Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát Năm 2011, Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ chủ trương cắt giảm đầu tư công. Kết quả đã cắt giảm, điều chuyển trên 81.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư xã hội đã giảm từ 41,9% GDP năm 2010 xuống 34,5% GDP năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện cả năm 2011 đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 106 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2010. Nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, tăng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu đề ra (không quá 18%). Tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhưng năm 2011, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát đã được kiểm soát, giá cả giảm liên tục trong 6 tháng qua. Dự báo cả năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18%. “Chúng tôi cho rằng, năm 2012, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 9%. Lãi suất tín dụng của hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm cùng với việc giảm chỉ số tiêu dùng. Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành theo xu hướng này để ổn định giá đồng tiền Việt Nam. Điểm đáng trân trọng là xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 tăng khá cao, nhờ đó, Việt Nam đã giảm mạnh nhập siêu. Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam bảo đảm cân đối. Sản xuất kinh doanh ở Việt Nam tiếp tục được duy trì và tăng trưởng cả về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhờ đó, tăng trưởng GDP được duy trì”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.Chính phủ Việt Nam tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi cho người dân. Năm 2011, Việt Nam thực hiện khá tốt việc này và đã tiếp tục giảm được 2% số hộ nghèo; giải quyết được 1,6 triệu việc làm; thất nghiệp ở thành phố dưới 4%. Năm 2012, Việt Nam cam kết thực hiện tốt hơn, làm tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân. Thực hiện hài hòa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, bảo đảm cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu hơn nền kinh tế thế giới. Thực hiên công khai, minh bạch hơn và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn sự trợ giúp quý báu của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ và cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế mà cụ thể trước mặt là việc giải ngân vốn ODA. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tự do dân chủ của người dân vừa là mục tiêu vừa là đồng lực phát triển của Việt Nam. Và là nhà nước pháp quyền thì mọi công dân phải thực hiện quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam sẵn sàng đối thoại, chia sẻ thẳng thắn vấn đề này với cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ Tập trung 3 lĩnh vực, 3 khâu đột pháÔng Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2011, tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%. Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 vượt kế hoạch, đáp ứng các nhu cầu chi, trả nợ và giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, dự trữ ngoại hối còn thấp, áp lực đối với tỷ giá còn lớn. Nhất là, do ảnh hưởng của lạm phát, giá đầu vào tăng cao, sản xuất tăng trưởng chậm, hiệu quả kinh doanh giảm nên việc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn. Ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 đạt khoảng 34,5%. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tai nạn và ùn tắc giao thông, các tệ nạn xã hội… còn nhiều bức xúc.Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao tính hiệu quả, tính cạnh tranh của nền kinh tế, theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ, tín dụng với chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát.Đồng thời, tập trung nguồn lực đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế. Trước mắt trong năm 2012, tập trung vào 3 lĩnh vực: Cơ cấu lại đầu tư trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại thị trường tài chính trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại. Cả 3 nội dung tái cấu trúc trên được thực hiện đồng bộ với các chính sách tài khóa tiền tệ đúng đắn cùng với việc thực hiện 3 khâu đột phá là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập mới môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là các công trình trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, điện, hạ tầng đô thị lớn.Bảo đảm tính lành mạnh của khu vực tài chính Tại hội nghị, các nhà tài trợ đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Việt Nam trong năm 2011 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế năm 2012, nhất là định hướng tái cơ cấu nền kinh tế.Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam đã đạt được mức phát triển thuộc nhóm thành công nhất trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã giúp hàng triệu người dân Việt Nam thoát nghèo. Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đang được thực hiện đúng tiến độ. Liên hợp quốc hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam quyết định thiết lập một mô hình tăng trưởng kinh tế mới, đồng thời vận động mạnh mẽ hướng tới tăng trưởng cho tất cả mọi người. Liên hợp quốc cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một chiến lược toàn diện về tăng trưởng xanh và vì người nghèo. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể còn tiếp diễn, Liên hợp quốc khuyến nghị việc cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế cần tính đến xây dựng khả năng chống đỡ trước những cú sốc không thể dự đoán trước được cả từ bên trong và bên ngoài đối với kinh tế, đối với cuộc sống của người dân cũng như trước biến đổi khí hậu. Theo bà Pratibha Mehta, Chính phủ Việt Nam cần áp dụng các phương thức đo lường nghèo đa chuẩn, đồng thời điều chuẩn nghèo chính thức theo từng năm để làm cơ sở cho việc xác định đối tượng trợ cấp xã hội. Điều chỉnh mức trợ cấp an sinh xã hội sao cho tương xứng với giá cả gia tăng và mức lương tối thiểu của người lao động. “Thắt chặt chi tiêu ngân sách là một việc làm quan trọng nhưng không nên đồng nghĩa với việc cắt giảm đầu tư cho công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trấn áp tệ nạn tham nhũng, thất thoát và sự tham gia rộng lớn hơn, nhiều hơn của các tổ chức dân sự trong quá trình phát triển sẽ giúp chúng ta có những bước tiến dài trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch”, bà Pratibha Mehta nói. Ông SanJay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm đầu tư và thâm hụt ngân sách. Để ổn định nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, ông SanJay Kalra cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh và dứt khoát bảo đảm tính lành mạnh của khu vực tài chính. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ chính sách tiền tệ nhiều hơn trong việc giảm lạm phát. Những rủi ro tại khu vực tài chính cần được giải quyết không chậm trễ. Ngoài ra, cải cách các doanh nghiệp nhà nước theo dự kiến của Chính phủ là rất quan trọng để giảm rủi ro cho nền kinh tế và tăng trưởng dài hạn nên cần tăng cường việc giám sát, quản lý để cải thiện kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng tương đối hoàn thiện Tại Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng đã báo cáo tóm tắt kết quả kỳ Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10. Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng (hàng đầu, ngồi giữa) cho biết, các đại biểu quốc tế đồng tình với nhận định là hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam hiện nay tương đối hoàn thiện, nhưng cần tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trên thực tế. Cần khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của báo chí, các tầng lớp xã hội vào công tác PCTN. Nhất là, cần lựa chọn một vài lĩnh vực cụ thể “đang là điểm nóng” về tham nhũng để nỗ lực thực hiện những giải pháp hiệu quả nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong một vài năm. Thanh tra Chính phủ và Bộ Phát triển Anh quốc tại Việt Nam cũng như các nhà tài trợ quốc tế đồng thuần khẳng định, Đối thoại về PCTN đã tác động tích cực tới quá trình hoàn thiện chính sách, giải pháp PCTN của Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành; tạo ra hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường sự tham gia của xã hội vào công tác PCTN. Đối thoại PCTN phù hợp với sự quan tâm và lợi ích của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi thông tin, tạo cơ hội thảo luận về những vấn đề quan trọng, điều phối các hoạt động hỗ trợ công tác PCTN trong những lĩnh vực cụ thể. Một số khuyến nghị nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa tin, phản ánh các nội dung của Đối thoại để tạo sự lan tỏa những tác động tích cực của Đối thoại; góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và khuyến khích sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN. Các bên đồng ý tiếp tục duy trì Đối thoại với những bổ sung, điều chỉnh hợp lý cho các kỳ Đối thoại trong tương lai. Hồng Hà