Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị sát đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng nêu rõ, “không để chậm trễ nữa”

Thứ ba, 01/10/2019 - 15:32

(Thanh tra) – “Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải là trong năm 2019 phải đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành với yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói và đề nghị, Tổng thầu phải tích cực hơn, trách nhiệm hơn nữa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác làm việc với Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Ảnh: Nhật Bắc

Sáng 1/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, trong đó có dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

“Nuôi bộ máy” rất tốn kém

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt từ năm 2009, với mức vốn ban đầu là 8.769 tỷ đồng, đến năm, 2016 điều chỉnh nâng lên 18.000 tỷ đồng.

Dự án này do Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9/2017. Vì vậy, Hà Nội đã làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng; khoảng 1.000 người đã được tuyển dụng, đào tạo để phục vụ những phần việc này.

"2 năm qua, chúng tôi đào tạo xong rồi nhưng dự án chậm tiến độ, hiện một số công nhân đã bỏ đi, trong khi đó từ năm 2018, TP mỗi năm trả lãi gần 300 tỷ đồng", ông Chung nói.

Thừa nhận dự án chậm trễ, khiến Hà Nội phải "nuôi bộ máy" rất tốn kém, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại không nhiều, chủ yếu là khâu dự phòng.

Phó Thủ tướng thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội

Theo ông Thể, trước khi dự án vận hành thương mại, các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn; bổ sung biển báo giao thông để khi hệ thống lái tự động trục trặc thì lái thủ công vận hành kịp thời.

Cùng với đó, các bên liên quan phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm, ga.

"Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành", ông Thể nói.

Trong năm 2019 phải đưa vào chạy thương mại

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng thầu thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án, Hà Nội và tư vấn kiểm định ngồi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2019 phải đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành

Ghi nhận cố gắng của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vừa qua, song Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, do thiếu kinh nghiệm quản lý và nóng vội trong quá trình thực hiện nên dự án còn nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ, gây bức xúc.

“Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải là trong năm 2019 phải đưa dự án vận hành", Phó Thủ tướng nói.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trách nhiệm của Tổng thầu là rất lớn.

“Tổng thầu phải tích cực hơn, trách nhiệm hơn nữa để cùng phủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn khép lại hồ sơ theo đúng trình tự, đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trình đưa dự án vào hoạt động, khai thác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, không để dự án chậm trễ nữa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hà Nội phối hợp với nhà thầu, tư vấn độc lập tập trung cho công tác đánh giá chất lượng công trình và hoàn thiện hồ sơ yêu cầu tổng thầu phải đáp ứng các hồ sơ đánh giá an toàn, đảm bảo đủ điều kiện để chứng nhận an toàn hệ thống.

“Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá chất lượng để nghiệm thu công trình trong thời gian sớm nhất”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm