Theo dõi Báo Thanh tra trên
Bình An
Thứ năm, 12/01/2023 - 06:35
(Thanh tra)- Trải qua năm tháng, không khí ngày Tết Nguyên đán đã có phần đổi thay, nhưng Tết vẫn là dịp lễ quan trọng trong văn hóa người Việt với nhiều giá trị văn hóa, phong tục truyền thống được bảo tồn như: Thăm mộ tổ tiên, gói bánh chưng, cúng Giao thừa… Và hơn hết, đây vẫn là thời điểm để lòng người nhớ về nguồn cội, thời khắc chứa đựng không gian văn hóa của quá khứ, hiện tại và tương lai gộp lại.
Hương vị Tết Nguyên đán dẫu có ít nhiều đổi thay, nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn đậm sâu trong Tết xưa và nay. Ảnh: HN
Nghỉ Tết, chơi Tết nhưng không quên sắc thắm hoa đào
Ngược dòng thời gian những năm về trước khi đời sống còn thiếu thốn, việc đón Tết đã trở thành một sự kiện lớn trong mỗi gia đình người Việt. Tết Nguyên đán được chuẩn bị trước nhiều tháng, từ chăm sóc mấy bụi dong, khóm chuối để chuẩn bị lá gói bánh chưng, gói giò, vỗ béo đàn gà, con lợn chờ đến ngày Tết, dành riêng loại gạo và đậu ngon nhất để gói bánh hay chuẩn bị tiền mua sắm quần áo cho con trẻ.
Đầu tháng Chạp Âm lịch, những bà mẹ nội trợ đã tất bật nén một vại dưa hành. Sau lễ cúng ông Táo về trời, mọi nhà tất bật chợ búa, dọn dẹp, sắm sửa đào quất trang trí nhà cửa. Nhớ lại, mới thấy Tết ngày xưa thật vui và thiêng liêng biết nhường nào.
Người Việt vẫn thường quan niệm, cả năm mới có 3 ngày Tết nên dù có nghèo khó đến mấy cũng cố để no đủ trong ba ngày này. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, trong ngày Tết xưa chẳng thể thiếu được những thứ này, nó đã tạo nên hương vị của ngày Tết Việt.
Cứ mỗi dịp Tết đến, cả gia đình lại cùng quây quần bên nồi bánh chưng xanh, ôn lại những câu chuyện của năm cũ và chuẩn bị đón một năm mới sang. Mùa Xuân lấp lánh còn hiển hiện trên ánh mắt hân hoan của con trẻ khi được mặc áo mới và nhận phong bao lì xì đỏ chót đầu năm, hay trên gương mặt rạng rỡ của những bà mẹ sáng mùng 1 Tết khi nhìn thấy bàn thờ tươm tất, mâm cơm thịnh soạn khác hẳn ngày thường. Đó là những nét văn hóa thật đẹp còn đọng lại trong tâm thức của người Việt về một cái Tết xưa.
Ngày nay, cuộc sống thay đổi, văn hóa đón Tết của người Việt cũng ít nhiều thay đổi theo. Không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị, chỉ cần dạo quanh một vòng siêu thị, đi chợ vào những ngày giáp Tết hay đi chợ online với một cú click chuột, mọi thứ đã sẵn sàng để cả gia đình đón Xuân vui vẻ, đủ đầy. Đời sống ngày càng phát triển, khái niệm “ăn Tết” đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi Tết”. Xu hướng du lịch Tết đang ngày phổ biến, bởi đây cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, dịp để giảm căng thẳng sau một năm làm việc đầy vất vả. Nhiều gia đình chọn cách đi du lịch nước ngoài để tránh cái rét của Hà Nội hoặc lên những vùng cao để khám phá văn hóa đón Tết cùng người đồng bào dân tộc. Những ai còn ở lại Hà Nội vào những ngày Tết này mới có cơ hội thấy được một Hà Nội thật bình yên, trầm lắng trong sự thơ mộng rất đỗi nhẹ nhàng. Người dân từ các nơi về quê ăn Tết, người Hà Nội phần nào lại đi du lịch, Hà Nội thật vắng vẻ biết nhường nào.
Bánh tét, mai vàng ngập tràn sắc Xuân
Với những thế hệ người Sài Gòn về trước, Tết là một ký ức rất sâu sắc, đậm đà, khó quên và khó tả.
Các cụ xưa chuẩn bị Tết từ rất sớm. Ăn mùng 5 tháng 5 xong là bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho những tháng Tết âm. Việc dọn dẹp cho ngày Tết khá vất vả vì đa số nhà làm bằng cây, nền đất, nhiều mạng nhện. Nhà nào khá giả lắm mới có mái ngói, nền gạch tàu. Đất rộng người thưa, phải dọn dẹp cỏ rác quanh nhà. Đàn ông, trai tráng trong gia đình thì lo việc làm sạch cỏ mồ mả ông bà tổ tiên trong dòng họ. Phụ nữ thì tất bật với các việc nội trợ, nào là làm dưa kiệu, mứt gừng, mứt bí, mứt cà, dưa giá... Kẹo thèo lèo (ngoài Bắc gọi là kẹo lạc) là thứ luôn có mặt trong đĩa mứt Tết của mỗi gia đình.
Trước ngày 30 Tết vài ngày, các mẹ, các chị lo rọc lá chuối, lau lá, xếp lá để gói bánh tét, bánh ích. Thịt kho tàu, canh khổ qua là những thứ không thể thiếu trong 3 ngày Tết ở Nam Bộ. Một lệ không bao giờ thiếu từ 29 tháng Chạp là nhà nhà phải chú ý tìm được một gốc mai, cành mai, hái vài trái dưa hấu đặt kính cẩn trên bàn thờ tổ tiên, ông bà những ngày Tết.
Ngày ấy, trên bàn thờ tổ tiên có một món không bao giờ thiếu là dưa hấu. Nam Bộ có khí hậu thích hợp cho các mùa cây trái và dưa hấu thì dễ trồng, thích hợp cho khắp nơi ở vùng đất Nam Bộ.
Trưa 30 Tết, cả gia đình tề tựu về để cúng rước ông bà và dùng mâm cơm sum họp. Một trong những giây phút thiêng liêng nhất chính là đêm giao thừa. Khoảng gần 20 năm trở về trước, nhà nhà chờ đến đêm giao thừa để đốt pháo, pháo nổ đì đùng, giật mình nhưng ai ai cũng thích. Tiếng pháo trở thành âm thanh đầu tiên báo hiệu Tết đến Xuân về. Sáng ra trước nhà nào nhà nấy xác pháo đỏ đường.
Việc tận hưởng 3 ngày Xuân cũng rất đậm đà bản sắc. Ngày mùng 1 Tết, từ 4 - 5 giờ sáng, con em trong nhà tất cả phải dậy thắp nhang đèn, dâng trà lên bàn thờ tổ tiên rồi bái người tôn trưởng, chúc những điều tốt đẹp trong năm mới. Việc chúc Tết này xuất phát từ tình cảm yêu thương và sự tôn kính của con cháu đối với bậc trưởng thượng trong nhà. Trẻ nhỏ thì được lì xì, mau ăn chóng lớn. Trong lễ cúng tổ tiên ngày mùng 1 Tết, người Sài Gòn xưa vẫn lấy cây mía to, đủ cả gốc lẫn ngọn và mâm hoa quả. Tục truyền đó là cây mía làm gậy cho ông bà tổ tiên đi về hưởng lễ.
Ngày Tết là nơi mà mọi người đều tề tựu ở nhà, ban thờ suốt 3 ngày Tết đều ấm khói hương. Các cụ quan niệm ông bà đã khuất về ăn Tết chung với mình nên nhà hương hỏa lúc nào cũng cúng cơm 2 buổi trong ngày. Rồi nào là tiếp khách, nào là đi chúc Tết đáp lễ bạn bè, bà con, chòm xóm... Cứ như thế, 3 ngày Tết nào cũng đều rất bận rộn. Con cháu làm ăn xa hay lấy chồng xa thì Tết cũng tranh thủ về nhà với cha mẹ ruột một vài ngày. Ngày mùng 3 Tết, phải có lễ tiễn chân tiên tổ, người ta đốt vàng mã và đốt cả pháo để tiễn đưa.
Ngày xưa kinh tế khó khăn, cả năm đợi đến Tết con trẻ mới được xúng xính quần áo đẹp, nhận lì xì, được nghịch pháo, ăn dưa hấu đỏ, thịt kho tàu, canh khổ qua... Còn ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, việc ăn ngon, mặc đẹp, tiệc tùng linh đình không còn lạ với mỗi nhà, mỗi người. Những thực phẩm trước đây được xem là đặc trưng của Tết như thịt kho tàu, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, mứt bây giờ lúc nào cũng có, không đợi gì Tết.
Việc đón Tết bây giờ cũng đơn giản hơn xưa. Bởi hiện nay đa số già trẻ, nam nữ đều đi làm, nghỉ Tết rất cận, không có nhiều thời gian dọn dẹp ăn Tết. Các dịch vụ dọn nhà dịp Tết cũng mọc lên rất nhiều. Hầu như đây là thời đại mà tiền có thể mua được mọi thứ ở phương diện vật chất. Tết nay nhẹ nhàng vì đã có các cửa hàng online. Bánh mứt Tết cũng rất phong phú, các chị em tha hồ lựa chọn, không phải “lăn vào bếp” như xưa nữa. Việc gói bánh tét, bánh ích lại càng hiếm, chỉ còn tồn tại ở rất ít những gia đình có truyền thống gói bánh lâu dài. Trang hoàng ngày Tết cũng đã phong phú, nhẹ nhàng hơn nhiều. Ở Sài Gòn các phố lớn đều có chợ hoa riêng, muôn hồng ngàn tía, tha hồ chọn lựa, không cần bỏ công trồng thọ, chăm mai như trước kia.
Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng hội nhập, giao lưu văn hóa hơn với thế giới và mỗi thế hệ sẽ có những thú vui tiêu khiển khác nhau trong những ngày Tết đến Xuân về. Hương vị Tết xưa và nay dẫu có ít nhiều đổi thay, nhưng giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết dường như vẫn không thay đổi đậm sắc đỏ hoa đào, màu vàng hương mai, thắm hồng những phong bao lì xì, bánh mứt, khói hương ấm ban thờ. Tết là dịp đoàn viên, sum họp tình cảm gia đình, ai đi xa về gần cũng phải nhớ về.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương