Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống
Thứ hai, 02/09/2024 - 07:00
(Thanh tra) - Những năm gần đây, ở vùng Nghệ - Tĩnh nhiều người đã không còn xa lạ với cụm từ “bến đò Cố Xin”. Hiện nay, địa điểm đang được cơ quan chuyên môn ở tỉnh Nghệ An lập hồ sơ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Bến đò Cố Xin với nhiều dấu tích lịch sử - văn hoá cần được quan tâm kịp thời. Ảnh: Xuân Thống
Bến đò huyền thoại
Cố Xin tên thật là Lưu Văn Khuồi (SN 1910) tại làng Nghĩa Sơn, tổng Phù Long (nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên). Về “gốc gác” danh xưng này, người thân của ông cho biết: Trước đó, bố mẹ ông sinh được mấy người con nhưng đều bị chết yểu. Đến lúc sinh ông, bố mẹ ông đặt cho con cái tên thật xấu (Khuồi) cho dễ nuôi. Điều này xuất phát từ quan niệm dân gian của người Việt nói chung và Nghệ An nói riêng, họ cho rằng đặt tên con càng xấu thì càng ít bị ma quỷ quấy nhiễu, đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, bình yên lớn lên.
Chưa dừng lại ở đó, ông bà còn đặt tên gọi thường ngày là Xin, với ngụ ý đứa con này là đứa con xin được, không phải con đẻ, nhằm tránh lặp lại bi kịch trước. Cái tên “Xin” đã theo người lái đò đi suốt phần đời còn lại. Cái tên tuy xấu xí, mộc mạc nhưng lại chứa đựng cả một câu chuyện lịch sử bi hùng; đồng thời để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ người dân bên dòng sông Lam, ở xã Hưng Xuân (nay là Xuân Lam).
Từ năm 1953, máy bay địch đánh phá dọc dòng sông Lam, trong đó Hưng Xuân là một trong những địa điểm bị đánh phá ác liệt, làm nhiều người chết và bị thương, hư hại nhiều tài sản. Cố Xin bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, chèo đò đưa người và hàng hóa qua sông phục vụ kháng chiến dưới sự chỉ đạo của chính quyền xã Hưng Xuân.
Với tinh thần “phục vụ không sợ mệt mỏi, ý chí kiên cường, nhiệt tình trong công việc”, Cố Xin chèo đò ngày đêm không ngớt, có khi 2 - 3 giờ sáng mới kết thúc. Trung bình 15 phút, Cố Xin chở một chuyến đò, lúc nhiều nhất trên thuyền chở khoảng 30 bộ đội. Giai đoạn chở bộ đội nhiều nhất là trong 2 năm 1966 - 1967, có khi có đoàn lên đến 300 người.
Khi có số lượng bộ đội lớn, xã phải huy động thêm các thuyền khác thì Cố Xin là người trực tiếp chỉ huy đội thuyền. Vì chèo đò trong mưa bom bão đạn nên không tránh khỏi những lần bị thương. Dù vậy, Cố Xin chưa từng bỏ bến, cả những lúc mưa to, bão lớn, nước lũ chảy xiết. Cố Xin cũng chưa từng đòi hỏi hay nhận tiền công từ bộ đội.
Thấy được đóng góp to lớn và tinh thần, trách nhiệm làm việc của Cố Xin, Hợp tác xã (HTX) Hưng Xuân đã cho Cố Xin hưởng chế độ lao động loại 1, trợ cấp lương thực theo bậc cao nhất là suất tư. Đây là cách chia lương thực cho thành viên của HTX Hưng Xuân lúc bấy giờ. Công của các thành viên HTX được trả căn cứ vào xếp loại lao động, tương đương với 4 suất: Từ suất 1 đến suất tư (4), 1 suất tương đương với 100 công, 1 công được 0,5 lượng lúa, suất tư tương đương 120 công, được 60kg lúa/vụ (1 năm 2 vụ). Dù được ưu ái như vậy nhưng số lương thực ít ỏi này cũng không đủ để nuôi gia đình với 5 người con.
Quá trình chèo đò, Cố Xin còn cứu được một học sinh bị chết đuối. Đó là ông Nguyễn Văn Thân, học sinh trường cấp 3 Hưng Nguyên, một phân hiệu của trường phổ thông cấp 3 Vinh (tức Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hiện nay).
Tháng 4/1966, trường tổ chức buổi lao động cộng sản, đắp đê 42 đoạn gần bến đò Cố Xin. Trong quá trình lao động, ông Thân không may bị trượt chân ngã. Lúc ấy, như thường lệ chèo đò đưa người qua sông, nhìn thấy một người đang chới với giữa dòng nước, không ngần ngại Cố Xin nhảy xuống cứu, đưa ông Thân về chăm sóc. Nhớ công ơn ấy, ông Thân đã xin nhận Cố Xin làm cha nuôi, trở thành người anh cả của gia đình. Ông Thân hiện nay đang sinh sống tại xóm 1, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Cứ đến ngày giỗ ông, bà, ông Thân lại về sửa soạn, lo toan lễ giỗ như một người con trong gia đình.
Cả nhà chèo đò phục vụ kháng chiến
Ngày 16/4/1968 (nhằm ngày 19/3 năm Mậu Thân), trong lúc đang ăn cơm trưa thì Cố Xin nhận được chỉ thị chở một đoàn sỹ quan hơn 10 người vào Nam công tác. Do yêu cầu gấp rút, vợ chồng Cố Xin phải bỏ dở bữa ăn và nhờ thêm ông Trịnh Văn Nuôi ra hỗ trợ cho kịp thời gian. Ba người nhanh chóng ra bến đò, chuyến thứ nhất đã an toàn cập bến, mọi người quay trở lại đón 7 người còn lại. Khi đò vừa cập bến, đợi người cuối cùng là ông Nguyễn Võ Hóa lên bờ, cố Xin cho đò quay lại thì hai chiếc máy bay Mỹ bất ngờ ập đến thả bom, một quả trúng ngay chiếc đò, khiến Cố Xin và ông Nuôi hy sinh tại chỗ, vợ ông - bà Diễn bị thương nặng và qua đời vào mấy tháng sau. Quả bom thứ hai đánh trúng ngôi nhà của Cố Xin. Vậy là cùng lúc, 5 người con của cố mất luôn cả cha mẹ và ngôi nhà che mưa che nắng. Các con của cố phải sống trong sự đùm bọc của xóm làng.
Lúc còn sống, quá trình chèo đò của Cố Xin thường xuyên có sự hỗ trợ của vợ - bà Phạm Thị Diễn, nhất là những lúc thực hiện nhiệm vụ cấp bách hoặc nhiều đoàn bộ đội với số lượng lớn. Sau khi mất Cố Xin, hiểu được vai trò quan trọng của bến đò, những người con lại tiếp tục sự nghiệp của cha, đảm nhận công việc mà cha mẹ đã làm dang dở. Những chuyến đò đưa bộ đội và lương thực, quân trang quân dụng vẫn tiếp tục cho đến hết năm 1975.
Bến đò Cố Xin không chỉ gắn liền với các hoạt động phục vụ kháng chiến của người lái đò huyền thoại Lưu Văn Khuồi mà còn ghi dấu ấn của cả một gia đình yêu nước, cách mạng. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng, đóng góp của cải khi Tổ quốc cần mà không chút vụ lợi, toan tính.
Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt bổ sung Bến đò Cố Xin vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh. Chính quyền xã cũng đã bố trí địa điểm lưu niệm, sưu tầm các tư liệu liên quan đến Cụ Lưu Văn Khuồi và sự kiện lịch sử tại bến đò Cố Xin, đồng thời làm biển chỉ dẫn di tích.
Hiện địa điểm này đang được cơ quan chuyên môn lập hồ sơ trình xếp hạng cấp tỉnh. Mong rằng, trong thời gian sắp tới, những đóng góp của Cố Xin và gia đình sẽ được các cấp chính quyền nhìn nhận, quan tâm kịp thời, tương xứng về nguồn lực và thời gian để được tôn vinh một cách xứng đáng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà