Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xuân về ATK Yên Sơn

Thứ bảy, 06/02/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Sắc Xuân đang gõ cửa từng nhà. Đồng bào Mông, Dao, Tày ở 7 xã của vùng ATK Yên Sơn (Tuyên Quang) hân hoan chào đón năm mới trong niềm vui, sự phấn khởi trước đổi thay của quê hương mình. Cuộc sống người dân vùng căn cứ cách mạng xưa đang dần "thay da, đổi thịt", ấm no, đủ đầy hơn...

Phụ nữ dân tộc Mông chuẩn bị gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù - món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Mông. Ảnh: L.Q

Dân hiến đất, góp công… mở đường

Khi những nụ hoa đào, hoa mơ bắt đầu chớm nở đón chào mùa Xuân mới, cũng là lúc chúng tôi lên đường về thăm ATK Yên Sơn. Các xã ATK Yên Sơn hôm nay như phố thị thu nhỏ, có bệnh viện, ngân hàng, cây xăng, trường học… đường dẫn về các thôn bản được bê tông phẳng lì, những nếp nhà xây mới xen lẫn nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông tạo nên một bức tranh đa sắc màu.

Dẫn chúng tôi vào thôn Làng Hản, anh cán bộ xã Kim Quan phấn khởi khoe: Những năm trước, trời mưa đường lầy lội lắm, ô tô xe máy đi vào bản rất vất vả. Bây giờ, đường nhựa đã trải đến tận thôn, xóm. Thôn Làng Hản có 100% đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa, thôn đã xây dựng được nhà văn hóa đạt chuẩn, xây dựng được bể chứa rác thải đồng ruộng, thùng chứa rác công cộng, hố rác tại nhà… tất cả đều là do sức dân.

Trong câu chuyện bên ấm chè xanh đậm hương đất, tình người miền sơn cước, ông Mã Phúc Hương - Bí thư Chi bộ thôn Làng Hản kể cho chúng tôi nghe: "Thôn có 112 hộ dân thì có 40 hộ tự nguyện hiến 1.200m2 đất làm đường bê tông, đóng góp cả trăm ngày công làm nhà văn hóa, kênh mương… cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày".

Xã Kim Quan - nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nay đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của cả vùng ATK Yên Sơn.

Ông Trọng Văn Vĩnh - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi: "Xã đã có nhiều đổi mới từ hạ tầng nông thôn đến cuộc sống của người dân. Hiện trên địa bàn xã đã có 2 doanh nghiệp triển khai mô hình, thâm canh chè "sản xuất an toàn" với tổng diện tích 8ha, tại thôn Khuôn Hẻ. Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều dự án chăn nuôi gia cầm, trồng ngô, khoai tây… được người dân hào hứng tham gia. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 9,4%".

Rời Kim Quan trong cái lạnh "cắt da cắt thịt" của miền sơn cước, chúng tôi đến xã Hùng Lợi - nơi đang khoác lên mình "tấm áo mới". Ông Linh Văn Chi - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 1.601 hộ, 7.277 nhân khẩu, trong đó, trên 80% dân tộc thiểu số. Từ năm 2016-2020, Hùng Lợi được hỗ trợ trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Xã đã đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông, công trình thủy lợi, lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng… đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân chăn nuôi, giống cây trồng, máy móc. Nhờ vậy, Hùng Lợi đã và đang cùng với Trung Sơn trở thành xã vùng trung tâm của khu vực ATK Yên Sơn.

Người Mông, thôn Vàng On, xã Trung Minh được Nhà nước đầu tư cầu vào thôn. Ảnh: L.Q

Từ thay đổi về hạ tầng, cuộc sống của người dân cũng đã khác trước rất nhiều. Anh Giàng Seo Nhà - Trưởng thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện vui mừng: Tết này người Mông ở Ngòi Nghìn vui nhất vì cuộc sống đã bớt khó, nhất là đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn đã được bê tông hóa hết các đoạn dốc, khó đi; rồi có nhà lớp học cho con trẻ mầm non, có điện. Hàng chục hộ người Mông làm kinh tế từ trồng keo, lúa nước, ngô nên đã thoát nghèo, cuộc sống ngày một khấm khá.

Gặp chúng tôi, đôi mắt của chị Giàng Thị Báng - người dân Ngòi Nghìn ánh lên niềm vui, khấp khởi bởi năm nay có cái Tết đủ đầy hơn. Chị hồ hởi khoe: "Gia đình đã chuẩn bị một con lợn béo để ăn Tết cổ truyền theo phong tục của người Mông. Tết này sẽ vui lắm…".

Lưu giữ nét đẹp truyền thống

Không chỉ ở thôn Ngòi Nghìn, từng mảnh đất, từng con người ở 7 xã ATK Yên Sơn đều đang đổi thay từng ngày. Nếp nghĩ, cách làm của người dân nhờ đó cũng đổi mới theo hướng tiến bộ. Ngày nay, cuộc sống của đồng bào ở vùng đất ATK ngày càng khấm khá, hiện đại, nhưng họ vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hôm chúng tôi đến, khắp các con đường dẫn xuống chợ Hùng Lợi tràn ngập sắc màu thổ cẩm của những thiếu nữ người Dao, Mông, Tày đi chơi chợ. Phiên chợ mỗi tuần chỉ có một lần khiến ai cũng háo hức. 7 giờ sáng, người mua - kẻ bán đã rộn ràng, tấp nập...

Ông Hầu A Lu - người dân tộc Mông ở thôn Lè, xã Hùng Lợi nói: "Từ khi tôi lớn lên đã có chợ phiên này rồi. Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nét đẹp của cả vùng ATK này. Đến chợ để gặp gỡ, giao lưu nên mỗi người đi chợ đều chọn mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mang những thứ ngon nhất để bán, trao đổi. Những phiên chợ cuối năm lại càng phong phú hơn bởi người dân sẽ bán đặc sản của địa phương như lợn đen, gà thiến, gạo nếp nương… phục vụ Tết".

Với đồng bào Mông, Tết Nguyên đán đến cũng là lúc người dân nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Anh Giàng Seo Mua - thôn Vàng On, xã Trung Minh chia sẻ: Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn, gà ăn đến nấu cơm. Người Mông còn có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất.

Người Dao ở Bản Pình, xã Trung Minh gói bánh chưng gù chuẩn bị đón Tết. Ảnh: L.Q

Năm nay giá thịt lợn tăng cao, nhưng người Mông không lo. Ông Giàng Mua chỉ tay về phía chuồng lợn nói: "Trong chuồng có con lợn tầm 50kg, Tết này gia đình thịt ăn dần. Đáng mừng hơn, lúa ngô cũng được mùa, cuộc sống ổn định, có bước cải thiện rõ rệt nên ai cũng phấn khởi".

Cùng với người Mông, người Dao ở Trung Minh đón Nguyên đán chung với dân tộc Tày. Ông Chu Tuần Ngân - dân tộc Dao Tiền, người uy tín của Bản Pình cho biết, trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong thôn đã chuẩn bị lợn Tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun.

"Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to, loại gỗ rắn chắc để khi đun củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm" - ông Chu Tuần Ngân chậm rãi nói.

Ông cũng say sưa kể thêm: Người Dao Tiền chuẩn bị bữa cơm tất niên cũng là những lễ vật để cúng Tổ tiên trong cả dịp Tết. Đặc biệt, người Dao Tiền có tục "cúng nhà ngoại" vào ngày mồng 2 Tết - những gia chủ có bố, mẹ vợ đã mất thì để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra vợ mình. Gia chủ sẽ chuẩn bị mâm cơm gồm những lễ vật như mâm cúng tổ tiên, lễ cúng diễn ra ở một góc nhà, xong cả gia đình cùng quay quần liên hoan.

Đến Yên Sơn những ngày cuối năm, giữa tiết trời lạnh cóng, được uống bát nước chè xanh nồng ấm, chứng kiến mùa Xuân mới trên mảnh đất chiến khu xưa, chúng tôi dâng lên niềm vui khó tả. Mùa Xuân này, cuộc sống của người dân đã sáng tươi và tràn đầy hy vọng...

Lê Quân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm