Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhật Huyền
Thứ hai, 31/01/2022 - 06:36
(Thanh tra) - Vùng đất Sen Hồng Đồng Tháp hiện có hàng chục làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được hình thành từ lâu đời. Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều làng nghề lại rộn ràng, tất bật chuẩn bị hàng hóa để cung ứng cho thị trường…
Nằm bên dòng sông Tiền, làng hoa Sa Đéc là một trong những làng hoa nhộn nhịp nhất Đồng bằng sông Cửu Long vào dịp cận Tết Nguyên đán. Ảnh: NH
Rực rỡ làng hoa Sa Đéc
Nằm bên dòng sông Tiền, làng hoa Sa Đéc, xã Tân Qui Đông, TP Sa Đéc có lịch sử hình thành hơn 100 năm. Đây là một trong những làng hoa nhộn nhịp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Điểm khác biệt của làng hoa Sa Đéc là hoa được trồng trên các giàn cao, phía dưới là mặt nước được dẫn từ các con rạch chảy vào. Người dân cứ thế lội chân, mùa nước nổi thì dùng xuồng (ghe) len lỏi giữa các luống thẳng tắp để chăm sóc hoa.
Tại làng hoa Sa Đéc, các loại hoa được trồng nhiều vào dịp Tết như cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, cát tường, vạn thọ, hoa mười giờ, hoa dừa, đại phú, chiều tím, liễu hồng, xác pháo…
Những năm gần đây, việc phát triển làng hoa Sa Đéc ngày càng được chú trọng, đây không chỉ là nơi cung ứng hoa mà còn là địa điểm thu hút đông đảo du khách đến thăm quan.
Hàng năm, làng hoa Sa Đéc cung ứng hàng triệu giỏ hoa Tết cho cho nhiều địa phương trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Theo những người trồng hoa ở Sa Đéc, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng hoa trồng giảm đáng kể so với những năm trước.
Đặc sản nem Lai Vung trứ danh
Nếu như TP Sa Đéc có làng hoa nổi tiếng thì ở huyện Lai Vung cũng nổi tiếng với nghề làm nem truyền thống. Đây là một trong những làng nghề lâu đời nhất ở địa phương, là một trong những làng nghề được tỉnh Đồng Tháp công nhận.
Theo các chủ lò nem tại Lai Vung, cách làm và chế biến nem khá công phu, trải qua rất nhiều công đoạn. Bí quyết để làm nên nem ngon chính là ở phần chọn thịt heo và tỷ lệ giữa thịt và da heo, sau đó mới tới gia vị. Nguyên liệu thịt heo sau khi chọn lựa kỹ được đưa vào cối đá giã nhuyễn, da heo được cắt nhỏ thành từng miếng rồi trộn với các gia vị như tiêu, ớt, tỏi…
Nem còn được lót kèm một chiếc lá vông rồi gói lại thật đều tay bằng lá chuối tươi, sau đó để vài ngày cho lên men. Nem khi dùng thì gỡ bỏ lớp lá chuối, miếng nem sẽ có các hương vị như chua, cay, mặn, ngọt, thêm độ giòn của da heo càng làm tăng vị độc đáo khi thưởng thức.
Ngày nay, nguyên liệu làm nem Lai Vung đã có phần khác so với ngày trước. Nhiều hộ gia đình phải dùng lá cây tầm ruột thay cho lá vông, dây buộc bằng lá chuối cũng được thay thế bằng dây nilong. Thịt và da heo cũng không còn giã thủ công bằng cối như trước đây mà được xay nhuyễn bằng máy.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, món ăn đặc sản này rất được người tiêu dùng quan tâm mua về sử dụng và làm quà biếu.
Mộc mạc nghề làm bột ở Sa Đéc
Không chỉ nổi tiếng về làng hoa, TP Sa Đéc còn nổi tiếng với nghề làm bột truyền thống hơn 100 năm. Làng bột Sa Đéc nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, nổi tiếng nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng.
Bột chủ yếu được bán cho các nhà máy chế biến thực phẩm để làm ra các sản phẩm như mì, hủ tiếu, bánh phở, bánh canh, cháo và các loại bánh, thực phẩm khác.
Để làm ra bột, các chủ lò ở Sa Đéc phải đến các kho gạo để mua tấm, sau đó làm sạch các tạp chất, bụi bẩn bám xung quanh. Tiếp đó, tấm được đưa qua máy nghiền nhuyễn, tạo thành hỗn hợp chất lỏng màu trắng sữa. Hỗn hợp này sẽ được đưa vào cối ly tâm để tách nước, làm khô, tạo thành những mảng bột trắng ngần.
Trước đây, với phương pháp thủ công, bột được xay bằng cối đá mất rất nhiều thời gian, cho sản lượng thấp. Những năm gần đây, các hộ làm bột ở Sa Đéc đã sử dụng máy móc vào quy trình sản xuất bột nên đã giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sản lượng bột.
Sản phẩm bột gạo ở Sa Đéc chủ yếu được chia thành 2 loại, gồm bột tươi cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm và bột khô dùng để dự trữ, chế biến dần dần. Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, được bán trong nước và xuất khẩu.
Trăm năm làng chiếu Định Yên
Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên, ở xã Định Yên và xã Định An, huyện Lấp Vò, được hình thành đến nay đã hơn trăm năm. Trung bình mỗi năm, các hộ dân sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu với hoa văn rực rỡ, chất lượng cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tết Nguyên đán được xem là dịp “ăn nên làm ra” của những hộ dân làng nghề dệt chiếu truyền thống ở xã Định Yên và Định An. Để kịp chuẩn bị cho những đơn hàng Tết thì những cơ sở ở làng nghề đã tất bật sản xuất từ khoảng 2 tháng trước.
Theo các chủ cơ sở dệt chiếu ở xã Định Yên, nghề dệt chiếu đòi hỏi sự tỉ mỉ và có những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp. Nếu như chiếu Định Yên trước đây được dệt thủ công bằng tay thì ngày nay hầu hết đã được dệt bằng máy, do đó sản phẩm đa dạng hơn về hoa văn và màu sắc…
Để làm được chiếc chiếu đòi hỏi người thợ phải chọn các sợi lác đều, sau đó mang phơi nắng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ trước khi nhuộm màu trong nước đun sôi. Bí quyết để màu nhuộm khó phai là phải nấu phẩm màu lên rồi nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2 - 3 lần hoặc nhiều hơn. Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng trước khi dệt. Chiếu sau khi dệt xong sẽ được mang đi cắt bìa, may viền vải và tiếp tục được phơi nắng.
Trung bình mỗi tháng, một cơ sở sẽ sản xuất được hàng trăm chiếc chiếu. Chiếu Định Yên không chỉ tiêu thụ ở các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ mà đã xuất khẩu sang các nước Campuchia, Thái Lan...
Những năm gần đây, làng chiếu Định Yên với nghề làm chiếu độc đáo và lâu năm đã trở thành điểm du lịch văn hóa khá nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách các nơi đến tham quan. Năm 2013, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống ở xã Định Yên và Định An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Độc đáo nghề dệt choàng Long Khánh
Làng nghề dệt choàng (khăn) Long Khánh ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX. Đây là một trong những làng nghề tiểu thủ công nghiệp được tỉnh Đồng Tháp công nhận.
Ngày nay, làng nghề dệt choàng Long Khánh không chỉ phát triển nghề dệt mà còn phát triển du lịch. Đây được xem là điểm tham quan trải nghiệm du lịch làng nghề truyền thống độc đáo đối với du khách trong và ngoài nước.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A trở thành nơi cung cấp khăn rằn cho các làng quê ở Nam bộ và xuất khẩu sang Campuchia. Nghề dệt choàng hoạt động quanh năm nhưng vào dịp cận Tết Nguyên đán đến tháng 4 Âm lịch là hoạt động nhộn nhịp nhất.
Để tạo thêm sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, người dân làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A không ngừng cải tiến mẫu mã. Từ các chất liệu đặc trưng, người dân đã sáng tạo thêm các sản phẩm với nhiều màu sắc bắt mắt như áo dài, áo bà ba, túi xách, cà vạt, nón…
Ngoài những làng nghề truyền thống trên, Đồng Tháp còn có các làng nghề truyền thống nổi tiếng khác như làng nghề đan đát ở huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò; làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài - Long Hậu, huyện Lai Vung; làng cá bè Bình Thạnh ở huyện Cao Lãnh… thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà