Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

"Tịnh thất Bồng Lai" không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo

Trà Vân

Thứ sáu, 29/10/2021 - 19:12

(Thanh tra)- Hòa thượng Thích Minh Thiện - Phó Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An ký, khẳng định: “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”, chỉ là hộ gia đình, nhà ở, không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Hòa thượng Thích Minh Thiện - Phó Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An. Ảnh: Phật giáo Long An

Đây chỉ là một hộ gia đình do bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960) ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước về xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) làm chủ hộ, thời gian qua đã mạo xưng là “chùa”, “tịnh thất”, “thiền am”, nuôi trẻ mồ côi, cùng những việc làm của họ trong thời gian qua, có sự tiếp tay của những cá nhân, công ty kinh doanh lĩnh vực giải trí quảng bá.

Đặc biệt, nơi đây trong nhiều năm được đồn thổi và phao tin “hoa ưu đàm” để thu hút quần chúng hiếu kỳ, gây xôn xao dư luận và hiểu lầm về Phật giáo, lạm dụng pháp phục tu sĩ nhưng lại phản bác Phật giáo, làm nhiều việc không phù hợp khiến dư luận bức xúc.

"“Tịnh thất Bồng Lai” chỉ là mạo xưng, những người ở đây không phải là tu sĩ Phật giáo, không do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình. Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của Tổ chức Phật giáo thế giới và gần nhất là tổ chức Phật giáo của Việt Nam", Hòa thượng Thích Minh Thiện nhấn mạnh.

Hiện, trong tư thất Bồng Lai có 30 người đăng ký thường trú, tạm trú. Chủ hộ là bà Cao Thị Cúc, 60 tuổi. Chủ trì tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" này là ông Lê Tùng Vân, người tự xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức.

Những video clip được tung lên các trang mạng xã hội cho thấy, mặc dù chưa bao giờ xuất gia, nhưng ông Lê Tùng Vân, luôn mạo xưng mình là "thầy ông nội" hay thầy Thích Tâm Đức; tự cạo đầu trọc, mặc lễ phục, pháp phục, làm lễ phục xuất gia cho người khác, nhận Phật tử làm tín đồ và tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai" là chùa.

Do bị cộng đồng Phật giáo, báo chí, truyền thông, mạng xã hội, phản ứng gay gắt nên Lê Tùng Vân đổi tên "Tịnh thất Bồng Lai" thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".

Nhiều năm qua, lợi dụng danh nghĩa là tổ chức thờ tự Phật giáo và danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, "Tịnh thất Bồng Lai" đã có những thủ đoạn để tạo dựng niềm tin trong Phật tử, nhân dân, trục lợi tiền từ thiện.

Vào năm 2014, bà Cao Thị Cúc mua gần 2.000m2 nhà, đất. Sau đó bà Cúc sửa chữa để làm điểm tu tại gia.

Năm 2015, ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932, ngụ phường 10, quận 6, TP HCM) chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp.

Trước đây, ông Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM và tự phong là Giám đốc Trại Dưỡng lão và Cô nhi Thánh Đức.

Đến 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không đảm bảo theo quy định, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ theo quy định.

Đến năm 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và nhận nuôi con nuôi lấy danh nghĩa làm từ thiện.

Cơ quan chức năng địa phương cho biết, những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây không phải là trẻ mồ côi và phần lớn đều có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân.

"Tịnh thất Bồng Lai" liên tục cho những em nhỏ được nuôi dưỡng tại đây đi tham gia các cuộc thi thi hát Bolero, "Thách thức danh hài"…  Tất cả đều giới thiệu là trẻ mồ côi đến từ "Tịnh thất Bồng Lai".

Mục đích là để gây chú ý, quảng bá hình ảnh. Bằng cách này, "Tịnh thất Bồng Lai" trở thành điểm lui tới của nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện và những tấm lòng vàng trong, ngoài nước gửi quà tặng, tiền hỗ trợ.

Chính quyền tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành, các cấp vận động di dời số tượng Phật về cơ sở tôn giáo hợp pháp tại huyện Đức Hòa và yêu cầu cơ sở tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai" không được tụ tập đông người, tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ mục đích, động cơ tổ chức hoạt động tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em của tổ chức này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Pháp luật nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo có tổ chức thành nơi tu hành tập trung dưới hình thức tự viện Phật giáo phải tuân thủ quy định pháp luật. Phải được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, phải được sự đồng ý, tuân theo sự quản lý của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương.

Việc tổ chức cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không tuân thủ các quy định pháp luật, lợi dụng quyên tiền từ thiện sinh hoạt tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em nhưng thực chất sử dụng số tiền trên không đúng mục đích sẽ bị coi là hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm