Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Màu mới trên rẻo cao Vân Hồ

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 23/03/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Qua những ngày giá lạnh của miền núi cao, trời hửng nắng khiến sắc hoa mận, hoa đào… trở nên tinh khôi và làm rực rỡ hơn vùng đất Vân Hồ. Trong sự lãng mạn ngọt ngào đó, tôi rời Thủ đô, vượt quãng đường 170km theo hướng Tây Bắc để khám phá mùa hoa thơm Vân Hồ, để được gặp những con người thầm lặng làm nên sự đổi thay trên vùng rẻo cao.

Đời sống người dân Vân Hồ ngày một đổi khác. Họ biết làm du lịch, no ấm và đủ đầy hơn. Ảnh: NĐ

Nơi bình yên giữa núi rừng

Vân Hồ là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, được tách ra từ huyện Mộc Châu vào năm 2013. Đây là một trong những địa phương đang phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng ở Sơn La. Kỳ thực, quãng năm 2019, tôi cũng từng có dịp ghé đến Vân Hồ. Đận ấy, ấn tượng của tôi là thác Tạt Nàng ở xã Chiềng Yên. Đường sá khi đó khó đi, tôi và mấy người bạn đồng nghiệp phải vượt qua ngót chục cây số quanh co, cua gấp, đèo dốc hiểm trở mới vào được trung tâm xã. Ấy nhưng, những vất vả tan biến khi tôi được chứng kiến Tạt Nàng tung bọt trắng xóa, tưới mát cho ruộng đồng và cả tâm hồn người lữ khách.

Theo lời kể của người dân địa phương, quanh Tạt Nàng còn có tích truyện về tình yêu cảm động đất trời của người con gái dành cho bạn trai của mình dưới dòng thác. Vì tình yêu, cô gái xinh đẹp nọ đã mang đồ dệt thổ cẩm của mình để ở đỉnh Táp Nặm rồi gieo mình xuống dòng thác. Tạt Nàng có từ đó, dịch ra còn có nghĩa là “Thác Nàng Tiên”. Cho đến nay, khắp xa gần trong vùng, mỗi khi nhắc đến Tạt Nàng đều biểu thị sự trân trọng. Họ trân trọng bởi Tạt Nàng là biểu trưng cho vẻ đẹp tinh khôi của người con gái và tình yêu đôi lứa thủy chung. Đồng thời, Tạt Nàng còn là biểu tượng của niềm vui, sức sống giữa nơi đất cằn, đèo cao, dốc thẳm. Nhờ Tạt Nàng mà cây cối, hoa trái thêm rộn ràng, đời sống người dân trong vùng thêm ấm no.

Cũng lạ. Ở huyện Vân Hồ khi đó khắp nơi là bạt ngàn hoa trái. Những mùa hoa ở nơi đây cứ liên tiếp nối đuôi nhau, khi loài hoa này nở rộ thì bông khác vẫn đang chúm chím trên cành. Tháng giêng, tháng hai là mùa hoa đào, hoa mận, qua tháng ba đã đón mùa hoa ban… Điều này khiến hành trình du Xuân của người mải chơi như tôi chẳng cần vội vã. Tôi lang thang mất gần một tháng ở Vân Hồ, tôi nhẩn nha tới những bản làng xa khuất bên trong núi để uống một chén trà sớm, dạo bộ trên những sườn đồi bạt ngàn sắc Xuân.

Những sắc hoa làm đẹp vùng rẻo cao. Ảnh: NĐ

Những kỷ niệm xưa cũ ùa về, tôi manh nha ý định trở lại Vân Hồ hoàn toàn bắt nguồn từ cuộc điện thoại với anh Lường Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Anh bảo, cuộc sống người dân đang ngày một đổi khác. Đường đi lối lại dễ dàng hơn, kinh tế no ấm hơn và lòng người vẫn rộng rãi như thuở nào. Hơn hết, Vân Hồ mùa này đẹp. Hoa trái đua nhau tỏa hương ngan ngát, không đến thì hẳn sẽ tiếc. Quả thực là đúng như lời mời gọi của anh Hùng, dọc Quốc lộ 6, đoạn qua địa phận huyện Vân Hồ thời điểm này cảnh sắc đẹp như một bức tranh. Đời sống kinh tế của người dân cũng thay đổi ngày một rõ rệt. Nếu như trước đây, việc đi phượt theo kiểu ngẫu hứng như của tôi gặp nhiều khó khăn bởi những nơi ăn, chốn nghỉ trên vùng đất mình khám phá còn hạn chế, thì nay không khó để tìm các homestay.

Dọc đường, tôi thấy hàng loạt biển quảng cáo nhỏ xinh bằng gỗ, trang trí thêm họa tiết hoa theo mùa với nét chữ mộc mạc chỉ dẫn du khách đến từng homestay trong các bản, làng du lịch cộng đồng, như: Bản Phụ Mẫu, Nà Bai, Bướt (xã Chiềng Yên), Lóng Luông (xã Lóng Luông), Thín (xã Xuân Nha)… Đến xã Vân Hồ, không vội vàng vào xã gặp Bí thư Lường Văn Hùng, tôi ngẫu nhiên tạt vào bản Hua Tạt chơi bởi thấy tò mò khi đứng từ trên đường chụp ảnh xuống thấy nơi đây có cảnh sắc khá đẹp.

Theo con đường bê tông mới mở xuôi xuống Hua Tạt, tôi thấy được sự mộc mạc rất quý ở người vùng cao. Chẳng là, ngay lối vào bản, mấy đứa trẻ nhỏ mặc quần áo truyền thống sặc sỡ đang chạy chơi, thấy tôi cầm máy ảnh định chụp thì tất cả đều nhìn vào tôi rồi lấm lét, rồi thì thầm với nhau. Tôi đoán, bọn trẻ ý chừng có khách lạ vào thăm bản, muốn được khách chụp ảnh cho mà hơi ngại. Sự hồn nhiên ấy đẹp và gần gũi, không bị “thương mại hóa” giống như nhiều nơi mà tôi từng đi, từng gặp.

Những đổi thay thầm lặng

Ở bản Hua Tạt, Tráng A Chu là người đi đầu trong việc giới thiệu và mời du khách về thăm quan bản. Mới tiếp xúc ít thôi, nhưng tôi thấy anh có điểm rất quý của người trai dân tộc H’Mông. Tôi đã từng gặp nhiều người như vậy. Đó là Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Vàng A Chỉnh nhiệt thành và đặc biệt tôn trọng, tự hào và luôn muốn giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Anh Tráng A Chu này cũng vậy, rất cởi mở, mà hơn hết tôi thấy được, ở sâu thẳm trong anh là sự quyết tâm lưu giữ vốn quý riêng có của người H’Mông như tục làm giấy dó, làm bánh dày, vẽ sáp ong.

Ngỏ lời hi vọng được dẫn đi thăm bản, gần như chẳng phải suy nghĩ, Tráng A Chu đã nhận lời và sau đó bảo tôi dùng bữa ngay tại nhà. Quý khách nên họ hào sảng, chẳng lèo lái, đãi bôi như một bộ phận người phố thị. Sau bữa cơm hôm ấy, hỏi ra mới biết, Tráng A Chu cũng từng có thời gian học ở Hà Nội. Anh sinh năm 1983, tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm của Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đầu tiên của bản Hua Tạt có bằng cử nhân.

Sau khi tốt nghiệp, Tráng A Chu trở về quê hương, quyết định kiếm sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tráng A Chu bảo, anh và cha - ông Tráng A Súa, là những người đầu tiên trong bản tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào của gia đình, rồi đi vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản.

Thời điểm đó, dù biết con đường tương lai khó đi và chưa người nào trong bản dám làm, nhưng anh vẫn quyết tâm. Anh nghĩ, làm du lịch cộng đồng mới là con đường phát triển kinh tế bền vững, giúp dân bản mình vượt đói nghèo. Trời chẳng phụ lòng người, được sự ủng hộ của người thân trong gia đình, người trong bản và cả chính quyền địa phương, tiếng lành đồn xa, những năm gần đây, khách đến A Chu Homestay của Tráng A Chu khá đều đặn. Có đoàn lên tới mấy chục người, vợ chồng A Chu phải thuê thêm nhân lực phục vụ. Nhiều công ty lữ hành cũng trao đổi, liên hệ, đặt phòng trước cả tháng.

Không dừng lại ở đó, giờ Tráng A Chu còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình homestay. Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt được Chu hướng dẫn, xây dựng mô hình homestay. Cho tới nay, tại bản Hua Tạt tưởng chừng còn heo hút, nghèo khó nay đã đổi khác. Vùng đất nơi rẻo cao đã xây dựng được nhiều mô hình homestay vừa có giá trị về kinh tế, vừa có giá trị lưu giữ những bản sắc riêng có của vùng miền.

Không chỉ có Tráng A Chu, nơi thung lũng Hua Tạt còn có một người tiên phong khác là ông Tráng A Cao, nguyên Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt. Nếu như Tráng A Chu được khắp gần xa biết tới là người trẻ dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong phát triển du lịch địa phương, thì ông Tráng A Cao là người đảng viên gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế.

Nghe kể, trước đây, gia đình ông Tráng A Cao và nhiều gia đình trong bản Hua Tạt gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế. Sau những trăn trở làm sao để thoát nghèo và giúp bà con trong bản cũng thoát được nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ông Tráng A Cao đã quyết tâm đi tìm các giống cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao về trồng.

Quãng năm 2016, ông Tráng A Cao dùng số vốn 50 triệu đồng của gia đình và vay mượn thêm 200 triệu đồng để cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới, chuyển đổi từ cây ngô sang trồng 1.000 cây chanh tứ quý. Tuy nhiên, giá bán thấp, có thời điểm không có ai mua nên không có thu nhập. Thất bại nhưng không nản chí, ông Tráng A Cao quyết định phá bỏ diện tích trồng chanh để chuyển sang trồng cam Vinh, cam đường canh, quýt ngọt và hồng giòn. Đất không phụ công người. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” khi cây ăn quả chưa được thu hoạch, gia đình ông Cao trồng thêm rau bắp cải, cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng thêm dâu tây, để lấy ngắn nuôi dài… Hiện mỗi năm, mô hình kinh tế của gia đình ông đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhắc đến nguyên Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt Tráng A Cao và Tráng A Chu, ông Lường Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ cho biết, chính những người tiên phong này đã và đang thổi “luồng gió mới” cho vùng đất này. Họ là những tấm gương tiêu biểu trong đổi mới cơ cấu kinh tế cây trồng, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.

“Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc, vận động người dân thay đổi đời sống, phát triển kinh tế. Tích cực vận động bà con canh tác cây trồng mới với năng suất cao, chuyển đổi sang mô hình phục vụ du lịch để đời sống bà con ngày một đi lên. Tráng A Cao, Tráng A Chu là những người tiêu biểu, giúp tuyên truyền cho bà con nâng cao đời sống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hướng phát triển địa phương thời gian tới là nông nghiệp và đẩy mạnh du lịch” - ông Lường Văn Hùng thông tin.

Tôi rời Vân Hồ trong một chiều nhiều nắng, nhìn con đường phủ ngập sắc hoa, chợt trong lòng dấy lên niềm vui khó tả. Vui vì vùng đất trước đây có nhiều tập quán canh tác cũ, nhiều hủ tục, đói nghèo, nghiện ngập thường xuyên đeo bám, thì nay nơi rẻo cao đã đổi thay. Đó là những cánh đồng hoa, những đồi chè, là bản du lịch cộng đồng mang lại cuộc sống ấm no.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

08:00 23/11/2024
Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm