trong vụ này còn bộc lộ một số “lỗ hổng, sơ xuất” mà Uỷ ban Tư pháp đã phát hiện ra.

Nhưng ông Nhưỡng lưu ý, có những trường hợp đã bị “bịt” khiến TA không thể phát hiện được. “Quá trình điều tra, quá trình làm hồ sơ, người ta đã làm quá “tròn”, thậm chí tìm mọi cách để “bịt” rồi”, đại biểu cho hay.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng xét xử, giảm đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm? Theo các đại biểu, đầu tiên phải tuyển chọn được đội ngũ cán bộ ngành TA chất lượng.

“Chất lượng xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào công tác cán bộ”, Phó Ban Dân nguyên nói. Theo ông Nhưỡng, do án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa thấu tình, đạt lý, chất lượng không cao, nên người ta không phục phải tiếp tục đi.

“Khi tôi còn là luật sư, đi bào chữa, có những bản án viết như vỡ lòng, rất buồn. Quyền lợi bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người ta tiếp tục phải khiếu nại thôi”, ông Nhưỡng cho hay.

Hương Giang