Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những bài học đắt giá

Thứ tư, 30/05/2012 - 11:52

(Thanh tra) - Thực trạng khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai đã và đang diễn ra là một loại hình điểm nóng xã hội bức xúc nhiều năm nay ở nước ta, đặc biệt diễn ra vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trường hợp người dân ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng làm đơn kiến nghị, khiếu nại liên quan đến giao và thu hồi đất chỉ là một khía cạnh trong nhiều vấn đề, tại một địa điểm, diễn ra trên nhiều địa bàn của cả nước.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng giám sát thực tế nơi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang - Tiên Lãng (Báo Hải Phòng)

Hiện tại, điểm nóng liên quan đến đất đai tại huyện Tiên Lãng đã tạm thời lắng dịu sau khi có kết luận và sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vụ việc diễn ra ở Tiên Lãng có thể chỉ là sự bộc lộ phần nổi của một tảng băng chìm của những vụ việc tương tự liên quan đến việc thực thi Luật Đất đai ở các địa phương trên cả nước. Chính sự vào cuộc của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong việc xử lý điểm nóng này cũng phần nào cho thấy tính chất nghiêm trọng của nó.

Mặc dù hiện nay các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiếp tục khắc phục những hậu quả, xử lý những sai phạm của các bên gây ra điểm nóng, nhưng những hậu quả của nó để lại là vấn đề rất cần được nghiên cứu, xem xét nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng mô hình quyền lực trong hệ thống chính trị cũng như cho việc quản lý công quyền nói chung và xử lý các điểm nóng xã hội, điểm nóng chính trị -xã hội (CTXH) nói riêng ở nước ta.

1- Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong cả nước cần phát hiện sớm và kịp thời xử lý các điểm nóng xã hội, điểm nóng CTXH phát sinh trên địa bàn.

 Đây cần được coi là các biện pháp để “ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh và quản lý rủi ro” như các nước vẫn thực hiện. Việc ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh chính là cách nói khác của xử lý các “tình huống công cộng bất ngờ” hay xử lý các điểm nóng xã hội, điểm nóng CTXH. Sự phát hiện sớm và kịp thời xử lý sẽ ít gây thiệt hại về vật chất và tinh thần, ít gây hậu quả xấu cho xã hội cũng như ít tốn kém hơn về chi phí cho việc xử lý.

Từ vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy, chính quyền địa phương chưa phát hiện sớm những nguyên nhân có thể gây phát sinh điểm nóng, có phần chủ quan và thiếu quan tâm khắc phục những bất cập trong quá trình thực thi các chính sách liên quan đến đất đai. Từ góc độ quản lý vĩ mô, Luật Đất đai cũng có nhiều bất cập, cộng với hàng trăm văn bản dưới luật vừa chồng chéo, vừa phức tạp càng gây khó khăn cho việc thực thi.

Sự việc người dân chống đối chính quyền đến cùng mặc dù biết mình vi phạm pháp luật cũng cho thấy, họ đã ở vào thế cùng đường, quá ức chế không còn cách nào khác sau khi đã đấu tranh mệt mỏi, không còn tin tưởng ở chính quyền với nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của mình.

Để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các điểm nóng xã hội, CTXH, các cơ quan chức năng của bộ máy công quyền phải cập nhật thông tin một cách trung thực, đầy đủ, kịp thời. Nghĩa là, cần dựa vào những thông tin từ chính các phương tiện thông tin đại chúng và dựa vào người dân.

Qua việc phát hiện và đánh giá các sai phạm của chính quyền huyện Tiên Lãng trong xử lý điểm nóng vừa qua cho thấy, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào việc cung cấp thông tin, với gần 1 nghìn bài viết về vụ việc, trong đó có cả các bài báo của những nhà báo tự do có tâm huyết với nghề nghiệp. Cũng từ những đóng góp của báo chí trong việc đưa thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời mà Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận kịp thời để giải quyết vụ việc.

Theo chúng tôi, từ vụ việc ở Tiên Lãng, chúng ta cần có cách nhìn đúng đắn hơn về chức năng của báo chí. Trước đây, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh một chiều rằng, báo chí là cơ quan tuyên truyền, “cái loa” của Đảng và Nhà nước. Ngày nay, cần có nhận thức rõ hơn rằng, báo chí có chức năng hàng đầu là thông tin, là truyền tin; báo chí cung cấp thông tin cập nhật, chính xác, minh bạch và trung thực thì sẽ là người hợp tác đắc lực trong công tác quản lý.

2- Cần nâng cao năng lực xử lý các tình huống CTXH mà trọng tâm là các điểm nóng xã hội, điểm nóng CTXH cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đối với nước ta, đứng trước những thách thức khó lường với nhiều tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định phát sinh từ hoàn cảnh quốc tế, khu vực và trong nước thì việc quan tâm đến vấn đề này là hết sức cần thiết. Theo chúng tôi, trước mắt cần thực hiện một số công việc sau:

Một là, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng xử lý các tình huống CTXH cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thông qua giảng dạy các chuyên đề về vấn đề này cho các hệ lớp lý luận chính trị - hành chính trong cả nước. Đây phải được coi là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đáp ứng hơn chức năng quản lý xã hội và dịch vụ công của Nhà nước.

Từ vụ việc diễn ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy, năng lực xử lý các tình huống CTXH của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay là rất thấp. Việc huy động hàng chục cảnh sát và quân đội để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất chỉ đối với vài ba người dân là một sai lầm nghiêm trọng, trong khi về bản chất, đây chỉ là một điểm nóng xã hội. Đáng tiếc là, việc sử dụng lực lượng vũ trang để hỗ trợ thực hiện cưỡng chế kiểu này cũng đã được một số địa phương khác thực hiện.

Hai là, cần xúc tiến nghiên cứu, xây dựng các đề án về xử lý các tình huống bất ngờ mà chúng ta thường gọi là xử lý các tình huống CTXH. Theo đó, có thể xây dựng các khung hệ thống đề án ứng cứu toàn quốc, bao gồm: Đề án quốc gia, đề án chuyên biệt cấp quốc gia, đề án cấp tỉnh, các bộ... Đồng thời, từng bước nghiên cứu để tiến tới xây dựng Luật Ứng phó tình huống bất ngờ, trong đó quy định rõ những vấn đề như: Thành lập hệ thống thông tin tình huống bất ngờ thống nhất của các địa phương; tập hợp, lưu trữ, phân tích, thông báo các thông tin liên quan; đề ra các nguyên tắc, trong đó đặt công tác dự báo và công tác chuẩn bị ứng cứu lên hàng đầu.

3- Cần thực hiện các giải pháp để điểm nóng không tái phát, không phát sinh mới.

Ở nước ta hiện nay, biện pháp tốt nhất để các điểm nóng không tái phát, hạn chế các điểm nóng mới phát sinh là phải thực hiện thật tốt chính sách an dân. Đây cần được coi như giải pháp “thượng sách”. Giải pháp như vậy đã được danh tướng Trần Quốc Tuấn trả lời vua Trần Anh Tông trước đây khi được hỏi về kế sách giữ nước lúc bấy giờ: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là “thượng sách” giữ nước” (1).

Chính sách an dân hiện nay đòi hỏi mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được thi hành trong thực tế phải đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nâng cao được đời sống của nhân dân, phát huy dân chủ, thực hiện tốt công bằng xã hội mà trong đó đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hiện nay, để vượt qua những nguy cơ “vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định CTXH và đe dọa chủ quyền quốc gia” (2) như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra thì đây phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thực tế chỉ rõ rằng, khi dân đã tin và một lòng theo Đảng thì không có thế lực thù địch nào có thể xâm phạm được chủ quyền quốc gia hay lật đổ chế độ. Đúng như một nhà nghiên cứu Sử học đã đúc kết: “Cái hệ trọng nhất của quốc gia hay chế độ là an dân chứ không chỉ là an ninh” (3).

4- Cần định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước để tăng cường trách nhiệm của họ trong quản lý Nhà nước nói chung và quá trình xử lý các điểm nóng nói riêng.

Hiện nay, mặc dù đã có quy định của Chính phủ về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, nhưng trong thực tế, để quy rõ trách nhiệm những sai phạm của các cơ quan quyền lực huyện Tiên Lãng, Hải Phòng trong quá trình xử lý điểm nóng vừa qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là khó quy được trách nhiệm cho Huyện ủy mà người đứng đầu là Bí thư.

Sự bất cập này xuất phát từ chỗ, hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, trong đó có cấp huyện, đang tồn tại cơ chế song trùng giữa Đảng và chính quyền. Huyện ủy có người đứng đầu là Bí thư, nhưng lại không phải là người đứng đầu của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện. Cơ chế vận hành hiện nay là, Đảng lãnh đạo UBND trong quá trình điều hành quản lý hành chính. Điều đó dẫn đến thực tế là người đứng đầu UBND, mặc dù điều hành công việc căn cứ theo chủ trương của Thường vụ Huyện ủy, khi mắc sai lầm cũng do từ chủ trương của Huyện ủy, lại không quy được cho Thường vụ Huyện ủy mà người đứng đầu là Bí thư. Trường hợp tương tự đang diễn ra ở các cấp hành chính khác, từ Trung ương đến cơ sở. Do vậy, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

 Một là, đổi mới mô hình Đảng lãnh đạo Nhà nước hiện nay thành mô hình Đảng cầm quyền, tức là Đảng phải “hóa thân” vào Nhà nước và cầm quyền thông qua bộ máy Nhà nước. Mô hình Đảng cầm quyền như vậy có nghĩa là Đảng vừa thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, vừa thực hiện nhiệm vụ cầm quyền, tức Đảng tập trung nắm cơ quan hành pháp như các đảng cầm quyền trên thế giới đang thực hiện.

Theo mô hình mới này, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước phải đồng thời là người đứng đầu cấp ủy cùng cấp. Đồng thời, cấp ủy Đảng lúc này chủ yếu làm nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện đường lối, Nghị quyết của Đại hội Đảng - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ở các cấp (4) hay còn gọi là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng ở các cấp. Các đường lối thể hiện trong Nghị quyết của Đại hội Đảng ở các cấp phải trên cơ sở đường lối chung của Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng. Ngoài ra, phải rất ngắn gọn, rõ ràng, không đi vào chi tiết các công việc chỉ đạo như kiểu ra các Nghị quyết hội nghị mà các cấp ủy Đảng hiện nay đang thực hiện.

Các Nghị quyết của hội nghị cấp ủy các cấp, về thực chất cơ bản, phải là các quyết định nhân danh các UBND để thực hiện công việc điều hành, quản lý ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng lúc này thông qua các hội nghị của mình chỉ tập trung làm tốt công tác tư tưởng và quản lý, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng vững mạnh có năng lực, phẩm chất tốt, uy tín cao, để sẵn sàng giới thiệu, ứng cử vào các chức danh chủ chốt của bộ máy công quyền; cùng với Ủy ban Kiểm tra Giám sát (UBKTGS) (theo mô hình mới) thực hiện công tác KTGS người đứng đầu cơ quan hành chính và các cán bộ, đảng viên giữ các chức danh khác trong các cơ quan đó, buộc họ phải quản lý, điều hành tuân theo đường lối, Nghị quyết của Đại hội Đảng, tuân theo Hiến pháp, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo mô hình mới này, người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ có “toàn quyền chỉ huy” trong cơ quan hành chính, chỉ tuân thủ đường lối chung mà các Nghị quyết của Đại hội Đảng đề ra, tuân theo chính sách và pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước lúc này sẽ có thực quyền hơn, đồng thời cũng gắn với trách nhiệm cao và rõ hơn, sẽ không chồng chéo chức năng giữa Đảng và chính quyền.

Nếu thực hiện mô hình này sẽ khắc phục được tình trạng đổ lỗi trách nhiệm cho nhau giữa Đảng và Chính phủ, giữa cấp ủy và chính quyền khi có sai phạm trong quá trình điều hành, khắc phục được các cách nhận xét theo kiểu như: “Nghị quyết của Đảng thì đúng, nhưng Chính phủ làm chưa tốt”, hoặc “Nghị quyết của Tỉnh ủy thì đúng, nhưng Ủy ban làm chưa hay”... (5).

Hai là, đồng thời với đổi mới mô hình nêu trên, cần đổi mới mô hình UBKT của Đảng do cấp ủy bầu thành UBKTGS của Đảng do Đại hội bầu. Với mô hình này, cơ quan UBKTGS của Đảng sẽ có vị trí tương đương với cơ quan Ban Chấp hành, không nằm dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành như mô hình của Trung Quốc đang thực hiện. UBKTGS của Đảng theo mô hình mới này sẽ có thực quyền hơn trước đây, từ đó bảo đảm được vai trò giám sát quyền lực của Đảng.

Mô hình này được hiểu như một sự phân công quyền lực trong Đảng như dạng phân công quyền lực của 3 nhánh quyền lực trong bộ máy Nhà nước. Quyền lực của Đảng là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa 2 cơ quan là Ban Chấp hành và UBKTGS trong việc thực hiện các quyền điều hành và giám sát trong Đảng. Sự thống nhất tập trung quyền lực của Đảng lúc này ở từng cấp sẽ được thể hiện ở Đại hội Đảng với các Nghị quyết thật ngắn gọn, rõ ràng của Đại hội.

Ba là, đồng thời với đổi mới theo các mô hình nêu trên, cần xây dựng Luật Hoạt động của Đảng (6).

Cũng như Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, Luật Hoạt động của Đảng đều phải được thể chế hóa từ Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Do vậy, khi xây dựng Cương lĩnh, đường lối của Đảng cũng như Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nhất thiết phải có sự đóng góp, lấy ý kiến của các tổ chức CTXH, tổ chức xã hội và được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chỉ khi đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới thực sự trở thành các văn bản pháp lý cao nhất, có quyền lực tối thượng trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt Nam. 


PGS.TS Nguyễn Hữu Đổng

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

(1) - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr.88 - 89.
(2) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.94.
(3) - Tiên Lãng chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm, trả lời phỏng vấn của Nhà Sử học Dương Trung Quốc trên Báo Điện tử Vietnamnet ngày 15/2/2012.
(4) - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19/1/2011), Điều 9, Điểm 2.
(5) - Bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội trên phapluattp.vn ngày 14/4/2009.
(6) - Nguyễn Hữu Đổng (Chủ biên) (2009), Đảng và các tổ chức CTXH trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay (xuất bản lần thứ hai), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.154, tr.1
66.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa bế mạc Kỳ họp 24 HĐND tỉnh khóa XVIII

Thanh Hóa bế mạc Kỳ họp 24 HĐND tỉnh khóa XVIII

(Thanh tra) - Sáng 14/12, tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm; đồng thời, báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2025.

13:30 14/12/2024
Nghệ An: Sắp xếp “tinh gọn” bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả

Nghệ An: Sắp xếp “tinh gọn” bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An xác định thực hiện nghiêm chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm sự thống nhất quản lý theo ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương; đồng thời từ thực tiễn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, để sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Văn Thanh

08:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm