Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 14/04/2022 - 19:15
(Thanh tra) - Các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được triển khai quyết liệt, các doanh nghiệp nhanh chóng lấy lại đà sản xuất, kinh doanh, sớm có những bứt tốc đã khiến thị trường lao động tại nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục khởi sắc.
Ảnh: https://baochinhphu.vn
Nhu cầu tuyển lao động tăng cao
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 3 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp ở địa phương này liên tục thông báo tuyển dụng lao động cùng các chính sách lương, thưởng, hỗ trợ người lao động khi vào làm việc tại doanh nghiệp.
Trong quý I/2022, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương tăng trưởng toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt kết quả khả quan. Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất, nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng tình hình mới, tận dụng cơ hội để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng đến cuối năm 2022.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương trong quý I năm nay, đa số các doanh nghiệp ở tỉnh đều có nhu cầu tuyển dụng và đang trong “cơn khát” lao động phổ thông. Ba tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp nhận nhu cầu tuyển lao động của trên 1.300 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển hơn 49.780 lao động. So cùng kỳ năm 2021, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã tăng 18,14%; so với quý IV/2021, nhu cầu về lao động tăng mạnh đến gần 91%.
Theo nhận định của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, qua nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp có thể nhận thấy xu hướng của vị trí việc làm dành cho lao động nam và nữ trong thị trường lao động không phân biệt rạch ròi, chỉ cần người lao động có năng lực, sức khỏe đáp ứng tốt yêu cầu công việc sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà tuyển dụng. Những ngành, lĩnh vực có nhu cầu tuyển nhiều lao động là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ và các sản phẩm gỗ, ngành da giày và phụ trợ ngành giày may mặc…
Cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực giày da, may mặc, xây dựng, vỏ nhựa ở tỉnh Đồng Nai tiếp tục có nhu cầu tuyển lao động. Hiện nay, Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 618.400 người lao động.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tại Sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại trung tâm, diễn ra ngay sau dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các doanh nghiệp ở Đồng Nai có nhu cầu tuyển trên 2.570 lao động; trong đó nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm trên 90%, chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc, giày da, vỏ nhựa, xây dựng. Song, tại phiên giao dịch này, chỉ có khoảng 300 lao động đến tìm việc làm.
Còn tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố đã dự báo, trong quý II năm nay, các doanh nghiệp đơn vị tại thành phố cần khoảng 65.500 - 72.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng…
Kết nối cung- cầu lao động
Theo một số chuyên gia lao động- việc làm, bước vào đầu quý II, nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng quy định tăng giờ làm thêm của người lao động trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động nhưng không quá 300 giờ/năm theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm, có hiệu lực từ ngày 1/4/2022.
Giải pháp tạm thời này có thể giúp người lao động được tăng ca theo nhu cầu và doanh nghiệp vận hành tốt hoạt động sản xuất trong thời gian chưa tìm được nguồn lao động phù hợp. Tuy nhiên, sẽ khó khăn cho những người tìm việc nhưng không có nhu cầu tăng ca, nhất là những lao động nữ có con nhỏ hoặc phải đưa đón con đi học.
Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhận định, trong quý II năm nay, nguồn cung lao động sẽ dồi dào hơn so với quý I do có một số người chuyển đổi việc làm và nhiều lao động quay trở lại thị trường lao động để có việc làm ổn định, đồng thời nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại tỉnh Bình Dương, trong quý II, dự báo một số vị trí việc làm trống vẫn chờ người tìm việc như: thợ cơ khí, thợ điện - điện lạnh, nhân viên kinh doanh, kế toán, nhân viên văn phòng, lao động phổ thông, công nhân. Lĩnh vực tuyển dụng chủ yếu là may, da giày, gỗ, cơ khí chế tạo máy, dịch vụ thương mại, kho bãi.
Nhằm tăng cường kết nối cung- cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương sẽ tăng số phiên giao dịch việc làm mỗi tháng, tạo thuận lợi cho người lao động tìm hiểu thông tin việc làm, sớm quay lại thị trường lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động.
Còn đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho hay, trung tâm tiếp tục tổ chức Sàn giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp tổ chức phỏng vấn trực tuyến, tăng cường tuyên truyền đến người lao động, nhất là lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tham gia sàn giao dịch việc làm. Trung tâm cũng tiếp tục kết nối tìm nguồn lao động với các địa phương như: Ninh Thuận, An Giang, Đăk Lắk, Gia Lai.
Thanh Trà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền