Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 29/05/2012 - 20:20
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bà Bạch Thị Hương Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Theo Chương trình, dự thảo luật Luật phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã nêu lên các nội dung lớn trong dư thảo gồm phạm vi điều chỉnh; xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Ngày Pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật...
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, quy định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong dự thảo Luật. Đây là việc làm cần thiết vì thực tiễn thời gian qua, hình thức này đang phát huy tác dụng trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng này. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị ban soạn thảo cần xác định rõ hơn và có những quy định cụ thể về trách nhiệm của Hội đồng trong dự thảo Luật.
Cũng về nội dung này, đại biểu Bùi Văn Xuyên (Thái Bình) đánh giá quy định như trong dự thảo Luật: “Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” là phù hợp và sát với tình hình thực tế. Trên cơ sở tán thành với việc cần có Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị cần quy định nội dung này cụ thể trong dự thảo Luật, hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định để khi Luật có hiệu lực sẽ thực thi ngay, không phải chờ đợi.
Xung quanh nội dung quy định về Ngày Pháp luật (Điều 8), qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Huỳnh Văn Tính cho rằng việc quy định trong luật Ngày Pháp luật là cần thiết để tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện đất nước ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật (Chương II) một số ý kiến đề nghị rà lại để lược bỏ đối tượng không cần thiết và bổ sung đối tượng đặc thù cho hợp lý. Vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một số nhóm đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, việc xác định rõ một số đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị bỏ mục 2 chương 2 và thay vào đó bằng 1 điều luật. Đại biểu nhận xét: việc quy định 6 nhóm đối tượng đặc thù trong dự thảo Luật sẽ xảy ra trường hợp vẫn thiếu những đối tượng cần đưa vào diện đặc thù hoặc có những trường hợp thực chất không chỉ họ cần được tuyên truyền mà phải hướng tới cả xã hội. Đại biểu dẫn chứng cụ thể như đối tượng khuyết tật thì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần hướng tới đối tượng là cộng đồng xã hội, chứ không chỉ là người khuyết tật, hay đối với nạn nhân của bạo lực gia đình cũng vậy, ngoài đối tượng bị bạo hành thì cả xã hội cần phải được tuyên truyền để hiểu về việc làm này chứ không riêng gì người bị bạo hành.
Bàn về phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động- là một đối tượng đặc thù trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng quy định như trong dự thảo luận là chưa khả thi. Theo đại biểu, trong dự thảo Luật cần có chế tài cụ thể yêu cầu chủ doanh nghiệp có trách nhiệm trong phổ biến tuyên truyền pháp luật, tạo quyền tiếp cận pháp luật cho người lao động. Đồng thời cần bổ sung hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay trên xe đưa rước công nhân hay trong giờ ăn, qua loa...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề: đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường theo chương trình.
(Theo TTXVN)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Văn Thanh
08:28 14/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà