Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Người dân Tà Cạ sống thấp thỏm bên thượng nguồn thủy điện

Xuân Thống

Thứ bảy, 27/08/2022 - 07:00

(Thanh tra)- Nhiều năm qua, người dân ở các bản Nhãn Lỳ, Nhãn Cù, xã biên giới Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An liên tục có những kiến nghị đến chính quyền các cấp và chủ đầu tư Thủy điện Nậm Mô về việc khi nước dòng sông lên cao bà con phải di dời đi nơi khác, gây ảnh hướng lớn đến đời sống, nhà cửa, tính mạng của nhân dân.

Nhiều đợt mưa lũ đầu nguồn nước dâng cao khiến các hộ dân phải di chuyển tạm thời đến nơi khác. Ảnh: Xuân Thống

Là xã tiếp giáp với thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn nhưng đời sống của bà con xã Tà Cạ còn rất nhiều khó khăn. Tận dụng nguồn năng lượng từ thượng nguồn sông Nậm Mô nên trên địa bàn xã có đến 3 công trình thủy điện lớn, nhỏ với chiều dài bám lòng sông chưa đầy 1km.

Từ hơn 10 năm trước, khi các công trình thủy điện được xây dựng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã được giải phóng mặt bằng phục vụ thi công hạ tầng kỹ thuật của các dự án, song những năm gần đây, quá trình vận hành, tích nước hồ thủy điện đã có nhiều hộ dân ở các bản Nhãn Lỳ, Nhãn Cù của xã Tà Cạ sinh sống ở gần lòng bờ hồ thủy điện bị ảnh hưởng. Đặc biệt là gần 10 hộ dân sinh sống dọc sông Nậm Mộ.

Ông Vi Văn Mằn, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, nói: "Trên địa bàn xã chỉ trên dưới 1km ở sông Nậm Mộ mà có đến 3 nhà máy thủy điện là thủy điện Bản Cánh, Nậm Mô, Nậm Cắn 2. Mang tiếng sinh sống ở nơi nhiều nhà máy này mà 3 bản của xã hiện vẫn chưa có điện lưới khiến quá trình phát triển kinh tế - xã hội rất khó khăn".

Cử tri các xã Nậm Cắn, Tà Cạ của huyện Kỳ Sơn cũng nhiều lần kiến nghị: Từ khi Nhà máy Thủy điện Nậm Cắn, Thủy điện Nậm Mô đi vào hoạt động đến nay đã làm giảm diện tích đất canh tác sản xuất, chăn nuôi của người dân.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, sau các trận mưa lớn, kéo dài, nguồn nước sông Nậm Mộ dâng lên, nước sông đục ngầu. Qua quan sát từ Tỉnh lộ 543D có thể thấy các hộ dân sinh sống dọc lòng sông có nguy bị "nuốt" bất cứ lúc nào.

Ông Lô Văn Tình, bản Nhãn Cù cho biết: Bà con lâu nay rất lo lắng, bất an khi sinh sống dọc lòng sông từ ngày nhà máy thủy điện vào hoạt động. Lòng sông nhỏ, khi nguồn nước lên ngập cả cột căn nhà sàn của bản, mực nước dâng cao có khi lên 1,5m. Nhiều đêm mưa to bà con không dám ngủ vì sợ bị cuốn bất cứ lúc nào. Có lần, phải tháo dỡ nhà ra để di chuyển rồi hết mưa, nước rút rồi lại quay về ở.

"Năm 2017, phía Công ty Thủy điện Nậm Mô có xây dựng kè bằng rọ đá để chống sạt lở đất dọc sông nhưng khi trời mưa nước dâng cao kè bị ngập đến cả nhà dân, mấy hộ sinh sống ở đây phải di chuyển đi nơi khác", ông Tình nói.

Nhiều hộ dân bản Nhãn Lỳ, Nhãn Cù xã Tà Cạ sinh sống dọc sông Nậm Mộ luôn bất an. Ảnh: XT

Trực tiếp chứng kiến tại hiện trường nơi kè chống sạt lở được ghép bằng rọ đá mà phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện xây dựng, chúng tôi không khỏi bất an bởi khi kè được đưa vào sử dụng đến nay đã bị sập chân, hở toác, có cảm giác như bị "bật cả gốc". Khoảng cách từ kè đến cột móng nhà sàn của các hộ dân chưa đầy 2m.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, kết quả kiểm tra thực tế hiện trường mới đây cho thấy, toàn bộ kè ghép rọ đá chống sạt lở đất cho 7 các hộ dân hiện tại không còn đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của các hộ dân này.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: Những phản ánh của người dân bản Nhãn Cù, xã Tạ Cạ hoàn toàn có cơ sở và chính đáng. Huyện đã làm việc với chủ đầu tư thủy điện Nậm Mô là Công ty Cổ phần Tổng Công ty Phát triển năng lượng Nghệ An cũng như UBND xã Tà Cạ. Phía nhà máy thủy điện đã thống nhất phương án xử lý và thuê tư vấn thiết kế để hoàn thành phương án triển khai thi công.

Người dân xã Tà Cạ bất an khi tình trạng sạt lở đất, đá thường xuyên xảy ra. Ảnh: XT

Về những kiến nghị, phản ánh của người dân, trao đổi về trách nhiệm chủ đầu tư đối với dự án ảnh hưởng đến người dân, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Mô cho biết: Từ khi đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (năm 2013), công ty đã cùng chính quyền khảo sát các phương án di dân tái định cư, hoàn thiện thủ tục pháp lý xây dựng. Được sự thống nhất của chính quyền địa phương là các hộ dân sinh sống ổn định tại chỗ cùng sự hỗ trợ kè chống sạt lở bằng rọ đá của công ty. Trong quá trình vận hành nhà máy, hàng năm có các đợt thiên tai, mưa lũ, có ảnh hưởng đến kè làm xói lở, xuống cấp, làm giảm khả năng đảm bảo an toàn.

Những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân mà chủ đầu tư thực hiện chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tình thế. Về lâu dài, chính quyền các cấp của tỉnh cần khảo sát, đánh giá và kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung ngân sách để bố trí cho người dân tái định cư sinh sống ổn định, an toàn, tạo sinh kế lâu dài.

Tại khu vực này địa hình, địa mạo hiểm trở, thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá cả taluy dương và taluy âm.

"Trước tình hình này, các hộ dân tiếp tục đề nghị hỗ trợ phương án gia cố kè phải sau nhà 7 hộ dân, bảo đảm an toàn của kè nên chúng tôi đã thống nhất phương án thiết kế, hợp đồng triển khai thi công và có biên bản xác nhận hoàn thành công trình và bàn giao đưa vào sử dụng dưới sự thống nhất của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và đại diện thôn, bản cũng như các hộ dân", ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Mô nói.

Chủ đầu tư Thủy điện Nậm Mô đã xây dựng kè rọ đá, nhưng về lâu dài người dân cần được di dân, tái định cư khỏi khu vực lòng hồ. Ảnh: XT

"Các bên đã xác nhận công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đồng thời các hộ dân cam kết sử dụng đúng mục đích, bảo quản công trình an toàn để sử dụng lâu dài, không tự ý sửa sang, lấy nguyên vật liệu để nước gây xói lở, hư hỏng trong phạm vi công trình đã xây dựng", ông Toản cho biết thêm.

Chỉ đoạn sông ngắn trên dòng Nậm Mộ, xã Tà Cạ có đến 3 thủy điện với nhiều hệ lụy tác động. Ảnh: XT

Mùa mưa bão đang đến gần, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần sớm vào cuộc, quan tâm xem xét, giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân để bảo đảm cuộc sống, ổn định tình hình, nhất là khu vực biên giới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm