Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khát vọng ra khơi

Chủ nhật, 02/02/2014 - 09:12

(Thanh tra)- Kiếm được miếng cơm manh áo từ nghề đi biển không dễ dàng gì. Phía trước những đồng tiền đem về từ biển, nhiều ngư phủ đã chấp nhận rủi ro, gian khổ, thậm chí bỏ mạng ở đại dương, nhưng chưa bao giờ họ giã từ ngư trường. Tất cả chỉ một khát khao cháy bỏng vươn khơi làm giàu từ biển. Với ngư phủ vùng cảng Bến Đầm và làng chài Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giong buồn ra khơi đánh cá những ngày Tết được coi là bội thu, ra biển ngày Xuân như một khát vọng.

Những ghe cá ở cảng Bến Đầm sẵn sàng chuyến “xông biển” đầu năm. Ảnh: Mai Thắng

Biển ngấm vào máu thịt

Những ngày đầu năm mới, cầu cảng Bến Đầm, huỵên Côn Đảo, tấp nập những ghe thuyền đánh cá cập bến. Cầu cảng bên này, những ngư dân trẻ xúc đá cho xuống tàu; cuối cầu cảng bên kia, một nhóm thanh niên khiêng cá từ ghe lên bờ bán cho đầu nậu; một số ghe cá khác bơm dầu, nhận rau quả, tất cả chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mới

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, một ngư phủ quê ở Diễn Châu, Nghệ An, có 7 năm lăn lộn trên nhiều vùng biển đảo “đầu quân” cho một ghe cá ở Bến Đầm này đã 5 năm nhưng duy nhất 1 năm về ăn Tết cùng bố mẹ. Bốn lần đón Tết trên biển là cả 4 lần anh cùng các bạn ngư phủ trên ghe lăn lộn với sóng to gió lớn. “Bù lại, đánh cá những ngày cận Tết có nhiều niềm vui. Vui nhất là nhiều cá, khoang nào cũng đầy, mà cá nhiều là kiếm được nhiều tiền. Ngày Tết nhớ nhà lắm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì gia đình và tương lai vợ con nên em chấp nhận. Bảy năm làm bạn với biển đảo, biển đã ngấm vào máu thịt em”, Sơn chia sẻ.

Cũng giong buồm ra khơi Xuân này, Trần Văn Độ, quê gốc ở Tĩnh Hải, Tĩnh Gia Thanh Hóa, đi theo ghe cá TG-1789TS thêm một lần nữa đón Tết giữa đại dương. Độ cho biết: “Hơn 10 năm làm nghề đi biển những, lần ăn Tết ở đất liền ít lắm. Nói thật với anh, ngày Tết cũng muốn bên cạnh gia đình vợ con, nhưng vì kinh tế gia đình còn eo hẹp nên chấp nhận”.

+ Biển ngày Tết nhiều cá không anh?

- Bao giờ cũng vậy, gần Tết dòng nước chuyển dịch, khu vực biển Nam Côn Sơn rất nhiều cá. Vùng đó như một cái túi cá khổng lồ. Dĩ nhiên, những ngư phủ nhiều kinh nghiệm mới nắm được và mới mạnh dạn đi biển ngày Tết, còn đa phần Tết họ nghỉ. Nghề đi biển cực lắm, nhưng nó đã ngấm vào máu thịt thì không bỏ được. Cảng Phước Hải tấp nập mỗi khi tàu cá cập bến. Ảnh: Mai Thắng

Ngư phủ Nguyễn Văn Luyến, quê ở Long Hải, Long Điền, ra  biển lần này đem cả cành mai tươi chớm nụ để đón Giao thừa với những dự định sẽ gặp lại đất liền trước rằm tháng Giêng cùng với những khoang cá tươi rói mang từ biển về: “Làm nghề này, lấy biển làm quê hương, ghe cá làm nhà. Lênh đênh trên biển cả tháng trời, vậy mà về bờ dăm bữa, nửa tháng lại muốn đi. Người yêu em gọi em là “người của biển””.

Chủ ghe cá TS-1337 Dương Văn Hải, người được mệnh danh là “ngư phủ ba đời” ở cảng Bến Đầm cho biết: “Tết với chúng tôi niềm vui là những khoang cá đầy. Năm nào chúng tôi cũng đón Xuân trên biển. Những ngày Tết, bao giờ cũng cào được rất nhiều cá. Chúng tôi thường đón Tết muộn, tức là ngày rằm tháng Giêng. Đó là mẻ cá đầu tiên cho một năm mới”.

Đem Tết về quê

Sau 3 năm liền lăn lộn với sóng gió, ngư phủ Nguyễn Thanh Nhân (quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) năm nay ăn Tết cùng gia đình. Số tiền công hàng tháng làm được, Nhân gửi về quê cho bố mẹ làm căn nhà mái bằng để có chỗ tránh mùa mưa bão. Nhận từ tay chủ ghe 4 tháng tiền công hơn 30 triệu đồng, Nhân mừng khấp khởi: “Những đồng tiền này thấm đẫm mồ hôi đấy anh ơi. Bốn năm em mới về quê ăn Tết. Năm nay, em phấn khởi vì bố mẹ làm được cái nhà mới ở quê. Bọn em làm nghề này khá cực nhọc, nhưng không làm lấy gì ăn và giúp đỡ gia đình, trong khi ở quê em, ngày làm 60.000 đồng cũng khó. Chi bằng cực khổ nhưng có tiền giúp gia đình, rồi còn vợ con nữa. Thanh niên ở quê như chúng em đa phần đi làm xa kiếm sống, Tết mới về. Nhiều khi thấy vất vả quá, nhưng về quê vài bữa, nửa tháng lại thấy nhớ biển, nhớ tàu, thế là đi”.

Cũng như Nhân, Trần Văn Giá quê ở Hải Bình, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, đã có thâm niên hơn chục năm làm nghề ngư phủ. 24 tuổi mà Giá nhỏ thó như đứa trẻ 15. Những ngày vật lộn với biển, lặn trong biển, dãi nắng dầm nước biển đã làm tóc của Giá đỏ hoe và xơ như rễ tre. Hơn chục năm theo ghe đi câu mực, giọng nói của Giá lơ lớ miền Tây, không còn nguyên chất giọng quê nữa. “Tết này kiếm được nhiều tiền không?”. “No hơn năm ngoái. Hơn chục chai (triệu đồng - MT) thôi anh ơi, vậy là ấm rồi. Em đang mang Tết về quê cho bố mẹ em đây” - Giá cầm tập tiền ông chủ vừa phát, khoe hớn hở. “Hơn chục chai này mang về quê là có ý nghĩa lắm đó. Ăn Tết xong, em lại vào đi”.  

Biển “đẻ” ra nhà lầu, xe hơi 

Phước Hải là làng chài khá sầm uất của xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, hơn 80% hộ dân làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ và được coi là địa phương làm giàu từ nghề đi biển và dịch vụ nghề cá. Hàng chục gia đình sắm được xe hơi, hàng trăm hộ xây được nhà lầu và mua sắm đồ đạc đắt tiền. Tất cả từ biển mà có. Đó là những điều nhận biết đầu tiên khi chúng tôi đến làng chài Phước Hải để được nghe các ngư dân ở nơi này kể chuyện đi biển trong những ngày đầu năm mới.

Ông Trần Văn Tài là người được coi là “kình ngư” ở làng chài Phước Hải này có 3 đời làm nghề đi biển. Từ đời cha ông, rồi ông và bây giờ là 3 con trai và 1 con gái đều gắn liền với sông nước. Mặc dù đã qua cái thời “trai tráng kình ngư”, nhưng hỏi về tinh thần mỗi lần ra khơi, ông sôi nổi kể lại đầy khí phách: “Nếu cứ nhìn vào đồng tiền đem về thì không ai biết được gian khổ của nghề đi biển, nhưng cũng nói thật đi biển nhanh giàu lắm. Chỉ cần 1 chuyến thắng lợi là 3 chuyến thất bại cũng chẳng đánh đổ được. Rừng lắm cây, biển nhiều cá, có sức là có tiền. Hơn 40 năm gắn bó với biển nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ nó. Đời cha tôi, con tôi cũng như vậy. Đi biển cũng nhiều niềm vui lắm chớ. Anh nhìn thấy đấy, suốt dọc bờ biển Phước Hải này, nhà xây san sát, nhà lầu, xe hơi đều từ tiền của biển”.

Theo tay ông Tài chỉ dọc theo bờ biển là khu phố mới với những nhà lầu, nhà ngói đỏ tươi in mình xuống nước. Đó là “sản phẩm” của biển mà hàng ngàn hộ dân chài Phước Hải này nhiều năm gây dựng mới có được.

Bên chiếc xe hơi cáu cạnh mua hồi tháng trước, cựu ngư phủ Dương Văn Hoan “khoe” với chúng tôi về những thành tích mà anh và các bạn ngư phủ một thời “dọc ngang” trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. “Lúc đầu, chỉ đi theo ba nấu cơm cho các anh làm công, nhưng mỗi lần kéo được nhả cá từ biển lên là tôi thấy mình không thể bỏ được biển. Ra biển đánh cá mới thấy yêu đất nước mình. Nói thật với anh, nếu không đi biển đánh cá biết làm gì để sinh sống, trong khi đi biển đã là “nghề truyền thống” của gia đình. Nhà cửa, cả cái xe này nữa, đều lấy từ biển. Mặc dù nhiều chuyến đi dài ngày khá vất vả, nhất là vào mùa bão gió, song chính trong gian khổ ấy mình mới thấy yêu nghề”, anh Hoan chia sẻ. Dãy phố làng chài Phước Hải sầm uất mọc lên hàng ngày nhờ người dân ăn nên làm ra từ nghề đi biển. Ảnh: Mai Thắng

Kể về chuyện làm giàu ở Phước Hải, Lão “kình ngư” Trần Văn Tài chỉ nói ngắn gọn: “Ở làng chài Phước Hải này, không chỉ tôi và anh Hoan, mà nhiều gia đình ngư phủ khác làm giàu từ nghề đi biển. Tất cả các vật dụng từ nhà cửa, ti vi, tủ lạnh đến xe hơi, đều từ công sức lao động mà chiếc ghe là phương tiện “đẻ” ra tiền của chúng tôi”.

Phước Hải ngày mới


Những ngày đầu năm mới đến cảng Phước Hải, điều dễ dàng nhận thấy là một không khí tấp nập trên bến, dưới thuyền cho chuyến xuất bến đi biển đánh cá đầu năm.

Anh Đinh Văn Thơ, 32 tuổi, chủ ghe cá VT-2659TS, tay bưng thùng bia, chân bước xuống tàu, giọng oang oang: “Thời tiết thuận lợi năm nay hứa hẹn 1 mùa cá bội thu. Chuyến đi biển Tết năm ngoái, sau gần 2 tháng cào cá, trừ chi phí dầu nhớt, mỗi lao động cầm tay trên dưới 2 chục triệu đồng”.  

- Anh đã chuẩn bị cho chuyến hải trình mới này những gì?

+ Ngoài lương thực, thực phẩm như: Gạo, dầu ăn, miến, măng, nước ngọt, chúng tôi mua thêm gạo nếp, bánh kẹo. Do đánh cá xuyên Tết nên chúng tôi cũng chuẩn bị cho các anh em đón Tết ngay trên ghe. Gọi là đón Tết cho oai, chứ chỉ nấu nồi xôi nếp là xong. Cá thì dưới biển rồi, bánh kẹo ai cũng chuẩn bị sẵn.

- Đêm Giao thừa giữa biển khơi, tâm trạng lúc đó của các anh thế nào?

+ Nhìn chung là nhớ nhà, nhưng nhiều lần đón Giao thừa trên biển cũng quen. Năm ngoái, chúng tôi cào mẻ cá lúc Giao thừa và thức trắng đêm. Sáng mồng 1 Tết gặp sóng to gió lớn, chúng tôi vừa cào cá vừa chạy chóng sóng.

Ngày 5/1, tàu của anh Thơ và 9 tàu cá khác ở làng chài Phước Hải cùng nhau xuất phát đi biển. Đây là chuyến “xông biển” đầu năm đầy hứa hẹn. Trong chuyến hải trình này, những ngư phủ Phước Hải mang theo trong mình 2 niềm tin vui lớn: Tin vào chuyến biển bội thu với những khoang cá đầy và an toàn trở về; vui vì được ra khơi “thông dòng bén giọt”, để rồi sau 35 ngày lênh đênh trên biển, các ngư phủ trở về đất liền trong hân hoan chờ đón của những người thân.

Mai Thắng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm