Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sau nới lỏng giãn cách xã hội, người dân di chuyển ra, vào TP HCM như thế nào?

Chu Tuấn

Thứ bảy, 02/10/2021 - 18:56

(Thanh tra) - Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP HCM ban hành Chỉ thị số 18, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP đã có văn bản khẩn hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn TP HCM kể từ ngày 1/10. Theo đó, Sở GTVT có quy định chi tiết những trường hợp được đi chuyển ra, vào TP HCM.

Tối ngày 1/10, Sở GTVT TP HCM đã có văn bản khẩn hướng dẫn việc tổ chức giao thông trên địa bàn TP HCM. Ảnh: CT

Tối ngày 1/10, Sở GTVT TP đã ban hành văn bản khẩn về việc hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn TP và một số trường hợp cần thiết giữa TP HCM với các tỉnh, TP từ 1/10. Theo đó, người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mà QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng y tế TP HCM hoặc sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR thì phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; hoặc đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Các phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP HCM. Đối với các hoạt động lưu thông ngoại tỉnh thì thực hiện theo hướng dẫn sau:

Người từ các tỉnh vào TP HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kế từ thời điểm lấy mẫu) và phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến bệnh viện tại TP HCM, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP HCM. Người dân có thể di chuyển bằng ô tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, xe ô tô cá nhân (lái xe phải đáp ứng điều kiện y tế nêu trên).

Người dân TP HCM từ các tỉnh, thành khác trở về phải có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP HCM như hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em); có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ).

Người dân có thể di chuyển bằng các loại hình vận tài hành khách liên tỉnh; xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên). Bên cạnh đó, cần có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền như văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở GTVT TP HCM.

Sở GTVT TP HCM quy định cụ thể một số trường hợp được ra, vào TP từ ngày 1/10/2021. Ảnh: CTV

Trong khi đó, người từ TP HCM đến các tỉnh, thành khác, chỉ được cho phép một số trường hợp cấp bách như: Đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; phỏng vấn trước khi đi nước ngoài...

Tuy nhiên, những trường hợp này phải đảm bảo các điều kiện như là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm; có kết quả xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành Y tế; phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không), xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên). Bên cạnh đó, cần có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền như văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở GTVT TP HCM.

Người từ các tỉnh, thành phố khác đến TP HCM cũng chỉ được cho phép một số trường hợp cấp bách như đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; phỏng vấn trước khi đi nước ngoài...

Những trường hợp này phải đảm bảo các điều kiện như: Được UBND tỉnh/TP nơi cư trú cho phép, xác nhận; có kết quả xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành Y tế; phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không), xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).

Phà Bình Khánh, Cát Lái được tiếp tục hoạt động. Ảnh: CT

Về vận chuyển hành khách bằng đường thủy, các bến phà Bình Khánh, Cát Lái tiếp tục hoạt động; các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách sau đây được phép hoạt động:

Tại huyện Cần Giờ có bến Tắc Suất, Biên Phòng, Thiềng Liềng, xã Thạnh An phục vụ vận tải hành khách tuyến Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng.

Các bến phục vụ du lịch có bến du thuyền Rừng Sác, bến Du lịch Đầm Dơi, bến Du lịch Vàm Sát, bến Tắc Suất, bến Trạm Văn phòng Phân khu 1, bến Trạm văn phòng Phân khu 2, Khu Di tích rạch Giồng Chùa.

Khu bến du lịch Cảng công viên Bạch Đằng (quận 1); bến phục vụ du lịch Bến Đình, Bến Dược (huyện Củ Chi); bến Hiệp Phước - Doi Lầu, Hiệp Phước - An Thới Đông (Huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ); bến Bình Quới (quận Bình Thạnh); chùa Hội Sơn (thành phố Thủ Đức); bến Bến Đá (quận 8) và các bến thủy nội địa phục vụ tổ chức, cá nhân không kinh doanh.

Tần suất khai thác tối đa không quá 50% (so với tần suất trước thời điểm thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg) và không chở quá 50% sức chở cho phép của phương tiện...

Về vận tải hàng hóa, các phương tiện lưu thông đến và ngang qua TP HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR) được cấp tại địa chỉ: vantai.drvn.gov.vn hoặc địa chỉ: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (ứng dụng VNEID). Xe qua TP HCM không được dừng, đỗ, trừ trường hợp bất khả kháng như bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, sức khỏe người trên xe…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm