Chiều muộn ngày 6/10, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tại buổi họp báo, báo chí nêu câu hỏi, Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là một điểm mới. Vậy Trung ương có bước chuẩn bị như thế nào để vận hành bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động trơn tru khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước?

Trả lời, theo Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh, tại Hội nghị Trung ương 8, 100% Ủy viên Trung ương Đảng chính thức có mặt (175/175 Ủy viên) đã đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Còn về sự chuẩn bị cho sự vận hành bộ máy của Đảng, Nhà nước sau khi Quốc hội bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước, ông Vĩnh cho hay, trong lịch sử, nước ta từng có giai đoạn hàng chục năm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước.

“Có thể nói chúng ta đã có kinh nghiệm, truyền thống nên không có gì đáng ngại về việc này”, ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh nêu, hiện có 4 Văn phòng ở Trung ương gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.

4 Văn phòng này đã có quy chế phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo tốt công việc được giao của từng Văn phòng cũng như phục vụ tốt các công việc của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

“Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, tôi nghĩ rằng, có khi sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng, Nhà nước”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, không nên đặt vấn đề sáp nhập Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng. Thời Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước, 2 cơ quan này cũng riêng biệt trong hàng chục năm.

Ông Lê Quang Vĩnh giải thích rõ, Văn phòng Trung ương Đảng (tên đầy đủ là Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng) có nhiệm vụ giúp việc, phục vụ, tham mưu cho cả Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đối với Tổng Bí thư có Văn phòng Tổng Bí thư gồm các trợ lý và thư ký.

Còn Văn phòng Chủ tịch nước cũng không phải giúp việc riêng cho một mình cá nhân Chủ tịch nước vì Chủ tịch nước vừa là một chế định, một pháp nhân đồng thời cũng là một thể nhân.

Liên quan tới câu hỏi về việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước có tiếp tục duy trì trong nhiệm kỳ sau hay không?, ông Vĩnh nói, nhìn ra thế giới, người đứng đầu Đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu Nhà nước hoặc đứng đầu Chính phủ.

“Đây là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế. Vì vậy, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đây cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân mà như báo chí phản ánh là được nhân dân rất hoan nghênh”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vĩnh, nhiệm kỳ tới việc Tổng Bí thư có đồng thời là Chủ tịch nước hay không phụ thuộc quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và tình huống cụ thể.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về nêu gương

Trả lời câu hỏi về nội dung quy định nêu gương, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, cho biết tại hội nghị, Trung ương đã nhất trí rất cao về việc ban hành quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng.

Ông Sơn cho hay, theo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là vấn đề khó và nhạy cảm, cực kỳ phức tạp. Do đó, cơ quan chủ trì là Ban Tổ chức Trung ương rất thận trọng trong nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.

Theo ông Sơn, tại hội nghị đã có 148 ý kiến khác nhau góp ý cho quy định này. Bộ Chính trị đã giải trình cơ bản nhưng thấy rằng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Cho nên, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để sớm ban hành.


Hương Giang