Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp vẫn phổ biến

Trần Kiên

Chủ nhật, 16/08/2020 - 10:02

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước.

Ngành BHXH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, đột xuất tại DN nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ảnh minh hoạ

Hơn 20,6 tỷ đồng nợ đọng BHXH, BHYT

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, 7 tháng năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn của dịch bệnh, chính sách BHXH được triển khai hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người dân, DN.

BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác thông tin truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả.

Đồng thời, thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Thông tin kết quả cụ thể, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, ước đến ngày 31/7, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,271 triệu người, đạt khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,534 triệu người (giảm 655 nghìn người so với năm 2019, đạt 90,6% kế hoạch), số người tham gia BHXH tự nguyện là 737 nghìn người (tăng 163 nghìn người so với năm 2019, đạt 61,4% kế hoạch); số người tham gia BH thất nghiệp là 12,725 triệu người, đạt khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của Ngành.

Số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch của ngành, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số; và 737 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 163 nghìn người so với năm 2019.

Ngoài ra, theo ông Chu Mạnh Sinh, ngành BHXH đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần; 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BHTN; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 92,490 triệu lượt người…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giảm; số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giảm…

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn đang còn phổ biến. Ước đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu.

Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất doanh nghiệp nợ đọng

Thêm vào đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh.

Theo BHXH Việt Nam, ước đến tháng 7/2020, toàn ngành đã tiến hành thanh tra kiểm tra tại 3.465 đơn vị phát hiện 3.651 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31.534,2 triệu đồng; 11.563 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53.806,6 triệu đồng…

Vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị toàn ngành cần thúc đẩy triển khai các giải pháp trọng tâm một cách tập trung, quyết liệt.

Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hình thức truyền thông đồng bộ, đa dạng, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp rộng khắp với các nội dung phong phú, phù hợp với từng thời điểm, nhằm tiếp tục phát triển đối tượng tham gia.

Đi liền với đó, là tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ;

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN;

Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, DN nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.

Để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Vụ Thanh tra Kiểm tra chỉ đạo BHXH các tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện quyết định của BHXH Việt Nam về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2020 (theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19).

Theo đó, trên cơ sở dữ liệu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ cho việc rà soát, phân tích, kiểm tra để có cảnh báo, đôn đốc, xử lý nếu có vi phạm; đồng thời, tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Trường hợp cần thiết chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để khởi tố theo quy định pháp luật.

Đối với BHXH các tỉnh, ông Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, tính đến hết tháng 7/2020 chưa thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, báo cáo giải trình gửi BHXH Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm