Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cách dùng người của Đảng và Bác Hồ

Thứ hai, 02/01/2012 - 07:00

(Thanh tra)- Khi đường lối đã xác định đúng, hai việc còn lại để “duy trì” sự sống còn, tuổi thọ của đường lối là: Người thực hiện - cán bộ, nhân dân và cách thực hiện - phương pháp tiến hành.

“Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Trần Hưng Đạo từng nói: “Sở dĩ chim hồng hộc bay cao được là nhờ hai cánh mạnh”. Có đường lối đúng rồi, cần có người thực hiện. Điều cốt tử trong việc sống còn này là tìm người tài, chọn người hiền… Triều nhà Lý hưng thịnh không phải là không có công của Lý Quốc Sư. Bên cạnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi vừa là “quân sư”, “tổng tham mưu trưởng”, “bộ trưởng bộ ngoại giao”, vừa là nhà văn hóa “lấy chí nhân, thay cường bạo”, “đánh vào lòng người là thượng sách”. Một Quang Trung đánh tan quân Thanh, không phải là không có ý kiến của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Khi Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn dân các dân tộc cử làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa, sử dụng rất nhiều cộng sự, người giúp việc theo phương châm “Tập trung nhân tài, bất phân đảng phái” (Bút tích còn lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam), đã đoàn kết “gái trai, già trẻ, sang tiện (giàu nghèo), cả những người đi lính cho Tây, làm việc cho Tây, dù trước kia có chính kiến gì” (Báo Việt Nam độc lập).

Khi nhân dân Việt Nam giành được chính quyền, những người Cộng sản Việt Nam đã “mời” hàng loạt thượng thư, khâm sai, tổng đốc, án sát, tri phủ, tri huyện, công chức chế độ cũ “ra làm việc với chính phủ mới”.

Nhà văn Sơn Tùng đã ghi lại lời của Vũ Đình Huỳnh, bí thư tâm phúc của Bác Hồ từ tháng 8/1945 đến cuối năm 1953 như sau: Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Bắc làm việc ở Bắc Bộ phủ, 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn Trung ương - ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ Vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội; như chợt nhớ, Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Chỉ huy Quân đội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam; Vũ Đình Huỳnh: “Chú Bằng, chú Liệu, chú Cận vô Huế rồi mình mới về thì đã trễ, giờ chú Nam hoặc xem có ai thay được chú Nam vô Huế, gặp cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời cụ…”.

Hai hôm sau, ông Nam báo cáo với Hồ Chủ tịch: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt…”. Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng: “Bất tất nhiên!”. Sau đó, trong buổi ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế đến làm việc với Bác tại nhà số 8 phố vua Lê Thái Tổ và báo với Bác là: “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi!” thì Bác thu hai cánh tay vào sát ngực tựa lên mặt bàn, lặng ngắt một lúc… Người nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì?”. Người duỗi hai tay ra mặt bàn: “Tôi đã gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm ở Pháp! Đó không phải là người xấu”.

Ngày 10/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh cử ông Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) làm Cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, các vị cựu Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn, cựu Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, các cựu Tổng đốc Vi Văn Định, Hồ Đắc Điềm… đáp lời mời của Hồ Chủ tịch ra gánh vác việc nước.

Năm 1946, Hồ Chủ tịch là thượng khách thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ 13/5 đến 20/9/1946. Trước ngày khai mạc hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau, Bác gặp mặt cả phái đoàn ta. Hồ Chủ tịch nói với Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và các ông Đỗ Đình Thiện, Vũ Đình Huỳnh: “Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì…”. Ông Đồng đáp lời: “Bất tất nhiên, Bác đã nói rồi mà!...”.

Nay, ta hãy xem lại trong chính phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh có bao nhiêu bộ trưởng là Ủy viên Trung ương Đảng và những người ngoài Đảng tham gia Chính phủ, có bao nhiêu người từng bị “tai tiếng”?

Những chính sách chiêu mộ hiền tài, trọng dụng tài năng, tạo điều kiện để người hiền tài có đủ điều kiện làm việc - đủ điều kiện vật chất và quan trọng hơn là có thái độ “tôn trọng họ, yêu mến họ, tin tưởng họ” thì mới gạt được những đống đá cuội hiện vẫn còn đang nằm trên con đường ray, cản đường đoàn tàu Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.


Thủy Trường

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm