Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản

Thái Hải

Thứ sáu, 10/07/2020 - 21:44

(Thanh tra) - Ngày 10/7, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Hoạt động truyền thông xuất bản chỉ mới dừng lại việc giới thiệu xuất bản phẩm

Phát biểu dẫn đề, TS Vũ Thuỳ Dương, Phó Trưởng Khoa Xuất bản nhấn mạnh: Hiện nay, truyền thông đang đóng một vai trò ngày càng lớn cho rất nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Truyền thông kết nối con người với con người, đưa thông tin truyền đi nhanh hơn.

Truyền thông đóng vai trò truyền bá thương hiệu, định vị sản phẩm với công chúng, từ đó trực tiếp thúc đẩy hiệu quả của các hoạt động thương mại cũng như phi thương mại. Xuất bản là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, đồng thời là ngành công nghiệp truyền thông kết nối trí tuệ của nhân loại. Các sản phẩm của ngành Xuất bản đã, đang và tiếp tục có giá trị to lớn, đóng góp cho xã hội trên mặt trận tư tưởng - văn hóa - giáo dục - giải trí - kinh tế.

“Ngành Xuất bản không thể đứng ngoài cuộc trong sự bùng nổ truyền thông, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại cách mạng 4.0 để tạo ra các xuất bản phẩm đáp ứng thị hiếu của lớp công chúng mới”, bà Dương nhấn mạnh.

Ngày nay, công tác truyền thông cho xuất bản phẩm trở thành một yếu tố quan trọng, giúp ngành Xuất bản ngày càng hội nhập và đưa xuất bản phẩm đến với độc giả bằng nhiều con đường, phương tiện khác nhau. Nhiều đơn vị xuất bản đã và đang xây dựng cho mình những hoạt động truyền thông ngày càng hoàn thiện về chất lượng cũng như hiệu quả mang lại.

Tuy vậy, hoạt động truyền thông của nhiều đơn vị chỉ mới dừng lại việc giới thiệu xuất bản phẩm ở mức độ cơ bản, xây dựng thương hiệu, tên tuổi của đơn vị mình. Đối với khâu phát hành, hoạt động truyền thông thường chỉ ở mức đưa sản phẩm ra thị trường.

Có thể thấy, tuy truyền thông trong khâu phát hành đã hình thành đáng kể, nhưng chưa thực sự đạt được hiệu quả cần thiết của một hoạt động truyền thông, đó là xây dựng được mối quan hệ có tương tác giữa đơn vị xuất bản - phát hành, xuất bản phẩm và độc giả thụ hưởng xuất bản phẩm.

Đối với hoạt động truyền thông nói chung và quảng bá sản phẩm nói riêng, có thể thấy ở các đơn vị phát hành sách tư nhân có những ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các nhà xuất bản (NXB). Điều này rút ra được từ mức độ phát triển thương hiệu với độc giả và độ phổ biến của xuất bản phẩm dưới tên các đơn vị xuất bản tư nhân.

Các đơn vị xuất bản tư nhân thường có sự đầu tư mạnh hơn ở mảng truyền thông để giải quyết vấn đề sức ép nguồn thu của đơn vị. Song song với sự đầu tư là kết quả thu lại, thương hiệu được xây dựng tốt và kết quả doanh thu từ xuất bản phẩm cao hơn.

Có chiến lược định vị sản phẩm dành cho tệp khách hàng chuyên biệt

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề lý luận về truyền thông xuất bản, bao gồm: Vai trò, yếu tố, mô hình truyền thông; các bước trong chu trình truyền thông xuất bản; nội dung lập kế hoạch truyền thông xuất bản; các phương thức truyền thông xuất bản.

Bên cạnh đó, thực trạng truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản, bao gồm: Thực trạng truyền thông nội bộ trong một đơn vị xuất bản; vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đơn vị xuất bản; giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản.

Nhấn mạnh thực trạng đa dạng các nền tảng truyền thông với sự tham gia của Facebook, Youtube, Zalo và hệ thống mạng xã hội khác, ông Phan Ngọc Chính, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tài chính cho rằng, trước khi sử dụng các phương tiện trên, mỗi NXB, công ty sách hay người làm sách đều cần phải xác định rõ mục tiêu là phải hướng đến khách hàng thì mới tìm cách truyền thông hợp lý để chinh phục nhóm khách hàng mua sách, tạo nên hiệu ứng tốt trong công chúng mới được thực hiện tiếp theo.

Mặt khác, theo ông Chính, phải xác định được sự khác biệt của ấn phẩm sách mà NXB, công ty phát hành đưa ra thị trường lần này khác với lần trước như thế nào. Xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp với quy mô phát hành với định lượng thị trường và với chi phí có thể đảm bảo các cân đối hài hòa, đem lại hiệu quả kinh tế...

Về việc xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, ông Chính cho rằng, hãy cứ để dư luận đánh giá và độc giả tự kết luận. Cơ quan quản lý và NXB không cần phải lên tiếng hay vào cuộc.

Dẫn chứng, ông Chính cho biết, năm 2018, cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ đạt Giải C hạng mục "Sách hay" trong lễ trao "Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất" bị dư luận phản ứng là suồng sã, dụng tục... Tuy nhiên cuối cùng thì giải thưởng vẫn được giữ nguyên cho sách, NXB và các cơ quan quản lý đều không có ý kiến chính thức.

Giảng viên Khoa Xuất bản - TS Trần Thị Hồng Hoa, thì cho rằng, một xuất bản phẩm có giá trị cần phải trải qua nhiều công đoạn để hoàn thiện, nhưng muốn đến với độc giả không dễ dàng.

"Chính vì vậy, việc chủ động lựa chọn các chiến lược truyền thông hiệu quả để cung cấp thông tin và thu hút sự quan tâm của người đọc về những ấn phẩm đó là hoạt động rất cần thiết", bà Hoa nhấn mạnh.

Theo bà Hoa, để việc truyền thông và marketing một cuốn sách diễn ra suôn sẻ thì cán bộ chuyên trách cần lập được một kế hoạch cụ thể, làm rõ những đầu mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu quả truyền thông; cần đọc kỹ cuốn sách, tìm hiểu những thông tin cơ bản liên quan đến tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung tư tưởng chủ đề... nhằm xác định đúng đối tượng bạn đọc mà cuốn sách hướng đến.

Thông thường, các NXB muốn có chỗ đứng trong thị trường nói chung luôn phải có chiến lược định vị sản phẩm dành cho tệp khách hàng chuyên biệt.

Từ việc định vị này, NXB cũng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những tác giả có thể mạnh cho những sản phẩm liên quan.

"Sau khi xác định được khách hàng của cuốn sách, việc tiếp theo của bạn là xác định thông điệp truyền tải cho từng đối tượng khách hàng. Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, phải có thông điệp phù hợp thì mới thuyết phục được độc giả mua sách", bà Hoa nhận định.

Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch vẫn cần theo dõi và điều chỉnh liên tụ,đặc biệt là với hoạt động marketing online...

Tạo dựng và phát triển thương hiệu

Việc tạo dựng và phát triển thương hiệu NXB, đơn vị phát hành xuất bản phẩm cũng cần thiết.

Theo bà Đỗ Thị Quyên, Trưởng khoa Xuất bản - Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội, muốn tạo dựng thương hiệu trong NXB, đơn vị phát hành NXB cần chú trọng tính đồng bộ, khách quan và phù hợp. Thương hiệu mỗi doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo nên giá trị nền tảng, lấy định hướng khách hàng làm trung tâm làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Mặt khác, tạo dựng thương hiệu cần chú trọng việc tạo dựng các yếu tố thuộc nội hàm và ngoại diên thương hiệu doanh nghiệp.

Ngoài ra, chú trọng công tác định vị và quảng bá hình ảnh thương hiệu nhằm tạo ra một hình ảnh riêng có, ấn tượng, để lại dấu ấn quan trọng của sản phẩm, doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng, mà mỗi khi khách hàng bạn đọc đối diện hoặc nhớ đến sản phẩm của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Ngô Tấn Đạt, Phó Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, thông quá thương hiệu, bạn đọc sẽ tin tưởng hơn, yên tâm và mong muốn được dùng các xuất bản phẩm và dịch vụ NXB. Tạo dựng được uy tín của NXB đối với bạn đọc thông qua các chiến dịch truyền thông, marketting, tổ chức sự kiện mà NXB thực hiện.

"Một thương hiệu được bạn đọc biết đến sẽ mang lại những lợi ích về doanh thu cho NXB trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, khi đã xây dựng được thương hiệu đáng tin cậy, các tác giả, nhà đầu tư sẽ không e ngại cùng góp vốn vào NXB để mở rộng quy mô, phạm vi xuất bản; đối tác của NXB cũng sẽ sẵn sàng hợp tác kinh doanh", ông Đạt nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm