Theo dõi Báo Thanh tra trên
Quang Đông
Thứ ba, 17/05/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Hình ảnh những chiếc xe ba gác tự chế “oằn mình” chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ quá tải nghênh ngang đi lại trên các tuyến phố của Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Trên thực tế đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ loại phương tiện này. Do vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn những “hung thần” đường phố mang tên xe tự chế.
Xe tư chế gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông. Ảnh: QĐ
"Bẫy di động" gây tai nạn giao thông
Với ưu điểm bỏ vốn ít, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, giảm giá thành vận chuyển hàng, hay dễ dàng đi lại trong ngõ nhỏ, không bị hạn chế khung giờ đi lại như xe ô tô tải, hiện xe ba gác tự chế vẫn được một bộ phận người dân có thu nhập thấp dùng mưu sinh, hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tự chế, chở theo những thanh sắt dài đến chục mét, những khối hàng cồng kềnh cao ngút ngang nhiên đi lại trên nhiều tuyến phố như La Thành, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Láng… Những chiếc xe tự chế này gây cản trở giao thông, tạo nên hình ảnh nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Như ngày 23/4, một xe máy tự chế chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân. Khi tới khu vực nút giao cầu Mai Động, quận Hai Bà Trưng, phần đầu phía trước của những thanh sắt xuyên thủng một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Cùng lúc, một xe 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe tự chế cũng đã đâm phải các thanh sắt này.
Tiếp đó, ngày 8/5, một chiếc xe ba bánh khác chở theo bó sắt dài và di chuyển theo hướng từ phố Vũ Trọng Phụng ra đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân Hà Nội. Khi ra đến đường Nguyễn Trãi, xe tự chế này chạy hướng ngược chiều, lấn sang làn đường ưu tiên cho xe ô tô rồi bất ngờ lao thẳng vào xe buýt số 88, thuộc Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội. Cú va chạm mạnh khiến những thanh sắt chọc thủng kính chắn và một phần đầu của xe buýt. Vụ tai nạn hy hữu này làm nhiều hành khách trên xe hoảng sợ, nhưng không có ai bị thương.
Thực tế đã có những vụ tai nạn thương tâm gây chết người do loại hình xe tự chế chở hàng cồng kềnh gây ra. Đơn cử, chiều ngày 23/9/2016, ông Định Ngọc Thạch (SN 1964, trú tại quận Hoàng Mai) đạp xích lô chở tôn sắt di chuyển trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, khi đến nhà số 60, ông Thạch dừng xe, gọi điện cho khách ra lấy hàng. Trong lúc ông Thạch đỗ xích lô trên đường chờ thì có ba cháu bé đi xe đạp từ phố Nguyễn Chính ra hướng hồ Đền Lừ, vừa đi vừa đùa nhau. Cháu H. (9 tuổi) đi đầu, trong lúc quay lại nhìn 2 bạn, không để ý phía trước nên đã va cổ vào tấm tôn. Hậu quả, cháu H. bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Tịch thu, tiêu hủy tránh “bắt cóc bỏ đĩa”
Trước tình trạng xe ba gác tự chế hoành hành gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ngày 9/5, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 1370/UBND-TH về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự an toàn giao thông.
Trong ngày 11/5, khi Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội ra quân xử lý xe ba bánh tự chế, mô tô quá niên hạn chở hàng cồng kềnh đã tạm giữ hơn 20 phương tiện. Khi bị lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra, những người điều khiển phương tiện đều nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhưng vì mưu sinh nên vẫn hành nghề.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT cho biết, trước khi UBND TP Hà Nội có chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, đơn vị đã yêu cầu các đội địa bàn có kế hoạch xử lý các vi phạm của loại phương tiện này. Kế hoạch ra quân xử lý xe tự chế của Phòng CSGT nằm trong phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông những ngày diễn ra SEA Games 31 ở Hà Nội.
Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu lực lượng chức năng của Hà Nội ra quân xử lý vấn nạn xe tự chế hoành hành. Bởi trước đó sau những vụ tai nạn chết người do loại phương tiện này gây ra, cơ quan chức năng cũng mạnh tay xử lý vi phạm, nhưng kết quả chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”!? Sau thời gian ngắn, mọi sự lại đâu vào đấy, không được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân chính vẫn là từ ý thức của người sử dụng phương tiện, vì cuộc sống mưu sinh khi mà phần đông người điều khiển phương tiện xe tự chế thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn nên dù biết nguy hiểm, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vẫn chấp nhận liều mình với loại phương tiện này.
Theo luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), từ năm 2007, Chính Phủ đã có Nghị quyết về việc đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó.
Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự.
Các quy định pháp lý để loại bỏ xe tự chế đã rõ, bên cạnh việc xử lý vi phạm, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy tạo hiệu ứng răn đe nhằm xử lý dứt điểm, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng lực lượng chức năng tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ tạo sinh kế bền vững để chủ phương tiện có thể chuyển đổi công việc phù hợp. Cùng với đó là lộ trình cụ thể, công bố rõ thông tin để tiến tới thay thế, xóa bỏ xe tự chế trong các hoạt động dân sinh thường nhật.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương