Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tìm mọi cách chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động đã về quê hoặc quay trở lại

Nghiêm Lan

Thứ năm, 14/10/2021 - 20:07

(Thanh tra)- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, yêu cầu các ngành chức năng tìm mọi cách để chi trả cho người lao động đã về quê hoặc chi trả khi người lao động quay trở lại Đồng Nai.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị nhanh chóng, kịp thời chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Huy Anh

Ngày 14/10, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh. Cùng dự có các ông: Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Cần giải quyết vấn đề công nghệ thông tin

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong tuần này, các đơn vị, địa phương cần tập trung để tiêm hết 407 ngàn liều vaccine còn lại để đầu tuần sau, khi tỉnh nhận thêm 500 ngàn liều vaccine AstraZeneca sẽ triển khai tiêm mũi 2 cho người dân.

Nếu tiêm hết số vaccine trên, tỉnh Đồng Nai chỉ còn thiếu khoảng 500 ngàn liều AstraZeneca và hơn 100 ngàn liều Pfizer là phủ đủ 2 liều cho người từ 18 tuổi trở lên.

Các địa phương cũng khẩn trương lập danh sách 344 ngàn trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để khi Bộ Y tế cấp vaccine về, tỉnh sẽ triển khai ngay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà cho biết, tỷ lệ đăng ký phần mềm PC-Covid còn rất thấp, app Sổ Sức khỏe điện tử mới đạt 50% tổng số người dùng điện thoại thông minh, nhưng tỷ lệ sai sót về dữ liệu tiêm chủng còn cao.

Người dân đã kiến nghị rất nhiều, nhưng một số địa phương chưa nhận mã từ Sở Y tế để điều chỉnh thông tin. Điều này cần khắc phục và chấn chỉnh ngay để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đề nghị cần giải quyết vấn đề công nghệ thông tin khẩn trương, quyết liệt hơn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Hoàng Ngọc đề nghị các địa phương khẩn trương hướng dẫn người dân cài đặt để nâng tỷ lệ người dân sử dụng các phần mềm liên quan đến công tác phòng, chống dịch như cài mã QR-Code, PC-Covid.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để thực hiện hệ thống quản lý cách ly F0, F1; bản đồ an toàn Covid-19; điều chỉnh số liệu tiêm chủng trên hệ thống cho chính xác…

Thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Biên Hòa, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho hay, số ca mắc mới chủ yếu tập trung trong các khu cách ly tập trung. Toàn TP hiện còn hơn 3,3 ngàn trường hợp F1 đang cách ly tập trung. Trong số này có khoảng 300 trường hợp nguy cơ cao thành F0. TP Biên Hòa đang thực hiện thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà.

TP thành lập các trạm y tế lưu động đặt tại văn phòng của các khu phố, mỗi trạm gồm 25 - 30 thành viên gồm lực lượng y tế, công an... Việc cách ly F0, F1 tại nhà nhận được sự đồng tình cao của người dân, giảm được áp lực cho các khu cách ly tập trung, và trả lại các khu cách ly cho các trường học.

Về vấn đề an sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo, công tác an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện. Tính đến nay, tỉnh đã chi số tiền hơn 912 tỷ đồng để hỗ trợ cho 8.928 đơn vị sử dụng lao động, 470,5 ngàn người lao động và 6.842 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu khẩn trương khắc phục sai sót thông tin trên Sổ Sức khỏe điện tử. Ảnh: Huy Anh

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, khi các doanh nghiệp sản xuất trở lại, công nhân đi làm nhiều, Ban Quản lý các khu công nghiệp, ngành Y tế, các địa phương và đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

Về việc tiêm vaccine mũi 2, ngoài những người đã đến thời hạn tiêm và người lớn tuổi, cần tập trung ưu tiên sớm cho công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy.

Các địa phương tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các khu nhà trọ, tuyên truyền để công nhân có ý thức bảo vệ cho chính bản thân, gia đình và những người xung quanh, phải làm sao giữ cho được an toàn trong doanh nghiệp để phát triển, sản xuất.

Về hệ thống công nghệ thông tin, lãnh đạo tỉnh giao Sở TT&TT làm việc cụ thể với từng địa phương. Địa phương nào làm chậm thì xuống dưới địa phương để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khẩn trương khắc phục sai sót thông tin trên Sổ Sức khỏe điện tử, không thể kéo dài mãi.

Hàng tuần, Sở Y tế lập báo cáo đánh giá so sánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để có giải pháp phù hợp.

Nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ

Về chi hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68, các địa phương cần tăng cường lực lượng cho các tổ dân cư, tổ khu phố để triển khai chi trả nhanh chóng, kịp thời.

Những nơi nào dân cư đông thì tăng cường lực lượng, không thể giao cho riêng 1 ông/bà tổ trưởng thực hiện, đó là chưa kể có những trường hợp tổ trưởng già yếu, đi lại khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh biểu dương cách làm tốt, đảm bảo an toàn của các điểm tiêm chủng trong những ngày gần đây.

Về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, khi chưa đủ vaccine thì cần tính toán, cân nhắc để ưu tiên tiêm cho nhóm tuổi nào, địa phương nào trước để cho học sinh trở lại trường học phù hợp.

Sau khi thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà ở TP Biên Hòa nếu thành công thì triển khai nhân rộng. Khi cách ly F0, F1 tại nhà thì bộ phận y tế phải thường trực 24/24 giờ để nếu người dân có vấn đề cần giúp đỡ thì được hỗ trợ ngay.

Riêng vấn đề chuyển khoản tiền hỗ trợ vào tài khoản cho người lao động đã về quê hoặc chi trả khi người lao động quay trở lại Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các ngành chức năng tìm mọi cách để chi trả cho họ, nhằm tạo lòng tin cho nhân dân, không để người dân mất lòng tin.

Tỉnh đã thành lập kênh xử lý tiêu cực, vi phạm liên quan đến phòng chống dịch. Do vậy, các địa phương, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ cần nâng cao trách nhiệm, tránh xảy ra tiêu cực.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin, Tỉnh ủy treo giải thưởng từ nay đến 30/10/2021 với giải thưởng nhất, nhì, ba cho bí thư và địa phương đạt kết quả cao ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Đồng thời, xem xét trách nhiệm bí thư và địa phương thực hiện không tốt.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tất cả công nhân lao động trong khu công nghiệp phải cài đặt PC-Covid và có mã QR-Code để thuận tiện truy vết, xử lý khi có ca F0, F1 trong doanh nghiệp.

Mỗi xã, phường nên thành lập tổ thanh niên tình nguyện am hiểu về công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng liên quan đến phòng, chống dịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm