Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Hòa
Thứ năm, 04/11/2021 - 16:08
(Thanh tra) - Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và nâng cao nhận thức phòng, chống dịch Covid-19, các huyện miền núi tỉnh Bình Định đã tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến người dân và đã đạt được kết quả đáng mừng. Trong đó, nhiều địa phương đã sử dụng tiếng Chăm, Bana, H’rê… để tuyên truyền ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để bà con dễ nắm bắt.
Trung uý Đinh Văn Kỹ (đồng bào Chăm), Công an xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh hướng dẫn người dân ký cam kết và tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: Thanh Hòa
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, hàng ngày với ba khung giờ đã định, lực lượng Công an xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, Bình Định cùng với các cán bộ xã, thôn, làng đi đến từng ngõ trong các xóm làng có đồng bào Chăm, Bana, H’rê sinh sống, tuyên truyền và nhắc nhở người dân phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng Kinh (phổ thông) lẫn tiếng Chăm và Bana, H’rê. Nhờ đó, đa số người dân tại các thôn, làng nắm bắt được kịp thời và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt là các trường hợp mắc lỗi trong phòng, chống dịch và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch đã giảm xuống rất nhiều.
Ông Trần Văn Tiển, một người Chăm ở làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp, cho biết: “Cán bộ Công an xã tuyên truyền về dịch bệnh bằng tiếng Chăm giúp tôi hiểu và nắm bắt thông tin thuận lợi, chính xác hơn. Tôi đã nhắc nhở con cháu trong nhà tự giác phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế đầy đủ, không tập trung đông người và thường xuyên rửa tay theo đúng quy định. Hầu hết các gia đình đồng bào đến nay đã hiểu và làm theo hướng dẫn phòng, chống dịch của cán bộ”.
Trong khi đó, chị Đinh Thị Xuân, người đồng bào Bana, sinh sống ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, cho biết: Nơi đây, nhiều gia đình đồng bào Bana còn chưa hiểu tiếng Kinh (phổ thông), do vậy việc tiếp thu các kiến thức biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của bà con còn hạn chế. Thời gian qua, ngoài tuyên truyền bằng tiếng Kinh thì cán bộ các cấp còn tuyên truyền cho bà con phòng, chống dịch bằng tiếng Bana nên khả năng tiếp thu của bà con đã tốt hơn nhiều. Nhờ đó, công tác phòng dịch ở vùng DTTS tốt hơn, dịch bệnh nơi đây cũng được kiểm soát.
Theo Công an xã Canh Hiệp, đồng bào DTTS trên địa bàn xã chiếm 87% dân số, nhiều người không nghe được tiếng phổ thông, nhất là người già và trẻ nhỏ. Hiện, lực lượng Công an xã có 2 cán bộ người Chăm và Bana nên công tác tuyên truyền giúp bà con nắm thông tin về dịch bệnh và cách phòng tránh cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Phạm Thành Tuyên, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vân Canh cho hay, hiện trên địa bàn có 11 dân tộc anh em sinh sống, nhưng đa số là dân tộc Chăm và Bana (chiếm hơn 40% dân số của huyện). Bởi vậy, để công tác tuyên truyền phòng, chống dịch đạt hiệu quả, huyện xác định phải tuyên truyền bằng tiếng Chăm, Bana với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, với nội dung ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hành; tổ chức các xe tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư xa trung tâm xã; truyền thông qua mạng xã hội, băng rôn, tờ rơi.
Không chỉ ở Vân Canh mà huyện vùng cao Vĩnh Thạnh, Bình Định cũng đã áp dụng đưa tiếng Bana và Chăm vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cho bà con.
Huyện Vĩnh Thạnh hiện có 26% dân số là người DTTS, chiếm phần đông là người Bana, vì thế công tác truyền thông bằng hai thứ tiếng Kinh và Bana cũng phát huy hiệu quả. Theo đó, cán bộ hội, đoàn thể, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe loa lưu động tại khu dân cư; phát tờ rơi, có hình ảnh trực quan tuyên truyền về phòng, chống dịch; ưu tiên cán bộ là người DTTS, người có uy tín tham gia vào các tổ giám sát cộng đồng, tổ Covid-19 đi đến từng ngõ, từng hộ dân…
Bà Hồ Thị Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Tuyên truyền phòng, chống dịch bằng tiếng Bana giúp bà con Bana dễ hiểu hơn về dịch bệnh và thực hiện hiệu quả các quy định về phòng, chống dịch bệnh, góp phần hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định nhìn nhận: Đồng bào DTTS chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh, chiếm đa số là 3 dân tộc Chăm, Bana, H’rê. Bà con sinh sống tập trung tại 119 thôn, làng, khu phố thuộc 33 xã, thị trấn của 6 huyện. Từ khi xuất hiện dịch bệnh, Mặt trận cùng các cấp, ngành đã linh hoạt sử dụng nhiều thứ tiếng của người đồng bào DTTS để truyền tải những thông tin cần thiết về phòng, chống dịch đến người dân, gia đình; vận động bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền cơ sở và hướng dẫn của ngành Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo bà Thu, để công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đồng bào DTTS đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian tới Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng cho bà con. Phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín, già làng trong đồng bào DTTS làm “cầu nối” tích cực tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch cũng như không nghe theo những thông tin độc hại, phần tử xấu kích động, lôi kéo… góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chỉ thị số 8974/CT-BNN-TY ngày 26/11/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên động vật và trên người trong năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Hoàng Nam
22:23 26/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG), các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.
Nam Dũng
21:05 26/11/2024Thu Huyền
19:55 26/11/2024Phương Anh
18:22 26/11/2024Hải Hà
15:30 26/11/2024Hoàng Hiệp
Bùi Bình
Lâm Ánh
Phương Anh
Kim Thành
Ngọc Anh
Hương Giang
Bùi Bình
Hương Giang