Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xuân về trên dòng sông quê hương

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 08/02/2024 - 06:30

(Thanh tra) - Mùa Xuân nơi hạ nguồn sông Đáy, giao thoa giữa huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức của Thủ đô Hà Nội dường như đẹp và thơ mộng hơn. Nơi đây, ngoài những “bờ xôi ruộng mật” được bồi tụ từ sông thì còn có những trầm tích văn hóa lắng đọng. Đó là tục kết chạ trên sông giữa hai ngôi làng Nam Dương và Văn Giang, là làng múa rối cạn độc nhất miền Bắc đang từng ngày hồi sinh…

Dòng sông Đáy hiền hòa bồi lắng nên những làng mạc trù phú. Ảnh: Nguyễn Điểm

Tất cả như một bản hòa ca cho khởi đầu một năm mới an lành.

Độc đáo tục kết chạ trên sông...

Tôi từng không ít lần xách ba lô, ngược đường tìm lên đại ngàn chỉ để chiêm ngưỡng những nụ hoa đào Tây Bắc nở bung, khoe sắc giữa tiết trời chuyển giao giữa Đông và Xuân. Ở đó, tôi thấy được chiều buông trên miền sơn cước đẹp dịu dàng như thiếu nữ đương độ xuân thì.

Lần này lại khác, tôi chọn chuyến khởi đầu mùa Xuân là cung đường dài ngun ngút men theo dòng sông Đáy. Sở dĩ có sự ấn định như vậy là bởi tôi nghiệm ra rằng, đô thị lớn và văn minh ở các nước trên thế giới đều nằm ở ven sông. Sông là cội nguồn tạo ra sự trù phú, là nguồn nước mát lành tưới tắm cho biết bao “bờ xôi ruộng mật”, hình thành nên những làng quê.

Trước khi có chuyến “phượt”, qua sách vở cũng như hàng loạt kho tàng địa lý, tôi biết rằng, sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc. Sông Đáy ngoài vai trò là sông chính của các sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Vạc… thì nó còn là một phân lưu của sông Hồng - con sông mẹ ôm ấp và bồi lắng nên Hà Nội.

Sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình thì lòng sông rộng ra, lưu lượng chậm lại nên có thể đi thuyền được. Khúc sông nơi đây dường như người mẹ dịu hiền đã tần tảo và thai nghén nên phong cảnh hữu tình mà không phải nơi nào cũng có được. Nơi con sông giao nhau đã sản sinh ra các thị trấn, thị tứ. Sông gặp đường thì hình thành nên các chợ, các điểm giao thương sầm uất.

Tôi đã men theo sông Đáy và đã bắt gặp không ít chợ ven sông. Những chợ quê xây theo lối cũ hoặc đơn giản chỉ là mấy gian hàng rau, thịt, cá với vài thùng xốp hoa quả đầy mầu sắc xếp cạnh với nhau. Đi qua những điểm chợ giản đơn đó thì có thể gặp những chợ lớn và trù phú như chợ Tế Tiêu, chợ Dầu, chợ Đinh Xuyên, chợ Phù Lưu Tế… Sông Đáy đã hình thành nên chợ quê, mái đình, gốc đa, bến nước. Chẳng thế mà, trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã giành nhiều mỹ từ cho dòng sông này: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa...”.

Hơn hết, phù sa ven sông Đáy đã bồi lắng lên bao làng quê trù phú, nổi danh với các nghề truyền thống như trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa như: Đốc Tín, Trịnh Tiết, Phù Lưu Tế...

Tôi đứng trên cầu Tế Tiêu và trông về hướng con nước hiền hỏa chảy về phía Hà Nam, chợt nhớ tới đận được nghe PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói về tục kết chạ của hai làng ven con sông này.

Lân la kiếm tìm và hỏi ra mới biết, ven sông Đáy có hai ngôi làng là Nam Dương (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) và Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức), cứ cách quãng 3 năm lại cùng nhau tổ chức hội. Trong nghi thức linh thiêng ở giữa dòng sông, cao niên hai làng lại cùng nhau tế thần và ôn lại khoán ước, ôn lại những lời nhắc nhở của tiền nhân về những điều khoản kết chạ.

Nhắc chuyện này, bà Đinh Thị Hải, Trưởng thôn Nam Dương kể, khi xưa, Nam Dương và Văn Giang đều là những làng cùng quần tụ ven sông Đáy. Cuộc sống đương thuở yên bình, thuận hòa thì một ngày nạn cướp bóc tràn về. Giặc cướp hoành hành, người làng Nam Dương đã ra đình đánh trống kêu cứu. Bên kia sông, làng Văn Giang nghe tiếng trống đã dùng thuyền bè vượt sông sang cứu trợ. Ngược lại, mỗi lần có tín hiệu từ làng Văn Giang thì Nam Dương lại huy động trai tráng đưa thuyền sang giúp đỡ. Cứ thế, hễ có giặc cướp xâm lấn, chỉ cần đánh trống thì cả vùng sẽ cùng nhau chống giặc.

Đến nay, sự đoàn kết giữa hai làng vẫn khăng khít. Khi làng Văn Giang có việc thì làng Nam Dương lại cử đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng và ngược lại. Người dân hai làng đối xử với nhau tình cảm, chưa từng xảy ra vụ việc xích mích nào.

Tại lễ hội này, ở khu sân đình Nam Dương và Văn Giang, bên cạnh lễ tế thần, các trò chơi dân gian giao lưu giữa hai làng như: Đập niêu, đấu vật, tổ chức thi bơi trên sông… vẫn còn được lưu giữ.

Tục kết chạ độc đáo trên sông của vùng đất này. Ảnh: Nguyễn Điểm

… Và những di sản bên sông

Bên dòng sông Đáy, cách làng Văn Giang chỉ vài bước chân là phường rối Tế Tiêu của thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. Đây là nơi duy nhất của Hà Nội còn lưu giữ hoàn chỉnh loại hình nghệ thuật rối cạn. Có điều lạ ở Tế Tiêu, dù là làng ven sông nhưng ngoài nghệ thuật rối nước thì thế mạnh nơi đây lại là rối cạn.

Rối cạn Tế Tiêu được hình thành và ra đời vào thời Lê Trung Hưng. Các bậc tiên hiền khai ấp, mở làng, sau khi về đoạn đất bồi màu mỡ ven dòng sông Đáy đã khai hoang, lập làng, dạy người dân trồng lúa và sáng tạo ra múa rối cạn để giải trí sau những ngày nông bận rộn. Từ đây, trò rối cạn phát triển, trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân.

Một điểm đặc sắc của rối cạn Tế Tiêu mà ít nơi nào có được, đó là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các thành phần khác nhau như sân khấu, quân rối, trò và tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại...

Để điều khiển con rối một cách tròn vai, nghệ nhân phải thật khéo, hóa thân vào nhân vật và có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau. Không chỉ vậy, nhạc cụ phục vụ các tích trò rối cạn Tế Tiêu cũng thuần Việt với nhị, đàn tam, trống cái, trống con, não bạt... Lời hát trong sân khấu múa rối cạn Tế Tiêu không chỉ là các làn điệu dân ca, hát nói, hát ngâm mà còn được chắt lọc từ nhiều thể loại kịch hát dân tộc gồm tuồng, chèo, hát văn, quan họ.

Cùng đó, sân khấu rối cạn có thể cố định dưới dạng thủy đình hoặc sân khấu di động để phục vụ việc lưu diễn của phường rối ở bất cứ đâu.

Nghệ nhân Phạm Công Bằng (sinh năm 1976), người được trao truyền “đặc sản” của vùng đất này cho biết, nhờ việc trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia mà thời gian gần đây, ngày càng có nhiều cá nhân, đơn vị tìm về Tế Tiêu để tìm hiểu nghệ thuật múa rối cạn. Rối cạn Tế Tiêu còn được nhận lời mời của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội để góp sức tham gia trình diễn rối cạn tại Festival Thu Hà Nội 2023. Đây là điều quý báu để rối cạn Tế Tiêu được khắp các nơi xa gần biết đến, để việc quảng bá di sản cũng dễ dàng hơn.

Trở lại câu chuyện tục kết chạ của hai ngôi làng ven sông Đáy là Nam Dương và Văn Giang, ông Nguyễn Văn Thạo, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Nam cho biết, hội truyền thống hai làng được tổ chức 3 năm 1 lần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tình nghĩa hai làng đến nay vẫn sâu đậm và lưu truyền lại cho lớp lớp các thế hệ con cháu mai sau nối tiếp. Lễ hội còn thể hiện những nét đẹp trong văn hóa của người Việt, giúp mỗi người dân hướng về cái thiện, hướng về cội nguồn dân tộc, gắn chặt tình đoàn kết, góp phần tô đậm những nét đẹp trong văn hóa, phong tục của quê hương giàu truyền thống dân tộc.

Bà Đinh Thị Hải, Trưởng thôn Nam Dương chia sẻ, mới đây, một hội thảo khoa học về lễ hội kết chạ trên sông Đáy do UBND hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đã được tổ chức. Đây là nền tảng để cơ quan chức năng xem xét đưa lễ hội độc đáo này vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là niềm vui lớn của hai làng Nam Dương và Văn Giang khi những nét văn hóa truyền thống được công nhận.

Giã từ những ngôi làng trù phú, tôi nhìn sông Đáy thật mỹ lệ trước ánh hoàng hôn rơi xuống. Xuân về, sông Đáy dường như xanh tươi hơn, cây cối cũng mơn mởn, đâm chồi nảy lộc. Nhìn sông, tôi thấy vui, phải chăng đó đúng là cảm giác rộn rã khi Xuân về trong lòng mình, Xuân trong lòng người.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm