Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình “Một điểm đến” trong dịch vụ công

Thứ ba, 11/02/2020 - 14:10

(Thanh tra) - Nhằm tiếp nhận và giải quyết nhu cầu của khách hàng, cung cấp nhiều dịch vụ tại một điểm tiếp nhận ban đầu, mô hình “Một điểm đến” trong dịch vụ công tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An đang đem lại hiệu quả rất thiết thực cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Người lao động đến tìm hiểu, tư vấn về các chính sách tại Bộ phận một cửa Trung tâm DVVL Nghệ An. Ảnh: VHDN

Thời gian gần đây, anh Phan Ngọc Khoa, trú tại thành phố Vinh (Nghệ An) thường xuyên đến Trung tâm dạy học đào tạo lái xe PTS để học thực hành; sau các bước học lý thuyết và lái xe cơ bản, anh đã được hướng dẫn và thực hành các kỹ năng lái xe thực tế.

Trước khi đến học lái xe tại Trung tâm, anh Phan Ngọc Khoa từng là công nhân làm việc trong Bình Dương, sau một thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh đã được các cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An tư vấn và giới thiệu học nghề tại Trung tâm dạy học đào tạo lái xe PTS. Điều đáng nói, sự tư vấn nhiệt tình, thủ tục nhanh gọn khiến anh cảm thấy hài lòng với mô hình “Một điểm đến” tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.

Anh Phan Ngọc Khoa chia sẻ, đến Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, tôi được tư vấn tận tình về các chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tại đây thủ tục cũng rất nhanh gọn và thuận lợi, tôi chỉ làm việc với một cán bộ từ đầu đến cuối nên tâm lý cũng thấy thoải mái và bớt e ngại hơn. Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm cũng giới thiệu cho tôi một số công việc để lựa chọn, tôi đã chọn học nghề lái xe tại Trung tâm dạy học và đào tạo lái xe PTS.

Từ năm 2010 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Cục việc làm (Bộ lao động, Thương binh và Xã hội) và lãnh đạo trực tiếp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tư vấn giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; đào tạo nghề, cấp chững chỉ nghề; cung cấp các thông tin về thị trường lao động.

Với mục tiêu “Vì mọi người, vì việc làm và thu nhập của người lao động” Trung tâm đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi nhất cho người lao động đến giao dịch tại trung tâm.

Đặc biệt, với mô hình “Một điểm đến”, khi người lao động có nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm, học nghề, dù một hay nhiều nhu cầu một lúc thì người lao động hoặc doanh nghiệp chỉ cần đến một điểm, gặp một cán bộ, nhân viên để tìm hiểu, nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết nhu cầu đã nêu. Mô hình này đã góp phần giải quyết nhanh chóng số lượng lớn nhu cầu của người lao động tham gia, giúp họ không phải đi lại mất thời gian và giảm bớt những quy trình không cần thiết.

Chị Hồ Thị Hà, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ, khi đến với mô hình “Một điểm đến” của Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An tôi thấy rất thuận lợi, bớt được e ngại, lúng túng, tránh được qua nhiều phòng ban, gặp các cán bộ thì thấy tính hiệu quả ở đây rất cao, giúp được người lao động hiểu được các chính sách ưu đãi, quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.

Với mô hình “Một điểm đến” cán bộ tiếp nhận phỏng vấn người lao động cũng đồng thời là cán bộ tư vấn giúp người lao động hiểu rõ các vấn đề của mình từ chính sách, pháp luật, chế độ, quyền lợi được hưởng đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó giúp người lao động đưa ra các quyết định đúng đắn trước khi thực hiện các bước về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nghề nghiệp, việc làm và quan hệ lao động. Tuy nhiên, đây cũng là bước khiến các cán bộ mô hình một điểm đến tại Nghệ An gặp không ít khó khăn, đòi hỏi các cán bộ phải không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm 2019, trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An đã tư vấn 64.000 lượt người lao động có nhu cầu và giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 15.000 người với kinh phí chi trả gần 160 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên mở các lớp đạo tạo cấp chứng chỉ nghề cho người lao động.

Bà Hồ Thị Thu An, Phó Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, dựa vào hồ sơ và trong quá trình tiếp xúc với người lao động, cán bộ phải luôn thân thiện với người lao động để người lao động có thể trải lòng, nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Thực tế cho thấy, nhiều lao động đến với Trung tâm cũng chưa thực sự hiểu hết được các chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, đang băn khoăn về nghiệp nghiệp trong tương lai. Do đó, mô hình này đòi hỏi cán bộ thường xuyên nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trong tư vấn, xử lý các tình huống phải nhạy bén, linh hoạt.

Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, trước đây người lao động đến với Trung tâm thì căn cứ vào nhu cầu sẽ được giới thiệu đến các phòng nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế là người lao động phải đi, phải tìm, hỏi nơi cần gặp, người cần gặp, làm mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, với việc áp dụng mô hình “Một điểm đến” với các dịch vụ công hoàn toàn miễn phí đã tạo thuận lợi rất lớn cho người lao động và doanh nghiệp cần tìm lao động. Nhằm tạo thuận lợi nhất cho người lao động, Trung tâm còn tiến hành nhắn tin qua điện thoại thông báo cho người lao động thất nghiệp đến hạn lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và đến thời hạn thông báo việc làm.

Theo ông Hùng, ngoài những thuận lợi, Trung tâm cũng gặp một số khó khăn nhất định khi triển khai mô hình “Một điểm đến”. Đó là hệ thống cơ sở vật chất hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng đội ngũ cán bộ theo thực tế nhu cầu đang còn thiếu khá nhiều, bên cạnh đó đội ngũ cán bộ đòi hỏi phải nắm rõ tất cả lĩnh vực hoạt động của trung tâm để tư vấn cho người lao động một cách đầy đủ; người lao động đến với Trung tâm bao gồm nhiều đối tượng, nhiều mục đích, nhiều vùng miền, có văn hóa, phong tục tập quán khác nhau đó cũng là khó khăn của cán bộ khi tiếp nhận và tư vấn.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa mô hình “Một điểm đến”, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, tập trung bổi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực, điển hình như người lao động trước khi đến có thể đăng ký qua website của trung tâm để hạn chế thời gian chờ đợi và có sự sắp xếp của cán bộ tư vấn. Trung tâm hiện đang xây dựng, triển khai phần mềm tìm kiếm việc làm và tuyển dụng lao động trên nền tảng iOS và Android giúp người lao động dùng điện thoại thông minh có thể cập nhật phần mềm để tiện theo dõi.

Tá Chuyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm