Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật PCTN (sửa đổi)

Thứ tư, 19/09/2012 - 06:42

(Thanh tra) - Chiều 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi).

Luật PCTN có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác PCTN, nhất là trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Qua 6 năm thực hiện, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện: Hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật PCTN đã bộc lộ 1 số hạn chế, bất cập, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Các quy định về biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng còn chung chung, chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện… Do đó, v
ề cơ bản, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với các quan điểm và nguyên tắc sửa đổi Luật PCTN đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật PCTN (sửa đổi) là quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (điều 87). Ở nội dung này, dự thảo luật đưa ra 3 phương án:

Phương án 1, xác định rõ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước và Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực.

Phương án 2, quy định trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Phương án 3, xác định Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan Nhà nước, cho nên luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này.

Tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp nghiêng về phương án 3. Vì, phương án 3 là thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 và tuân thủ tiền lệ xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác PCTN. Theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tùy theo thẩm quyền đều có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác PCTN.

Một số nội dung khác như quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 52); đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập (Điều 48) cũng được nhiều ý kiến tập trung thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng rất thấp. Để khắc phục hạn chế, bất cập này, cần quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như: Cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ về quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 52) nghiêng về phương án 1, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, luật sửa đổi chỉ nên quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và đối tượng kê khai tài sản chỉ nên là cán bộ viên chức, mở rộng ra không có tính khả thi.

Làm rõ thêm ý kiến của một số Uỷ viên Thường vụ Quốc hội đặt ra trong việc sửa đổi dự thảo Luật PCTN lần này có khắc phục được những hạn chế bất cập, có bảo đảm tính khả thi và phục vụ hiệu quả trong công tác PCTN sắp tới hay không? Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thẳng thắn nhìn nhận do thời gian sửa đổi quá gấp (2 tháng), nên cách thể hiện chưa rõ ràng và chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, Dự án Luật bảo đảm đúng quy trình và tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh. Việc Chính phủ trình sửa đổi toàn diện luật lần này nhằm khắc phục những bất cập trong 5 năm qua. Nói đến tính khả thi của Luật, Tổng Thanh tra cho rằng, cần phải tính đến quá trình triển khai, bên cạnh đó khi luật triển khai phải có cơ chế đồng bộ chặt chẽ và bài bản…

Để bảo đảm theo đúng tiến độ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo và Uỷ ban Tư pháp có sự phối hợp để xử lý những phần còn khác nhau, nghiên cứu, rà soát lại, sớm hoàn chỉnh dự thảo để gửi cho các đại biểu Quốc hội, cho ý kiến trước khi trình thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới.

Ánh Tuyết 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm