Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 16/03/2013 - 16:53
(Thanh tra) - Các luật sư thành viên của Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng Dự thảo Hiến pháp cần ghi nhận đúng địa vị pháp lý mà nghề nghiệp luật sư đóng góp vào quá trình phát triển dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng bằng một điều luật mới.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Hà Nguyên)
Ngày 15/3, Đoàn Luật sư Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội, Dự thảo đã có những sửa đổi tiến bộ, với những cách nhìn nhận đánh giá rất mới, đặc biệt về quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Điều 132 Hiến pháp 1992 quy định “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Dự thảo Sửa đổi lần này nhập Điều 132 thành khoản 7 Điều 108 ghi nhận “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”.
Luật sư Tỵ cho rằng, Chương VIII, nói về TAND và VKSND, Điều 108 dự thảo nhập các điều 129,130, 131 132, 133 thành 7 khoản của Điều 108 là chưa phù hợp. Điều 132 Hiến pháp 1992 quy định, quyền bào chữa của bị can, bị cáo và tổ chức luật sư. Dự thảo lần này bỏ điều 132 thay bằng khoản 7 là xem nhẹ quyền này của công dân.
“Quyền bào chữa của bị can bị cáo và tổ chức luật sư là thể hiện đặc trưng của nền dân chủ pháp quyền. Chính vì thế, ngày 10/10/ 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 46 về tổ chức luật sư. Thực tế hiện nay, đã có Luật Luật sư. Vì thế, cần quy định quyền này trong một điều luật riêng mới phù hợp”, luật sư Tỵ đề xuất.
Luật sư Hoàng Huy Được, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, so với Điều 132 Hiến pháp 1992, khoản 7 Điều 108 Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có mở rộng phạm vi thực hiện nguyên tắc xét xử của tòa án là phải bảo đảm quyền của đương sự được tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình, nhưng lại bỏ đi nội dung quan trọng đối với hoạt động hành nghề của luật sư là “tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế XHCN”.
Theo Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc ghi nhận về vị trí, vai trò của chế định luật sư trong Dự thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tổ chức luật sư và luật sư không chỉ là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, mà còn nhằm thực hiện chức năng xã hội của luật sư.
Mặt khác, xét về bản chất thì chức năng bào chữa tồn tại độc lập và đối trọng với chức năng buộc tội như một tất yếu khách quan tự thân của tố tụng hình sự. Việc giới hạn nghề nghiệp luật sư thuộc phạm vi “bổ trợ tư pháp”, theo hướng chủ yếu hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự, như vậy vô hình chung đã làm giảm nhẹ ý nghĩa của các giá trị xã hội mà nghề nghiệp luật sư đóng góp vào quá trình phát triển dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.
Nhiều ý kiến luật sư đề xuất phải hiến định vị trí pháp lý của luật sư từ một điều trong Hiến pháp năm 1992 thành một điều luật mới về “tổ chức luật sư” trong chương VIII về TAND, VKSND tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bàn về quy định “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm” lần đầu tiên được ghi nhận tại khoản 5 Điều 108 Dự thảo, các luật sư cho rằng, Dự thảo khi ghi nhận nguyên tắc tranh tụng đã đề cao quá trình dân chủ hóa trong hoạt động tố tụng, bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án. Qua đó, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể thực hiện chức năng của mình, đáp ứng những đòi hởi mới của quá trình cải cách tư pháp hình sự.
“Qua thực tiễn tố tụng hình sự, chúng tôi nhận thấy rất nhiều trường hợp luật sư không được tạo điều kiện thuận lợi tham gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội, nhất là trong giai đoạn điều tra”, luật sư Được cho biết.
Luật sư Được đề xuất cần phải bổ sung vào Dự thảo tại khoản 5 Điều 108 thành: “Nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.
Tại hội thảo, ý kiến nhiều luật sư cũng cho rằng, quyền được tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư không nên chỉ giới hạn khi có quyết định bắt người tạm giữ hoặc khi quyết định khởi tố vụ án hình sự, mà ngay cả khi người bị tình nghi phạm tội bị triệu tập mời lên cơ quan công an do có đơn tố cáo hoặc có thông tin tố giác tội phạm. Hiện nay, hầu hết các cơ quan điều tra thường từ chối sự có mặt của luật sư trong các hoạt động “tiền tố tụng” là rất phổ biến, gây sự quan ngại cho những người bị triệu tập.
Hà Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Văn Thanh
08:28 14/12/2024Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà