Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lại nỗi lo nhà trôi ra biển

Nguyên Phê

Thứ ba, 07/11/2023 - 09:47

(Thanh tra) - Báo Thanh tra ngày 17/4/2023 đã đăng bài “Thấp thỏm nỗi lo nhà trôi ra biển”, phản ánh nhiều hộ dân ở xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam, canh cánh nỗi lo sạt lở đất ven biển đe doạ nhà cửa và tài sản của họ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án tối ưu nào ngăn chặn sự xâm thực của biển, nhất là vào mùa mưa bão hiện nay.

Sóng biển gây sạt lở dữ dội tại thôn Trung Phường, xã Duy Hải. Ảnh: N.P

Duy Hải là xã nằm ở bãi ngang ven biển phía Đông của huyện Duy Xuyên. Hằng năm, cứ vào mùa mưa lũ thì tình trạng sạt lở diễn biến liên tục và phức tạp.

Tình trạng sạt lở ven biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 300m, có nơi nhiều hơn, làm sạt lở và nguy cơ sạt lở đối với 72 hộ dân có nhà ven biển, buộc phải di dời vào khu tái định cư mới ổn định cuộc sống.

Riêng thôn Trung Phường có 58 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở, do đoạn từ cuối bờ kè An Lương đến Trung Phường giáp biển Cửa Đại dài hơn 1km chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, sạt lở bờ biển liên tiếp diễn ra khi gặp mưa bão hoặc gió mùa Đông Bắc tràn về.

Chính quyền xã đã vận động người dân di dời nhà cửa vào khu tái định cư, nhưng còn hơn 40 hộ dân vẫn “bám trụ” tại khu vực nguy cơ sạt lở rất cao, trong đó có 16 hộ bị ảnh hưởng nhà ở nằm liền kề tiếp giáp với đoạn sạt lở.

Nhiều ngôi nhà dân bị đe doạ. Ảnh: N.P

Năm 2022 đến nay, sạt lở tại thôn Trung Phường ăn sâu vào đất liền 70m, hiện chỉ cách nhà một số hộ dân ven biển chừng 10m, khiến họ rất hoang mang, lo sợ.

Trước khi bước vào mùa mưa bão năm nay, ông Trương Công Trực cùng gia đình sống trong ngôi nhà chỉ còn cách mép biển chừng 10m. Đợt mưa vào tháng 9 vừa qua, sóng biển tấn công vào trước thềm nhà ông tạo nên con lạch sâu 1m.

Ông Trực lo âu: “Cứ cái đà sạt lở khủng khiếp như hiện tại, nhà tôi chắc cũng giống như những hộ dân trước đây sẽ bị nước biển nhấn chìm…”.

Dấu tích sự tàn phá khủng khiếp của biển cả vẫn còn hằn ghi về ngôi nhà của lão nông Lê Văn Công được xây dựng kiên cố, mấy năm nay nằm chơi vơi giữa sóng biển vì đất xung quanh nhà bị cuốn phăng.

Rừng dừa cao to cũng bị sóng đánh ngã. Ảnh: N.P

Hiện, thôn Trung Phường có hơn 1km bờ biển bị sạt lở, có nơi tạo thành vách cao gần 2m, đe dọa trực tiếp 47 hộ dân có nhà ven biển.

Lãnh đạo xã Duy Hải lo lắng: “Tình trạng sạt lở cứ tiếp diễn như thế này, không biết bao lâu nữa thôn Trung Phường có còn nằm trên bản đồ địa chính của xã hay không?”.

Trước tình trạng biển đang xâm thực, gây sạt lở dữ dội tại xã Duy Hải, người dân thôn Trung Phường sinh sống ven biển đã huy động gần 200 triệu đồng cùng nhân lực dùng trụ tre, gỗ đóng thành vách ngăn sóng biển để giảm thiểu thiệt hại.

Không chỉ nhà các hộ dân ở Trung Phường bị thiệt hại mà rừng dừa ven biển hơn 90ha cũng chung cảnh ngộ, nhiều cây cao to đã bị sóng biển đánh bật gốc, ngã kềnh trên bãi biển.

UBND xã Duy Hải đã nhiều lần báo cáo và đề nghị huyện và tỉnh đầu tư xây dựng bờ kè cứng tại khu vực sạt lở, nhưng kinh phí khá lớn nên chưa triển khai được. Xã nhiều lần vận động người dân di dời nhà ở vào khu tái định cư, nhưng người dân cho rằng họ quen với nếp làng cũ bao đời nay và nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, không đủ chuyển nhà vào nơi ở mới.

Người dân thôn Trung Phường huy động dựng bờ kè tạm chắn sóng. Ảnh: N.P

UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực sạt lở.

Vào đầu tháng 1/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định về việc phê duyệt chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam, gồm 29 khu vực xung yếu qua địa bàn các huyện, thị xã, TP ven biển như: Thị xã Điện Bàn, TP Hội An, Tam Kỳ; các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành; với tổng chiều dài 44.426m. Trong đó, có 3 khu vực tại xã Duy Hải với chiều dài 6.350m.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm sạt lở chưa thể khắc phục được, vì nếu khắc phục hết 125km bờ biển thì cần một nguồn lực lớn. Do đó, tỉnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nhằm khắc phục những đoạn sạt lở xung yếu nhất tại huyện Duy Xuyên, Núi Thành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm