Theo dõi Báo Thanh tra trên
Minh Tân
Thứ bảy, 26/08/2023 - 08:45
(Thanh tra) - Thiếu đất sản xuất cũng như tập quán canh tác cũ, hàng loạt hộ dân ở khu tái định cư (TĐC) Raky - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị rời nơi ở mới, trở về làng cũ sinh sống dù biết sạt lở luôn rình rập.
Khu TĐC Raly - Rào được đầu tư hàng tỷ đồng di dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm nhưng người dân vẫn rời nơi ở mới, trở về làng cũ. Ảnh: Minh Tân
Hoang vắng
Chiều muộn, ngay bên tuyến đường vào trung tâm xã Hướng Sơn, 45 căn nhà TĐC thôn Raly - Rào được xây dựng khá kiên cố và quy mô vẫn vắng lặng. Cả một khu TĐC với hàng chục nóc nhà không hề thấy khói bếp hay tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, của những người già buổi chiều trò chuyện sau một ngày làm việc.
Những con đường bê-tông trở thành nơi thả rông hàng chục con bò, ngập ngụa trong phân, bùn đất. Hầu hết, các căn nhà được khóa kín hoặc chèn tạm vài viên đá để gió khỏi lùa, cỏ dại ken kín sân. Nhiều căn nhà khác cửa kính bể nát, bên trong trống hoác và vắng hơi người lâu nay.
Gần đó, trong khuôn viên khu TĐC, điểm trường Raly - Rào, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn xây dựng kiên cố, khang trang. Dù vậy, cửa lớp đóng im ỉm, chỉ có lau lách trong sân trường. Bên trong, bảng phấn, bàn ghế chỏng chơ và bụi phủ kín.
Tìm mãi, ở tận cuối thôn là căn nhà TĐC của hộ ông Hồ Văn Xể (55 tuổi) và vợ là bà Hồ Thị Đưm (53 tuổi) đang ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, bên trên dây phơi là những bộ quần áo cũ bám đầy đất. Có lẽ, đây là hộ hiếm hoi còn ở lại đây.
“Mình phải ở tạm đây thôi! Nhà ở, ruộng lúa trong thôn cũ đợt mưa lũ tháng 10 năm 2020 sạt lở vùi lấp hết rồi. Thế nên, 3 nhà còn ở lại khu TĐC này đều là người nhà của mình, còn 42 hộ còn lại có nhà trong đó thì họ trở về thôn cũ hết rồi”, ông Xể nói về việc khu TĐC vắng hơi người này.
Vợ chồng ông Xể cho biết, sau đợt sạt lở vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn, 45 hộ dân ở thôn cũ là Raly - Nguồn Rào được hỗ trợ TĐC bởi nguy cơ sạt lở luôn đe dọa bất cứ lúc nào khi núi Ta Bung chỉ chực chờ đổ xuống khi xảy ra mưa lớn. Dù được hỗ trợ nhà mới, khang trang, có đường bê tông, điện, nước nhưng cái khó khăn lớn nhất là không được bố trí đất sản xuất ở khu vực TĐC mới khiến các hộ dân nơi đây không mặn mà với nơi ở mới.
“Chỉ với 400m2 đất với căn nhà thì lấy gì mà ăn. Bà con mình làm ruộng, làm rẫy quen rồi. Thế nên, bà con đành trở lại làng cũ, nơi đất sản xuất vẫn đang còn. Dù biết nguy hiểm, sạt lở đó nhưng phải làm mới có cái ăn thôi. Còn vợ chồng, con cái mình ra đây thì đi làm thuê, chứ đất sản xuất còn đâu”, bà Đưm ôm đứa cháu nội trong lòng rồi buồn rầu kể.
Khu TĐC này chỉ bớt im ắng trở lại vào thời điểm cuối năm khi mà mùa mữa bão cận kề. Thế nhưng, những hộ dân cũng trở lại vài ba bữa để ngủ bởi họ lo ngại sạt lở từng xảy ra vào tháng 10/2020. Được dăm hôm, những hộ dân ở TĐC lại kéo nhau về làng cũ, những căn nhà xây khang trang vì thế cũng dần bỏ hoang, hư hỏng, xuống cấp. Lũ trẻ cũng theo chân, ông bà, bố mẹ vào ruộng rẫy ở làng cũ, thế nên điểm trường cũng vắng bóng học sinh đến lớp.
Sạt lở vẫn đe dọa đến tính mạng người dân
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, trên địa bàn xã bị thiệt hại hết sức nặng nề. Nhiều ngôi nhà của người dân bị sập, hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch sinh hoạt bị cuốn trôi hoàn toàn.
Đặc biệt, trên địa bàn xã có 45 hộ với 171 khẩu sinh sống gần suối Ta Bang và khe Ra Lu hết sức nguy hiểm do nguy cơ sạt lở đất đá tại ngọi núi Ta Bang khi xuất hiện vết đứt gãy kéo dài hàng trăm mét. Bốn bề là đồi, núi, dưới là khe suối, thế nên đến giờ này, trên địa bàn xã vẫn có 7 điểm nguy cơ sạt lở cao đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân.
Vì thế, từ nhiều nguồn vốn khác nhau với tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng nhằm xây dựng nhà ở TĐC cho 45 hộ dân nói trên nhằm di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. “Cùng với các chi phí xây dựng hạ tầng, mặt bằng, nước thì định mức 120 triệu/căn nhà TĐC và bà con mong muốn xây dựng nhà trệt như đã triển khai. Tuy nhiên, dự án di dời khẩn cấp nhưng không có hạng mục bố trí đất sản xuất ở nơi khu vực TĐC, đây cũng là nguyên nhân khiến bà con trở lại làng cũ”, ông Tường cho biết thêm.
Dù ngày về nơi ở mới người dân phấn khởi, vui mừng nhưng chưa được bao lâu thì lũ lượt kéo về làng cũ để chăm lại cái ruộng, cái rẫy. Thế nên, mỗi lần đến mùa mữa bão, thời tiết bất thường, cán bộ xã lại vào làng cũ vận động người dân trở về khu TĐC nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, huyện đã nắm được thực trạng trên. “Tuy nhiên, bà con bày tỏ muốn sản xuất ở làng vì đất ruộng rẫy vẫn còn đó cũng như các tập quán sinh hoạt của bà con. Trước mắt, huyện giao nhiệm vụ cho xã vận động bà con về nơi ở mới, đặc biệt khi mùa mưa lũ đang cận kề, còn vẫn tạo điều kiện cho người dân sản xuất tại nơi cũ”, ông Thuận chia sẻ.
Đối với một xã khó khăn như xã vùng sâu, vùng xa Hướng Sơn, việc đầu tư khu TĐC hàng tỷ đồng thể hiện sự quan tâm của xã hội, Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Thế nhưng, với những bất cập, nghịch lý vẫn chưa thể mang lại hiệu quả như mục tiêu về khu TĐC đã đặt ra. Những giải pháp mà chính quyền địa phương đưa ra cũng chỉ là tình thế tạm thời, trong khi đó, hàng triệu tấn đất, đá từ núi Ta Bang vẫn chực chờ đổ xuống, vùi lấp mọi thứ bất cứ lúc nào.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương