Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh Hóa: Gương đồng bào Mường làm giàu trên vùng đất khó

Văn Thanh

Thứ bảy, 13/11/2021 - 10:56

(Thanh tra) - Ông Phạm Văn Dũng, một người con của đồng bào dân tộc Mường, thôn Thanh Bình, xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã biến vùng đất khó thành nơi sản xuất lâm nghiệp, trồng trọt cây ăn quả, chăn nuôi, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều đồng bào ở địa phương.

Ông Phạm Văn Dũng bên đàn bò của gia đình. Ảnh: VT

Chia sẻ về những thành quả mà gia đình đã đạt được, nông dân Phạm Văn Dũng cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng đất miền núi còn nhiều khó khăn, với bản tính chân chất của người con dân tộc Mường cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thích làm kinh tế. Vì thế, ông đã suy nghĩ mình phải tận dụng tốt điều kiện đất đai rộng lớn, màu mỡ để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, vận động bà con hàng xóm, cộng đồng cùng tham gia thì mới mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, đời sống của bà con mới được nâng lên.

Từ những suy nghĩ táo bạo của mình, nông dân Phạm Văn Dũng đã quyết tâm đầu tư sản xuất kinh doanh loại hình tổng hợp lâm nghiệp, trồng trọt cây ăn quả, chăn nuôi với quy mô lớn đến 10 ha. Trong đó, diện tích đất trồng cây ăn quả 2 ha gồm các loại cây mít, ổi, bưởi, na, chuối; đất trồng cây lâm nghiệp 4 ha gồm keo, xoan; đất trồng cây màu 4 ha gồm ngô, sắn, cỏ voi để phát triển chăn nuôi; kết hợp trồng cây với chăn nuôi, thực hiện phương trâm “lấy ngắn nuôi dài” trồng cây màu, lương thực, cỏ để chăn nuôi bò, dê, gà đồi... Hằng năm, gia đình nuôi khoảng 40 con bò, trong đó bò sinh sản 15 con, bò thịt và bò giống 25 con; đàn dê có 400 con trở lên, đàn gà duy trì 300 con/lứa; nuôi giun quế diện tích 100m2.

Để chăn nuôi phát triển, gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh, theo nông dân Phạm Văn Dũng, gia đình phải thường xuyên phòng chống dịch bệnh, chuồng trại chăn nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đối với chuồng bò, lợp fibro xi măng, chống nóng bằng xốp, xây tường bao quanh, có chia từng ô bò thịt, bò sinh sản; chuồng dê phải làm sàn, khử vôi bột, khử khuẩn hàng ngày.

Ngoài ra, gia đình luôn phải áp dụng việc đưa các giống cây, con nuôi mới, có hiệu quả để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như: Sử dụng giống bò vàng bản địa, bò lai Sind, dê núi, dê lai cho năng xuất cao là những con nuôi được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Ngoài ra gia đình còn áp dụng kỹ thuật nuôi giun quế để có nguồn thức ăn cho gia cầm, vừa có nguồn phân bón cho các loại cây trồng khác lại giảm ô nhiễm môi trường từ chất thải phân bò, dê.

Nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, tổng doanh thu hàng năm đạt của gia đình đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó thu từ nuôi bò là 400 triệu đồng, thu từ chăn nuôi dê 1 tỷ 450 triệu đồng, thu từ chăn nuôi gà  30 triệu đồng; thu từ nuôi giun quế là 20 triệu đồng, từ cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa màu 600 triệu đồng. Trừ chi phí công lao động, thức ăn, phòng bệnh, các chi phí khác khoảng 1,4 tỷ đồng còn lại là tiền lời mang về cho gia đình khoảng  1,1 tỷ đồng /năm. Từ nguồn thu này, gia đình nông dân Phạm Văn Dũng đã vươn lên là hộ khá, giàu trên địa bàn.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, gia đình nông dân Phạm Văn Dũng còn hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giúp đỡ giống gà, thỏ, dê cho các hộ có nhu cầu bằng cách cho không hoặc lấy giá rẻ.

Ngoài ra, gia đình còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định từ 800  nghìn đến gần 1,3 triệu đồng/tháng, giúp đỡ 2 hộ nghèo trong thôn bằng cách tặng mỗi hộ một con bò cái sinh sản, hỗ trợ tiền sách vở, điện sinh hoạt, máy móc sản xuất để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, nông dân  Phạm Văn Dũng còn tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực vận động, tuyên truyền bà con nhân dân đoàn kết, giữ vững tình làng, nghĩa xóm, gương mẫu thực hiện các cuộc vận động, quyên góp của MTTQ các cấp, kêu gọi cộng đồng, bà con chung tay giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau vươn lên trong sản xuất và đời sống.

“Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bản thân và gia đình tôi luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính quyền về góp ngày công, tiền, hiến đất để làm đường giao thông, xây nhà văn hóa… Ngoài mức đóng góp chung mỗi gia đình là 1 triệu đồng hộ, gia đình còn tự nguyện, tích cực tham gia đóng thêm mỗi năm từ 2 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn đóng góp công sức, tiền để làm đường liên thôn; đứng ra kéo hơn 1 km đường điện, đóng góp 300 triệu đồng, hiến 2.000 m2 đất, chặt bỏ hàng chục cây gỗ quý để làm đường vào thôn, mở rộng đường giao thông mà không nhận đền bù”, ông Dũng thông tin.

Do có những thành tích trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên vùng đất khó, mới đây nhất năm 2017 nông dân Phạm Văn Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen công dân, gia đình kiểu mẫu giai đoạn 2014 - 2017.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm