Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trẻ hóa người mắc đái tháo đường: Thực trạng đáng báo động

Hoàng Hiệp

Thứ năm, 14/11/2024 - 10:37

(Thanh tra) - Lối sống ít vận động, chế độ ăn uống nhiều đường và đồ ăn nhanh, cùng với nhận thức hạn chế về bệnh lý là những yếu tố khiến bệnh đái tháo đường ở người trẻ trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả cho người mắc tiểu đường, bao gồm các thực phẩm giàu chất xơ, ít đường và tinh bột. Ảnh: Hoàng Hiệp

Trẻ hóa độ tuổi mắc đái tháo đường

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến năm 2023, Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Đáng chú ý, độ tuổi mắc căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.

Sự thiếu hụt về nhận thức và chăm sóc y tế đồng nghĩa với việc nhiều người mắc bệnh mà không biết. Đặc biệt, tình trạng này ngày càng phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Đối với bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường, điển hình như trường hợp của Minh Hải (21 tuổi, Hà Nội), việc phát hiện bệnh là một cú sốc lớn. Hải chia sẻ rằng chỉ mới 6 tháng trước, khi đi khám sức khỏe định kỳ, cậu bất ngờ được chẩn đoán mắc tiểu đường.

Hải cũng cho biết, trước khi phát hiện bệnh, cậu thường xuyên ăn đồ ngọt và đồ ăn vặt. Từ khi biết mình mắc tiểu đường, Hải đã phải thay đổi chế độ ăn uống, kiên quyết loại bỏ các loại thực phẩm nhiều đường, tăng cường rau xanh và trái cây ít đường.

“Ban đầu việc điều chỉnh thói quen ăn uống rất khó, nhưng dần dần tôi nhận ra sức khỏe mình cải thiện hơn hẳn,” Hải bộc bạch.

Theo các chuyên gia y tế, đái tháo đường ở người trẻ xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm lối sống ít vận động, chế độ ăn uống nhiều đường và chất béo không lành mạnh, cùng với tình trạng thừa cân, béo phì. Những yếu tố này kết hợp với xu hướng thiếu quan tâm tới sức khỏe dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gia tăng.

Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chia sẻ: “Đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang dần trở thành một vấn đề phổ biến. Đây là hệ quả của lối sống thiếu khoa học, đặc biệt là sự lạm dụng thực phẩm nhanh, đồ uống có đường và tình trạng ít vận động”.

Đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, thạc sĩ, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Trần Thanh Hải - Trưởng Trung tâm Dinh dưỡng và kiểm soát cân nặng Phòng khám thẩm mỹ Hoàng Tuấn, nhấn mạnh: “Những người mắc đái tháo đường không nên nhịn ăn hoàn toàn tinh bột hoặc chất đường, vì cơ thể vẫn cần năng lượng để hoạt động. Thay vào đó, người bệnh cần biết cách kiểm soát khẩu phần ăn và lựa chọn thực phẩm lành mạnh”.

Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng Trần Thanh Hải, chế độ ăn dành cho người tiểu đường cần được cá nhân hóa, vì mỗi bệnh nhân có chỉ số đường huyết, cân nặng và tình trạng sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, để xây dựng một chế độ ăn uống hiệu quả, vẫn cần tuân thủ một số nguyên tắc chung. 

Cụ thể, dinh dưỡng phải đảm bảo cân bằng, cung cấp đủ các nhóm chất thiết yếu. Đặc biệt, người bệnh tiểu đường cần chú trọng bổ sung chất xơ từ rau củ và trái cây ít đường, vì chất xơ giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời, việc uống đủ nước mỗi ngày cũng là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể và hỗ trợ chức năng thận.

Trên 60% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán bệnh

Theo Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới (IDF), ước tính hiện nay có khoảng trên 537 triệu người trưởng thành (độ tuổi 20 – 79) mắc bệnh đái tháo đường, tương ứng 10,5% dân số. Trong đó, có hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường, 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán trên thế giới (gần 90% người mắc bệnh không được chẩn đoán nói trên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình). 

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh đái tháo đường có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới. Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (năm 2002) cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%; sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 5,4%. Kết quả khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất (năm 2020) cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. 

Trong đó, các số liệu đáng quan tâm đó là tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để ứng phó với tình trạng trên, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt bằng các chính sách và nguồn lực lớn nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Hệ thống phòng, chống bệnh đái tháo đường đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ gia tăng của bệnh đái tháo đường toàn quốc, giai đoạn 2020 – 2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017. Việt Nam đã nỗ lực giảm thiểu được tỷ lệ gia tăng bệnh ở mức thấp hơn so với tỷ lệ bệnh trung bình của khu vực và thế giới. 

Ngày Đái Tháo Đường Thế Giới được Liên đoàn Đái Tháo Đường Thế Giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng từ năm 1991, diễn ra vào ngày 14/11 hàng năm. Đây là sự kiện quan trọng nhằm nhắc nhở mọi người về hiểm họa đái tháo đường – một căn bệnh mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là văn kiện quan trọng

Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là văn kiện quan trọng

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm “Trao đổi, thảo luận về Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, diễn ra hôm nay (14/11), tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

T.Lương

20:30 14/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm