Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Mùa Xuân của những người chăn cừu thuê

Thứ sáu, 29/01/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Vào những ngày xuân trên những cánh đồng rộng lớn ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, hàng nghìn con cừu thong dong gặm cỏ tươi xanh non. Phía sau đàn cừu là số phận của những người chăn cừu thuê - “phu cừu” nhỏ bé, sống cảnh du mục. Mặc dù Tết đã cận kề, nhưng họ vẫn phải chăn dắt đàn cừu với biết bao nhọc nhằn, từ cánh đồng này đến cánh đồng khác.

“Phu cừu”- phận người du mục và bao nỗi nhọc nhằn. Ảnh: Thanh Hòa

Chúng tôi đến huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận vào những ngày cuối tháng 12/2020, trời lất phất mưa xuân. Tất cả sông, suối, ao hồ, giếng nước đầy ắp nước sau những ngày mưa. Nhìn về phía xa xa, cả một vùng cánh đồng xanh non mênh mông rộng lớn.

“Mùa Xuân đến, cây cối nảy lộc đâm chồi, đồng cỏ cũng phát triển rất nhanh, đàn gia súc - đàn cừu có thêm nhiều nguồn thức ăn ngon từ cỏ. Lúc này, phận người chăn cừu như chúng tôi lại càng thêm vất vả vì phải du mục theo bước chân đàn cừu ngày này qua ngày khác”, anh K Mang, một người chăn cừu thuê thổ lộ.

Khuôn mặt đen xạm, khóe mắt nhăn nheo, bộ quần áo bảo hộ dày cộp ướt đẫm mồ hôi, anh K Mang kể: “Khác với những ông chủ, bà chủ nuôi cừu họ có cuộc sống sung túc, khi cừu vào mùa Xuân - vụ thu hoạch cừu đến họ xuất bán cừu với giá từ 2 - 3 triệu đồng/con, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng "phu cừu" như chúng tôi vất vả du mục theo bước chân cừu cả ngày dầm sương dãi nắng, ăn ngoài đồng, ngủ ngoài ruộng chăm sóc đàn cừu nhưng mỗi ngày công chỉ được 120.000 - 150,000 nghìn đồng. Nếu xuất bán cừu trúng giá thì chủ có thưởng thêm chút đỉnh, nhưng có năm giá cừu thấp xuất bán không được chúng tôi còn bị nợ lương”.

Mức thu nhập thấp là thế nhưng lịch trình làm việc của "phu cừu" phải thức dậy từ 5 giờ sáng để kiểm tra đồng cỏ, rồi trở về trại xua cừu ra đồng. Và ngày nào cũng như ngày nào, không kể mưa hay nắng, từ 5 giờ sáng đến mãi đến đêm khuya, anh K Mang phải rong ruổi với đàn cừu trên đồng, rồi tối có khi ngủ luôn ngoài các đồi cát. Hễ cừu đi đâu là anh theo đó, như “bóng với hình” dù trên sườn núi, thảo nguyên hay đồng rộng. Cuộc sống "phu cừu" chẳng khác là mấy so với đời sống người du mục.

Anh K Mang du mục cùng đàn cừu hết cánh đồng này qua thảo nguyên khác. Ảnh: Thanh Hòa

Anh K Mang tâm sự: Khổ nhất là mùa nắng nóng khô hạn “phu cừu” cực nhọc hơn bao giờ hết, cả một ngày trời rong ruổi phơi nắng trên đồng như “bắp rang trên chảo”, khuôn mặt “cháy đen” vì nắng. Mùa nắng do thiếu thức ăn, “phu cừu” còn phải đi kiếm thêm lá bo bo, lá cây rừng cho cừu ăn thêm. Không có nước, “phu cừu" còn phải đi tìm những con suối xa để lấy nước về cho cừu uống. Vất vả là thế, nhưng anh K Mang vẫn vui, vì mấy chục năm nay anh đã gắn bó với nghề “phu cừu” sống cuộc đời du mục cực nhọc nhưng thoải mái.

“Tôi sinh ra trong gia đình đồng bào Raglai nghèo, gia đình đông anh em, cha mẹ sớm qua đời. Tôi chẳng có nghề nghiệp nên từ nhỏ phải đến các trại nuôi cừu làm “phu”, lúc đầu chỉ làm vệ sinh chuồng trại, một thời gian sau chủ cừu tin tưởng thì giao cả đàn cừu cho tôi đi chăn. Và cứ thế năm này qua tháng nọ, tôi đã gắn bó với nghề “phu cừu”. Mỗi ngày không đi chăn tôi cũng cảm thấy buồn và nhớ. Trước đây, sống cảnh độc thân, nhưng nay tôi đã có vợ và có 2 con nữa, lương chăn cừu nuôi sống cả gia đình tôi đấy”.

Cùng chung cảnh ngộ làm “phu cừu” sống đời du mục, là hoàn cảnh của chị Ma Mít ở Thuận Bắc, Ninh Thuận. Chị Ma Mít kể: “Tôi vốn có một gia đình hạnh phúc, chồng tôi là người siêng năng tần tảo, lo làm kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Nhưng rồi không ai biết trước được điều gì xảy ra. Gần 10 năm về trước chồng tôi lâm bệnh nặng phải bán hết tài sản để chạy chữa bệnh, nhưng bệnh không giảm mà ngày càng nặng thêm và anh ấy đã qua đời”.

Chị Ma Mít và đứa trẻ rong ruổi cùng đàn cừu trên cánh đồng. Ảnh: Thanh Hòa

Nỗi đau mất chồng, tài sản không còn gì, nợ ngày càng nhiều, chị Ma Mít phải vật lộn với cuộc sống để nuôi con. Được người quen giới thiệu chị đi làm “phu cừu” cho một ông chủ ở gần nhà. Và, kể từ đó đến nay 2 mẹ con chị đã là làm “phu cừu” được gần 10 năm.

Nuôi cừu ở Ninh Thuận giúp rất nhiều chủ cừu làm giàu, thế nhưng ẩn sau câu chuyện nuôi cừu là biết bao phận người du mục “phu cừu” như anh K Mang, chị Ma Mít họ phải vật lộn với nghề để mưu sinh.

Đàn cừu đã trưởng thành đang tìm thức ăn trên đồng. Ảnh: Thanh Hòa

Hiện nay, nuôi cừu cho thu nhập cao nên có rất nhiều người ở khắp nơi lên Thuận Bắc đầu tư mở trang trại. Mùa Xuân đến, trên núi đồi, thảo nguyên cỏ cây xanh tốt, đàn cừu và "phu cừu" lại du mục khắp nơi. Công việc chăm sóc cừu mùa Xuân của các “phu cừu” vì thế trở nên vất vả hơn. Đàn cừu cứ thế tìm thức ăn, quên cả tháng ngày. Những con cừu vừa mới sinh ra, được “phu cừu” cho uống thêm mật mía trộn với bột bắp, nên phát triển bình thường, chừng 3 tháng sau trọng lượng mỗi con từ 20 - 25 kg.

Một mùa Xuân nữa đang về, chúng tôi chứng kiến những "phu cừu" rong ruổi, du mục theo đàn cừu trên cánh đồng đầy cỏ non, thảo nguyên nhiều thức ăn cỏ lá Thuận Bắc. Tận mắt thấy nhiều chủ trang trại ở khu vực huyện Thuận Bắc giàu lên từ nghề nuôi cừu. Chia tay Thuận Bắc nhưng trong ký ức chúng tôi vẫn in đậm hình ảnh đâu đó trên những cánh đồng cỏ xanh non phận người du mục - phận “phu cừu” nhỏ bé, với hình ảnh mặt đen, mồ hôi đầm đìa mà cuộc đời vẫn vui tươi.

Thanh Hòa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm