Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn còn bị bỏ ngỏ

Thứ năm, 02/06/2011 - 08:25

(Thanh tra)- Những năm gần đây, kinh tế - xã hội Việt Nam có bước phát triển mạnh, các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được hình thành ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước, tập trung nhiều ở các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Số lượng công nhân lao động trong các KCN, KCX cũng tăng nhanh.

Ảnh (www.namdinhbusiness.gov.vn): KCN Hòa Xá, Nam Định

Người lao động (NLĐ) hiện nay, ngoài những nhu cầu kinh tế, vật chất đang được cải thiện và tăng lên, thì nhu cầu tinh thần cũng đang đòi hỏi mạnh mẽ. Mong muốn của NLĐ đối với các doanh nghiệp (DN) là, ngoài việc trả lương cao để bảo đảm cuộc sống thì cần phát triển, tạo cơ hội để được tiếp cận, giao lưu, học hỏi, giải trí nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Trên thực tế, tranh chấp lao động và đình công xảy ra thường xuyên, ngoài gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa chủ lao động, quan hệ giữa những nhà đầu tư, thiệt hại kinh tế sản xuất, trật tự an toàn xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân, tạo không khí căng thẳng trong quan hệ lao động có nguyên nhân từ việc không được thỏa mãn các nhu cầu tinh thần.

Thực trạng đời sống tinh thần của người lao động
Phần lớn NLĐ tại các TP lớn, các KCN, KCX hiện nay đến từ các tỉnh, TP khác nhau. Đến lao động tập trung ở các KCN, họ có những điểm khác nhau về văn hóa do đặc tính vùng miền. Mục đích đi làm của họ là để có thu nhập, bảo đảm cuộc sống và chu cấp cho gia đình. NLĐ ở các vùng nông thôn nhìn chung có trình độ văn hóa ở bậc THCS, tuổi đời còn rất trẻ, nhận thức và tiếp xúc xã hội còn hạn chế. Việc hòa nhập môi trường sống mới với họ là một thách thức lớn, cần có thời gian. Cơ hội giao lưu, học tập thêm của công nhân là điều hiếm hoi. Họ cần có điều kiện, phương tiện làm tăng thêm những nhu cầu tinh thần cho chính mình tại nơi làm việc và nơi nghỉ ngơi, nhưng điều này lại khó khăn và hạn chế. Người công nhân, với mức lương như hiện nay, phải chi phí cho rất nhiều khoản: Tiền ăn, tiền thuê nhà, điện nước, may mặc, một số quan hệ xã hội… Ngoài ra, các công nhân còn phải đối mặt với nhiều tác động từ cuộc sống như: Biến động giá cả sinh hoạt, tăng tiền nhà, giá phương tiện đi lại… Những áp lực này làm cho NLĐ không có tiền chi phí cho các nhu cầu tinh thần của mình. Khi đó, họ suy nghĩ đến những thay đổi, tìm mọi cách để gây áp lực với người sử dụng lao động. Đình công là biện pháp họ nghĩ đến. Do vậy, hầu hết các cuộc đình công đều có yêu sách tăng lương, tăng thưởng. Chỉ khi lương, thưởng tăng thì cuộc sống của NLĐ mới được bù đắp.

Trao đổi với công nhân, chúng tôi thấy, công nhân nữ thường chắt bóp, tiết kiệm hơn nam giới, nhưng cũng chỉ dành dụm được vài trăm nghìn mỗi tháng, còn phần lớn chỉ đủ chi phí cho chính bản thân họ. Xem phim, ca nhạc có thể là hoạt động xa xỉ với công nhân trong các KCN hiện nay khi mà hàng ngày, ngoài việc đi làm, họ luôn phải nghĩ đến việc tiết kiệm chi tiêu để bù đắp trượt giá, những khoản tăng giá đội lên hàng ngày khi mà lương, thưởng chưa tăng kịp. Gần 70% NLĐ được hỏi cho biết, không có tiền hoặc dành tiền cho việc xem ca nhạc, xem phim. Chỉ có 30,2% công nhân cho biết, có dành tiền cho việc xem ca nhạc, xem phim. Hoạt động này của công nhân, có chăng chỉ là tranh thủ phút nghỉ ngơi, những buổi tối tập trung ở một vài quán nước của nhà dân hoặc ở một số buổi chiếu phim tập thể, tổ chức ca nhạc, giao lưu do Cty, tổ chức công đoàn tổ chức ở những khu nhà ở công nhân.


Hoạt động giải trí, đáp ứng nhu cầu tinh thần cũng phải gắn với thu nhập. Muốn tham gia vào hoạt động này, NLĐ trước hết phải bảo đảm cuộc sống trước. Khi mà ăn chưa no, mặc chưa ấm thì các hoạt động này quả thực xa vời với người công nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhu cầu tinh thần tỷ lệ thuận với thu nhập, nhu cầu cao khi có thu nhập cao. Đối với công nhân có mức thu nhập dưới 1,6 triệu đồng, chỉ đủ bảo đảm cho cuộc sống, do đó chỉ 20,7% người trả lời cho biết, có dành tiền để xem phim, ca nhạc. Với nhóm công nhân có thu nhập ở mức trên 2 triệu đồng, 47,8% ý kiến cho biết, có dành tiền cho hoạt động xem ca nhạc, xem phim. Nhưng nhìn chung, nhu cầu tinh thần này đối với công nhân vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Chúng tôi đã đến và chứng kiến tận mắt các khu nhà trọ công nhân. Điều kiện sống của công nhân thật khó khăn, gọi là nhà, nhưng là những căn phòng xây dựng chật chội với khoảng 7 - 8m2 với 2 - 3 công nhân. Công nhân phải ở ghép để chia sẻ các khoản chi phí như tiền nhà, điện nước. Trong phòng thường chỉ có tấm phản để nằm, điện cũng chỉ có 1 bóng, không đủ sáng để đọc sách. Căn phòng chật chội ấy, nếu may mắn thì có thêm chiếc đầu đĩa để nghe nhạc hoặc công nhân sử dụng chính điện thoại của mình để nghe nhạc. Các công nhân ở chật chội nên thường làm khác ca nhau, người này đi làm thì người kia ở nhà ngủ. Họ phải thay đổi nhau để tận hưởng những phút giây nghỉ ngơi, nhưng cũng không dễ dàng. Ở một vài dãy nhà trọ, nơi các cặp gia đình công nhân sinh sống, điều kiện khá hơn một chút là có thêm TV hoặc tủ lạnh, những công nhân hàng xóm có thể tập trung xem nhờ trong chốc lát.

Điều kiện sinh hoạt chật chội, bữa ăn cũng giản tiện, thường thì họ ăn ở các quán cơm dành cho công nhân với những món ăn đơn giản, nhiều khi không bảo đảm vệ sinh. Một số công nhân tự nấu ăn, thực đơn là những món “truyền thống” như đậu, lạc, rau và một ít thịt, trứng. Bữa ăn đơn giản nữa mà các công nhân thường xuyên sử dụng đó là mỳ tôm úp, vừa nhanh, lại tiết kiệm.

Tính đến cuối năm 2010, cả nước đã có 15 khu kinh tế và 260 KCN được thành lập, trong đó đã có 173 KCN đi vào hoạt động, còn lại đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN hiện thu hút được trên 1,6 triệu lao động, trong đó có khoảng 60% là người ngoại tỉnh, nhà xa có nhu cầu về chỗ ở. Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê nhà trọ. Chỗ ở tạm bợ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm đã gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đời sống của công nhân, thậm chí làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN.

Với những gia đình có con nhỏ, việc gửi con là cả một vấn đề nan giải. Nhiều gia đình phải chấp nhận phương án gửi con về cho ông bà ở quê chăm sóc để 2 vợ chồng đi làm. Cảnh ông bà trở thành người nuôi trẻ, còn bố mẹ xa con, con cái thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ là điều khó tránh khỏi. Nhiều người mẹ nhớ con chỉ biết khóc và chờ đợi đến những dịp lễ Tết mới có thể về được. Chị N, 28 tuổi, công nhân một Cty ở Đồng Nai chia sẻ: “Vợ chồng em vào đây làm được 7 năm. Chúng em có 1 cháu 5 tuổi, gửi về nhờ ông bà chăm sóc. Xa con, em cũng thương nó lắm, nhưng ở đây, vợ chồng em không có điều kiện chăm sóc cháu. Thu nhập của vợ chồng em thấp, lại phải thường xuyên làm tăng giờ. Hàng năm đến Tết, gia đình em mới về quê, nhưng cũng có khi chỉ về được 1 người vì đi lại tốn kém…”.

Số công nhân may mắn ở tại các khu ký túc xá (KTX) công nhân trong các Cty không nhiều. Công nhân ở đây có điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt hơn, nhưng phải chi trả cao hơn. Đối với một số công nhân trẻ, nhiều khi lại không thoải mái vì họ có nhu cầu giao lưu, thăm bạn bè trong khi KTX lại có những quy định khắt khe về thời gian. Tại khu KTX công nhân ở Đồng Nai, chúng tôi thấy, thường 8 - 12 công nhân chung 1 phòng, có khu nấu ăn riêng. Những hộ gia đình thì được bố trí cho ở riêng 1 phòng. Trong khu KTX có cả nhà trẻ dành cho con em công nhân, có những phòng rộng dành cho hoạt động cộng đồng và sinh hoạt của công nhân, thỉnh thoảng có tổ chức chiếu phim tập thể. Tuy nhiên, số KTX ở các KCN, KCX hiện nay chưa nhiều, chưa đáp ứng được đủ nhu cầu của công nhân.

Cuộc sống khó khăn, điều kiện ăn ở hạn chế tác động đến đời sống tình cảm của chính các công nhân. Ở các KCN, KCX hiện nay, số lượng nữ giới rất đông, nhiều Cty như dệt may, da giày có đến 80 - 90% công nhân là nữ, thậm chí có một số Cty 100% là nữ. Phần lớn nữ công nhân đang ở độ tuổi kết hôn. Vấn đề tình cảm của chị em cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu lấy chồng thì khi có con cái liệu đồng lương có đủ nuôi con, cuộc sống càng khó khăn hơn, hiện tượng sau khi lấy chồng phụ nữ bỏ Cty không phải là hiếm. Việc thiếu thốn tình cảm dẫn đến quan niệm về yêu đương dễ dãi, tình trạng nay yêu mai bỏ không phải hiếm. Nhiều chị em đã dở khóc, dở cười với các cuộc tình ngắn ngủi, bù đắp những lúc trống vắng mà hậu quả là mang thai, đẻ thì lấy gì mà nuôi, rồi còn áp lực gia đình, phá bỏ thì ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý…

Tìm hiểu những khó khăn về đời sống hôn nhân, gia đình và tình cảm ở nữ công nhân tại các KCN, KCX, chúng tôi thu được kết quả: 36,8% chị em cho rằng, khó khăn trong đời sống tình cảm của họ là xa quê. Công nhân trong các KCN chúng tôi khảo sát, đặc biệt là tại Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và các tỉnh Tây Nam bộ, điều kiện đi lại khó khăn, đồng lương thấp, có chị em mấy năm mới về quê một lần. Nữ công nhân, sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT đang trong sự chăm sóc của bố mẹ, bỗng nhiên phải xa rời quê hương đến một môi trường hoàn toàn xa lại, do đó họ cảm thấy trống vắng, thiếu thốn tình cảm. Mặc dù điều kiện liên lạc thuận tiện, có thể nghe được giọng nói của người thân qua điện thoại, nhưng họ vẫn thiếu sự chăm sóc, gần gũi. Cảm giác trống vắng, cô đơn vẫn hiện diện trong mỗi con người đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Có tới 44,7% chị em cho rằng, khó khăn của họ là ít thời gian chăm sóc gia đình, bản thân.

Một nữ công nhân 28 tuổi cho biết “gặp khó khăn nhiều bởi làm mà không đủ chi tiêu cho cuộc sống nên dẫn tới hạnh phúc gia đình không được tốt đẹp”. Hay nói như một nữ công nhân 50 tuổi thì “giờ tăng ca quá nhiều và thường xuyên, dẫn đến nữ công nhân không có thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình. Một số bị áp lực công việc sinh ra những quan điểm không đúng về hôn nhân, đời sống, tình cảm”.

Công nhân ở các KCN hiện nay muốn có thêm thu nhập phần lớn phải làm tăng ca, thêm giờ. Ngoài thời gian làm việc chính còn phải tăng ca thì còn đâu thời gian mà chăm sóc bản thân, và gia đình. Có cặp vợ chồng ở cùng nhau nhưng chẳng có thời gian gặp nhau bởi làm khác ca, giờ vợ chuẩn bị về thì chồng đã phải đi làm. Ở cùng nhà mà có khi hàng tuần vợ chồng mới gặp nhau. Một nam công nhân chia sẻ: “Chúng tôi gặp khó khăn vì đi làm 3 ca nên không ổn định giờ giấc. Mỗi khi đi làm về quá mệt mỏi, tình cảm không được tốt vì người này thức, người kia lại ngủ”.

Ngoài ra, 21,1% chị em cho biết, khó khăn của họ là không có thời gian giao lưu với bạn bè. Chính điều này cũng làm hạn chế quan hệ của chị em, ảnh hưởng đến việc tìm bạn đời của nữ công nhân trong các KCN, KCX.

Vấn đề khó khăn về tình cảm không chỉ có ở những người thu nhập thấp mà cả ở những người có mức thu nhập khá cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 41,7% người có mức thu nhập trên 1,6 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng và 43,1% người có mức thu nhập trên 2 triệu đồng cảm thấy họ khó khăn về tình cảm, đó là xa quê, thiếu thốn tình cảm. Tình cảm ở mỗi con người là khác nhau, rời xa quê hương đi làm ăn là một thách thức. Trong tâm thức mỗi con người Việt Nam, dù đi đâu thì quê hương vẫn là nơi mình luôn hướng về. Cuộc sống bắt con người phải tìm kế mưu sinh, nhưng tiền bạc không thay thế được tình yêu quê hương của mỗi con người. Dù làm việc vất vả, có thu nhập, nhưng điều day dứt vẫn là nhớ nhà, nhớ gia đình, quê hương.

Một vài lời kết
Qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, đời sống vật chất của công nhân trong các KCN, KCX hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Với mức lương hiện tại, có cố gắng tiết kiệm mới đủ chi phí cho những nhu cầu tối thiểu của công nhân. NLĐ phải làm việc trong điều kiện chưa bảo đảm; đời sống (lợi ích) của NLĐ chưa thực sự được quan tâm, mức lương quá thấp (chỉ cao hơn mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định không đáng kể); chưa phù hợp với thực tế, nhất là khi giá cả sinh hoạt tăng cao, càng làm cho người công nhân phải lo lắng duy trì cuộc sống. Người công nhân không có kinh phí cho những nhu cầu tinh thần, vui chơi, giải trí của mình.

Nhiều KCN, KCX hiện nay tập trung số lượng lớn lao động nữ đang trong độ tuổi kết hôn. Do cuộc sống, mưu sinh, họ phải rời quê hương đi làm, đến một môi trường mới ít có điều kiện giao lưu bởi phải đi làm ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập nên nguy cơ không lấy được chồng rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của họ. Một số công nhân, do xa quê, đời sống tình cảm khó khăn, những tác động từ môi trường sống và từ chính lối sống tự do không có ai quản lý, nên có những biểu hiện sống buông thả, yêu đương tự do không có định hướng dẫn đến tình trạng có thai rồi nạo phá ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.

Quan hệ lao động trong DN đang đặt ra nhiều thách thức, lợi ích của NLĐ chưa được đáp ứng, thỏa mãn. Ngoài tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi chưa được chủ DN quan tâm thì điều kiện ăn ở, sinh hoạt của NLĐ, nhất là ở các KCN tập trung hết sức khó khăn. Đời sống tinh thần của công nhân tại các KCN còn nghèo nàn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới đình công, tranh chấp lao động.

Đời sống của công nhân tại các khu nhà trọ còn quá khó khăn. Việc ăn ở, học hành của con em công nhân đang là vấn đề bức xúc. Người công nhân phải lo thuê nhà, lo học hành cho con cái trong khi sự hỗ trợ của các DN hầu như không đủ, thiếu các khu KTX cho công nhân, điều này làm giảm đi hiệu quả lao động, gây tâm lý không an cư, gắn bó lâu dài với DN. Chính vì vậy, các DN muốn công nhân gắn bó với mình lâu dài nhằm hạn chế chi phí đào tạo đầu vào cần tính toán đến việc sắp xếp chỗ ở, bảo đảm đời sống tối thiểu cho công nhân, tạo dựng không khí vui vẻ thông qua các hoạt động tập thể, vui chơi giải trí, tổ chức các chuyến tham quan du lịch trong điều kiện có thể nhằm động viên, khích lệ và để công nhân gắn bó với DN lâu dài.

Lê Minh Thiện
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm