Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từ bài ca độc lập đến tự chủ, tự cường

Thứ hai, 29/08/2011 - 15:54

(Thanh tra) - Trong vòng 10 ngày từ 19 đến 28 tháng 8 hầu hết các tỉnh và thành phố đều nổi dậy khởi nghĩa. Phát xít Nhật thua trận không dám hành động. Chế độ quân chủ bị lật đổ. Chính quyền trong cả nước hoàn toàn về tay nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình

23 giờ đêm 13 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa ra “Quân lệnh số 1” hạ lệnh Tổng khởi nghĩa: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến! Thắng lợi nhất định về ta”. Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền Độc lập - Tự do.

Ý chí quyết chiến của hội nghị Diên Hồng thuở trước giờ đây đang sống lại và bội phần mãnh liệt tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong 2 ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1945, đã giải quyết vấn đề trọng đại: Quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đại hội quy định quốc kỳ, quốc ca, 10 chính sách lớn và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời sau này. Đồng chí Hồ Chí Minh, sau bao năm đấu tranh kiên cường vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đã được đại hội nhất trí bầu làm Chủ tịch.

Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Hồ Chủ tịch từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những công tác đối nội và đối ngoại, quyết định việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời.

Theo phân công của Ban Thường vụ, Người khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Trên chiếc bàn ăn của căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hồ Chủ tịch đã viết một văn kiện lịch sử bất hủ, đời đời khắc sâu vào cuốn sử vàng oanh liệt của dân tộc - Bản Tuyên ngôn Độc lập…

Từ sáng sớm ngày mùng 2 tháng 9, hàng chục vạn người, những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh” đổ dồn về phía Ba Đình cùng muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ.

Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập?... Và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Bản Tuyên ngôn đồng thời khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam, quyết giữ vững quyền thiêng liêng ấy: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ba mươi năm sau ngày “Tuyên ngôn Độc lập”, năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc - dân chủ, tiến hành thống nhất nước nhà. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ giành thắng lợi cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt đến độ thiên tài.

Những bài học lịch sử về Cách mạng Tháng Tám còn rất nhiều nhưng bài học về nắm bắt thời cơ cho đến nay vẫn là bài học nóng hổi, mang tính thời sự trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay.

Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh, ra khỏi sự kiệt quệ kinh tế và đang trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh trên thế giới. Một nước có diện tích và dân số thuộc vào những nước đứng nhóm đầu, tiềm năng rất lớn còn chưa được khai thác đúng mức như nước ta là một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận. Một đất nước ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng ngày càng được củng cố... tạo ra nhiều lợi thế đối nội và đối ngoại. Đó là cơ sở xuất hiện những thời cơ, để vươn lên dân giàu nước mạnh.

Ngày nay, thế giới đang diễn ra mạnh mẽ cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn đưa năng suất lao động lên rất cao. Xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng mạnh. Đồng thời, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đó là những thời cơ mới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Ở nước ta, đường lối, chính sách hơn hai mươi lăm năm đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho đất nước tiến lên theo xu thế phát triển chung của thời đại. Đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện đường lối phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương tích cực và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó còn là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Bước vào sân chơi WTO đã mở ra cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi mới để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tất yếu nảy sinh không ít khó khăn, thách thức mới cả trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta, cơ hội và thách thức luôn đan xen, lồng ghép vào nhau, trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, càng đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để hạn chế những khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội.

Tuy đất nước đã đạt được nhiều thành tựu mới trong quá trình chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới những năm vừa qua, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít nguy cơ và thách thức, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang ngày đêm ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng nước ta.

Vì vậy, đòi hỏi cao nhất đối với Đảng, Nhà nước ta, đối với mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên là tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và vận dụng thành công trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 - 1946.

Vận dụng “bất biến” tức là không vì quyền lợi hay lợi ích nhất thời, cục bộ của tổ chức, cá nhân nào đó mà bất chấp nguyên tắc, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tập thể. Phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội lên trên hết.

Thực hiện phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế cũng phải luôn “ứng vạn biến”, biết phân tích, dự đoán và mau lẹ chớp lấy thời cơ, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đó là thước đo bản lĩnh cách mạng, sự mẫn cảm và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta trong thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta.

Một đất nước Việt Nam non trẻ, tính từ ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ấy, đến nay chỉ vừa tròn 66 tuổi. Những thế hệ trường chinh, giờ đây có người vẫn tiếp tục chung tay trong sự nghiệp dựng xây đất nước. Nhiều thế hệ đang cùng hát chung từ bài ca độc lập đến tự chủ, tự cường, dân chủ và hạnh phúc. Tất cả vẫn còn đó một khí thế. Khí thế của dân tộc Việt quật cường.

Phan Mai

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm