Có được dấu mốc huy hoàng ấy, là cả một hành trình đấu tranh gian khổ, những cuộc đấu trí căng thẳng bất kể ngày đêm của quân dân ta, cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Và tại Paris, đã có những câu chuyện không thể không nhắc đến…

Khi kinh đô ánh sáng trở thành sự lựa chọn cuối cùng

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, thắng lợi của Việt Nam ta trên bàn đàm phán Paris là thắng lợi của tổng hòa sức mạnh quân sự, chính trị và ngoại giao cùng với những lựa chọn chiến lược sáng suốt của Đảng ta. Trong đó, phải kể đến sự tài tình trong việc lựa chọn địa điểm cho cuộc đàm phán lịch sử.

Vì sao Paris lại được lựa chọn là địa điểm diễn ra cuộc đàm phán và Paris đã “góp công” như thế nào cho chiến thắng cuối cùng... là câu hỏi không ít người đã đặt ra và đã được các nhà ngoại giao có mặt tại kinh đô ánh sáng những ngày tháng lịch sử ấy chia sẻ.

Thực đó, ngay sau khi Việt Nam và Mỹ đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh Việt Nam, tháng 4/1968, hai bên đã cùng đưa ra những địa điểm để lựa chọn cho cuộc thương lượng. Mỹ đề nghị Vientiane, Tokyo, sau đó Bangkok và một số thủ đô ở Đông Nam Á với lý do để gần và tiện cho phía Việt Nam thì phía ta lại chọn Phnompenh, Warsaw... Tuy nhiên, hai bên đã không thống nhất được với nhau. 

Theo hé lộ của ông Võ Văn Sung, 1 trong 5 thành viên của đoàn Việt Nam tham gia lễ ký kết Hiệp định Paris, phía Mỹ từng đồng ý với ta họp ở Paris hai bên, rồi bốn bên, nhưng sau ngày 27/1/1973, họ lại tỏ ra không thích địa điểm này lắm. Khi cùng ta bàn việc họp Hội nghị Quốc tế về Việt Nam cuối tháng 2/1973, ban đầu Mỹ không muốn chọn Paris làm địa điểm. Do ta kiên trì và vì những lý do khác, cuối cùng phía Mỹ mới chịu đồng ý.

Theo ông Võ Văn Sung, Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai đoàn đàm phán của ta; trong đó có những yếu tố thuận lợi là: Chính giới Pháp, phong trào quần chúng, lực lượng cánh tả, báo giới và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Pháp.

Trước hết phải kể đến sự ủng hộ hết sức của Chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp đã rất hoan nghênh việc ta đề nghị chọn Paris làm địa điểm đàm phán và đã tạo mọi thuận lợi cho các cuộc đàm phán (đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Hoa Kỳ năm 1968; đàm phán bốn bên từ năm 1969 đến 1973; đàm phán “bí mật” Lê Đức Thọ - Kissinger từ năm 1970 đến 1973 và cuộc đàm phán hai bên miền Nam Việt Nam ở La Celle-Saint Cloud từ tháng 3/1973 đến tháng 4/1974); tạo mọi thuận lợi cho các đoàn, đặc biệt là cảnh sát Pháp đã rất vất vả để lo an ninh cho các đoàn trong suốt 5 năm. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm Các hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN 

Thêm vào đó, Paris là trung tâm báo chí không chỉ của châu Âu mà của cả thế giới, trong đó nhiều báo chí có cảm tình với Việt Nam, có thể giúp tranh thủ dư luận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Báo L’Humanité (Nhân đạo) đã tạo ra một diễn đàn thực sự cho các nhà đàm phán Việt Nam là Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình...

Thêm nữa, Paris là “đại bản doanh” của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) - một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ đồng thời đã dành cho Việt Nam những sự giúp đỡ vô điều kiện như cho nhường hẳn phòng họp của Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở phố Kleber suốt gần 5 năm cho các cuộc đàm phán; tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ các cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Nhiều đảng viên PCF còn xin nghỉ một tháng phép để đến phục vụ hai đoàn Việt Nam…

Paris cũng là nơi Hội Việt kiều yêu nước hoạt động rất mạnh. Chính họ đã là lực lượng hùng mạnh, hậu thuẫn tích cực cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam. Nhiều người Việt Nam giỏi tiếng Pháp đã tình nguyện làm phiên dịch, biên dịch, ghi biên bản các cuộc họp, họp báo...

"Paris là địa điểm đàm phán mà ta và Mỹ đã nhất trí lựa chọn theo đề xuất của ta. Qua những gì xảy ra, cho đến giờ, tôi càng thấy Paris quả là địa điểm rất tốt cho ta trong cuộc đàm phán với Mỹ”- ông Võ Văn Sung nhớ lại.

Cùng chung góc nhìn, ông Phạm Ngạc - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao, từng là thành viên của phái đoàn VNDCCH cũng cho biết: “Ta đồng ý ở Paris thì có ý nghĩa khác, đó là ngay lúc đó chính Tổng thống Pháp Charles de Gaulle cũng đã lên án Mỹ trong chính sách tại Việt Nam. Ngoài ra, Pháp là nơi có lực lượng Đảng Cộng sản rất mạnh, Việt kiều rất đông và cũng là nơi Cụ Hồ khởi sự ra cuộc đấu tranh quốc tế”.

Ông Phạm Ngạc cho biết thêm: “PCF đã dành cho ta chỗ họp an ninh rất tốt, đầy đủ các phương tiện; phòng ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách rất tốt. Trong suốt quá trình 5 năm Hiệp định Paris có rất nhiều chuyện nhưng chưa bao giờ bị lộ bí mật. Đó là một thành công, hậu cần rất thuận lợi. Từ chỗ tưởng như rất khó khăn cho Việt Nam nhưng bây giờ lại rất thuận lợi và khó nơi nào có được như vậy”.

8 cuộc họp, 2 tháng tranh cãi về… chiếc bàn đàm phán

“Đây có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bắt đầu tháng 11/1968, kết thúc ngày 27/1/1973. Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10/1968, tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến thế” - “nữ tướng” Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tại Hội nghị Paris, đã viết như vậy trong cuốn hồi ký của bà về Hội nghị Paris năm 1973.

Theo bà, có rất nhiều lý do khiến cuộc đàm phán kéo dài đến như vậy, trong đó có cả câu chuyện về việc lựa chọn dạng bàn để ngồi đàm phán. “Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như vậy: Trước tiên là đấu tranh về cái bàn”, bà Nguyễn Thị Bình cho biết.

leftcenterrightdel

Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh: TL 

Thực ra, theo nhiều nhà quan sát, việc đấu tranh về hình thù chiếc bàn thực chất là cuộc đấu tranh về tính chất pháp nhân của các bên đàm phán, về thành phần tham gia. Chỉ riêng những tranh luận gay gắt về thành phần tham gia “4 bên hay 2 bên” cũng đã mất nhiều tháng.

Ban đầu, Hội nghị Paris là hội nghị hai bên giữa phái đoàn VNDCCH và Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ  khăng khăng cho rằng cần có sự tham gia của phái đoàn Chính phủ Sài Gòn. Phía VNDCCH phản đối những đòi hỏi đó và đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và để MTDTGPMNVN tham gia hội đàm bởi miền Bắc không thể đại diện cho miền Nam mà phải có mặt của đoàn miền Nam. Bởi lập trường cương quyết của Chính phủ VNDCCH, phía Mỹ buộc phải chấp nhận ngồi cùng bàn đàm phán với MTDTGPMNVN và từ tháng 6/1969, là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Mãi đến tháng 1/1969, nghĩa là mất tới 6 tháng, sau những tranh cãi gay gắt và bất đồng về quan điểm, lập trường hai bên mới đi đến thống nhất về thành phần tham dự hội nghị, gồm bốn đoàn: VNDCCH, MTDTGPMNVN, Mỹ và Việt Nam Cộng hoà.

Trở lại câu chuyện về chiếc bàn. Theo ông Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó trưởng Đoàn Đàm phán (giai đoạn 1) của Việt Nam ở Hội nghị Paris, ở giai đoạn 2, ngày 4/12/1968, ông gặp Phó đoàn Mỹ Vance chủ yếu là bàn về thủ tục phòng họp ở đâu, nói bằng thứ ngôn ngữ nào, ai sẽ nói trước, hình thù cái bàn ngồi họp ra sao...

Chỉ riêng chuyện cái bàn, phía Mỹ đã kéo thành 8 cuộc họp, mất gần hai tháng để Vance tranh luận. Phó đoàn Mỹ Vance đã đưa ra… 10 kiểu bàn, từ bàn hình vuông, hình chữ nhật, hình bầu dục cắt dọc, hình quả trám hai đầu hở, hai đầu liền, hình tròn cắt đôi… kèo nèo quanh chuyện hình dáng mặt bàn, chân bàn… thực chất là cố tình trì hoãn và muốn kéo dài thời gian để vực dậy quân đội Sài Gòn trước lúc họ rút lui; đồng thời cố tình phủ nhận vai trò của MTDTGPMNVN có mặt tại hội đàm.

Ở lần họp thứ 6, Phó đoàn Hà Văn Lâu đưa ra hai kiểu bàn mới hình thoi và hình tròn chia tư.

Đến cuộc họp lần thứ 7, Vance  đưa ra hai kiểu bàn: Hình bầu dục cắt dọc đôi và hình tròn cắt đôi, phía Việt Nam bác bỏ...

Đến ngày 3/1/1969, tại lần họp thứ 8, suốt 4 giờ liền Vance tranh luận với ông Lâu về chuyện cái bàn.

Đến lần họp thứ 9 (12/1), hai bên tiếp tục tranh cãi, phía Mỹ giữ quan điểm cái bàn ngồi phải thể hiện là họp hai phía, ta không chịu, đòi phải thể hiện rõ bốn bên.

Phải đến lần họp thứ 10 ngày 16/1, khi Liên Xô đưa ra sáng kiến chiếc bàn tròn, không phân biệt ranh giới cụ thể giữa 4 đoàn, phía Mỹ mới chịu chấp nhận.

Cũng theo ông Hà Văn Lâu: Trên bàn họp không có cờ, không có bảng tên từng đoàn. Đoàn VNDCCH ngồi đối diện với đoàn Mỹ, còn đoàn MTDTGPMNVN ngồi đối diện với đoàn Việt Nam Cộng hoà.

Hành trình để chinh phục kẻ thù ở kinh thành Paris cách đây 50 năm đã thật gian truân, nhưng tài trí, bản lĩnh Việt Nam cuối cùng đã mang mùa Xuân Paris về cho dân tộc, mang lại cái Tết hoà bình đầu tiên…

Hà Anh