Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không tinh giản biên chế, khó cải cách tiền lương

Thứ ba, 17/10/2017 - 15:48

(Thanh tra) - Sáng 17/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) về nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng đề án cải cách chính tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề về tiền lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, quan hệ tiền lương tối thiểu - lương tối đa, các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; tạo nguồn cải cách tiền lương.

Hội nghị Trung ương 7 sẽ thảo luận về cải cách tiền lương

Cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương... Tương tự, chính sách BHXH cũng liên quan mật thiết đến người lao động.

Theo Phó Thủ tướng, mỗi lần Chính phủ trình Đề án Cải cách tiền lương để Trung ương Đảng thảo luận thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương.

Qua thảo luận thì Trung ương thấy rằng, cải cách tiền lương không phải chỉ mỗi việc tạo nguồn mà phải dựa vào cả tinh thần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế…

Do đó, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII thông qua Nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một Nghị quyết về cải cách tiền lương.

“Hôm nay chúng ta khởi đầu khảo sát vấn đề tiền lương cho Trung ương 7, nhưng còn gian truân lắm, phải tập trung trí tuệ, phương pháp thực hiện, mời các chuyên gia về lĩnh vực này tham gia đoàn khảo sát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông đề nghị, Tổng LĐLĐVN làm rõ việc tính toán, thiết kế thang - bảng lương, tìm nguồn chi trả, cách quản lý và cách trả lương cho cán bộ, việc chức. Với khu vực sản xuất thì Tổng LĐLĐVN làm rõ về tiền lương tối thiểu vùng.

Hướng tới tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu

Tiếp thu ý kiến, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường báo cáo khái quát tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong hệ thống Công đoàn và tình hình thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo ông Cường, cần phải trả lương theo vị trí việc làm. Còn về nguồn kinh phí để cải cách tiền lương, ông Cường cho rằng "phải tinh giản biên chế nếu không sẽ rất khó thực hiện được".

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng cho rằng, tăng quyền quản lý tiền lương cho người sử dụng lao động kể cả trong khối công chức, viên chức. Tiền lương tối thiểu phụ thuộc nhiều yếu tố không chỉ có mức sống tối thiểu nhưng phải hướng tới đáp ứng mức sống tối thiểu và đặt ra vấn đề có nên quy định tiền lương tối thiểu chung cho các khu vực không.

Tổng LĐLĐVN cũng phải chú ý tới đặc thù ngành để không quản lý biên chế cào bằng, bảo đảm thu để chi cho lương. Xác định nguồn trả lương phải gắn với cải cách bộ máy và tinh giản biên chế, phát triển kinh tế để thu và từ các khoản tiết kiệm. Về chi trả BHXH tuân thủ nguyên tắc bao phủ, chia sẻ rủi ro và tổ chức thực hiện chính sách này không chi trả quá nhiều và cũng không quá “cứng”.

Sau đợt khảo sát ở Tổng LĐLĐVN, Ban chỉ đạo sẽ khảo sát tại các cơ quan khác như TAND Tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Chính sách tiền lương hiện nay có nhiều bất cập. Đó là, chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động.

Thêm vào đó, hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập. Tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rồi sau này điều chỉnh lại thì bất cập mới là tiền lương lãnh đạo doanh nghiệp lại bị đóng khung…

Nguyên nhân của thực trạng này là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp (tính tới nay là hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách), nguồn lực ngân sách hạn chế; chậm cụ thể hoá quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập quản lý doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm