Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Rút BHXH một lần: Người lao động tự làm mất “chỗ dựa” an sinh

Trần Trung

Thứ tư, 07/07/2021 - 11:12

(Thanh tra) – Người lao động ồ ạt ra khỏi lưới an sinh xã hội khi đăng ký rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là tự làm mất “chỗ dựa” khi về già.

Nếu khó khăn (do mất việc làm, giảm sút thu nhập…), người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để đến khi về già, được hưởng lương hưu, không phải sống phụ thuộc vào con cháu và xã hội. Ảnh: minh hoạ

Người già cũng rút, người trẻ cũng rút

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, dư luận gần đây quan tâm tình trạng rút BHXH một lần gia tăng. Sự gia tăng ở đây không phải do tuổi tác, vì người già cũng rút, người trẻ cũng rút.

"Nguyên nhân sâu xa là gì?", Bộ trưởng đặt vấn đề, vừa rồi đi Đồng Nai, ông có hỏi lãnh đạo tỉnh, vì sao Đồng Nai kinh tế không phải khó khăn, mức bình quân của tỉnh nếu so với các vùng, tối thiểu vùng thì cao hơn rất nhiều, nhưng "tại sao Đồng Nai lại rút BHXH một lần nhiều? Có thể do khó khăn kinh tế nên người dân rút – thì đây cũng chỉ là một lý do".

Ông Dung cho hay, thực tế tìm hiểu, có một yếu tố tác động nữa, đó là "vừa qua, chúng ta chuẩn bị đưa ra phương án sửa đổi Luật BHXH”.

Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, chúng ta mới chỉ đưa ra các phương án khác nhau để báo cáo nhằm tiến tới sửa đổi chính sách thôi, chứ “chưa nói sửa đổi gì, và sửa như thế nào”, nhưng rõ ràng “có những thông tin không đầy đủ, không chính xác cho rằng sẽ hạn chế thu nhập của người lao động khi rút BHXH một lần so với hiện hành”.

Do đó, ông Dung cho rằng, công tác tuyên truyền còn chưa tốt. "Chúng ta chưa cho người dân thấy được tác động lâu dài của BHXH đối với bảo đảm sự ổn định của an sinh", ông nói.

“Thực tế, việc rút BHXH một lần tăng còn cho thấy “có tình trạng trục lợi”, một số người đứng ra nhận “làm giúp”, do thủ tục chúng ta vẫn còn khó khăn, nên một số người làm “cò mồi”, nhận làm thủ tục rút BHXH một lần để hưởng phần trăm”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.

Giải quyết khó khăn trước mắt

Theo thống kê mới nhất từ BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, có đến 561.570 người hưởng BHXH một lần. Con số này phản ánh thực tế, số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng do nhiều lao động mất việc làm do đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay đã đủ điều kiện hưởng…

Việc rút BHXH một lần cho thấy, người lao động mới thấy được lợi ích trước mắt mà không tính đến việc sẽ mất đi nhiều quyền lợi lâu dài của chính sách BHXH.

Thông tin từ BHXH tỉnh Đồng Nai, trung bình mỗi năm có khoảng 41 ngàn người rời khỏi hệ thống BHXH từ việc nhận BHXH một lần. Chỉ riêng trong tháng 5/2021, toàn tỉnh có hơn 5,5 ngàn người hưởng chế độ BHXH một lần. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 25,7 ngàn người lao động nhận BHXH một lần, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tham gia BHXH, người lao động sẽ được bảo đảm an sinh khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Ảnh: minh hoạ

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhận định, nguyên nhân phần lớn do người lao động mất việc làm, việc làm không ổn định, không có thu nhập hàng tháng để đảm bảo cuộc sống, nên khoản tiền BHXH một lần mà họ nhận được tuy không quá lớn nhưng giúp họ giải quyết được khó khăn trước mắt.

“Tuy nhiên, người lao động nhận BHXH một lần sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu khi đủ thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đủ tuổi để nhận lương hưu. Khi tuổi đã cao, không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để đảm bảo cuộc sống, người già sẽ phải phụ thuộc vào con cháu và cần đến sự hỗ trợ từ xã hội”, ông Thành nói thêm.

Đừng để mất quyền lợi lâu dài

Việc người lao động đăng ký nhận BHXH một lần, tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho người lao động lợi ích trước mắt nhưng họ đã không lường hết được những nguy cơ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.

Ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên khẳng định, BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước nhằm bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.

“Nếu rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được cấp miễn phí thẻ BHYT, gia đình không được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất theo quy định; bản thân người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già”, vị Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên phân tích.

Cũng theo ông Luận, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành của người lao động, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng để thực hiện chế độ an sinh khi người lao động không còn khả năng làm việc.

Vì vậy, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập…), người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước, để đến khi về già, được hưởng lương hưu, không phải sống phụ thuộc vào con cháu và xã hội.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%).

6 tháng đầu năm 2021, con số hưởng hưởng BHXH một lần có đến 561.570 người trên cả nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Người lao động đã nghỉ việc đủ 12 tháng làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại.

Song song đó, còn do một bộ phận nhỏ người lao động vẫn còn quan niệm "trẻ cậy cha, già cậy con", chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm