Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hết cao điểm xử lý, xe quá khổ, quá tải lại tung hoành

Quang Đông

Thứ ba, 14/06/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Từng có thời điểm xe quá khổ, quá tải giảm chỉ còn khoảng 10% lưu thông trên đường. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Vấn nạn xe quá khổ, quá tải đang tái diễn và có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Hiện trường xe ben cơi nới thùng chở quá tải đổ lật đè nát xe ô tô du lịch khiến 3 người tử vong. Ảnh: PL

Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do xe quá khổ, quá tải gây ra

Chỉ trong ít ngày, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe quá khổ, quá tải gây ra. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn nạn xe quá khổ, quá tải đang "lộng hành" khắp các ngả đường, tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT làm chết người.

Ngày 4/6/2022, tại Km472+960 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xóm Hợp Lý, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa ô tô tải BKS 29H-77016 chở đất, sau khi va chạm với máy xúc đã lật ngang, đè lên ô tô con BKS 30A-61585. Vụ tai nạn khiến 3 người trên ô tô con tử vong tại chỗ, 1 người bị thương được đưa đi cấp cứu.

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên, tổ công tác của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trực tiếp đến hiện trường để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết hậu quả và điều tra nguyên nhân tai nạn. Theo kết quả đo thực tế tại hiện trường sau tai nạn, xe tải BKS 29H-77016 có chiều dài 6,78m, rộng 2,31m và cao 1,85m. Thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải đang chở đầy đất, vi phạm nghiêm trọng về quy định chở hàng vượt quá tải trọng cho phép.

Theo giấy chứng nhận đăng kiểm, xe tải này mang nhãn hiệu CNHTC, sản xuất năm 2021 tại Trung Quốc, được phép chở 2 người (kể cả người lái), được chuyên chở 13,1 tấn; lòng thùng xe có chiều dài 6,5m x rộng 2,3m x cao 72cm. “Như vậy, thùng xe thực tế dài hơn 28cm và cao hơn 1,13m (chiều cao cơi nới gấp 2 lần so với chứng nhận đăng kiểm). Từ hình ảnh chụp lại thời điểm đăng kiểm cho thấy, phương tiện này đã bị nối thêm chiều dài và chiều cao so với ban đầu” - cơ quan chức năng cho biết.

Trước đó, ngày 3/6, tại ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng xảy ra vụ TNGT giữa ôtô tải và xe máy, khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Hiện trường vụ tai nạn cho thấy, xe tải mang nhãn hiệu “hổ vồ” cũng đang chở đất cát đầy có ngọn, thùng thành ben của xe cũng có dấu hiệu cơi nới, be thành, chở quá trọng tải cho phép.

Giao trách nhiệm nhưng cần sự phối hợp liên ngành

Từ năm 2013, 63 tỉnh, thành phố đã được trang bị trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Trong thời gian từ tháng 4/2014 - 8/2016, khi Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm, chỉ còn khoảng 10% lưu thông trốn tránh trên các cung đường.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành, cảnh sát giao thông (CSGT) tập trung xử lý xe quá tải trên đường, thanh tra giao thông (TTGT) kiểm soát xe quá tải ở đầu mối hàng hóa (kho cảng, bến bãi, khu mỏ…) bằng trạm cân lưu động, thì vấn nạn xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường tỉnh, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản. Xe quá tải bùng phát trở lại nhức nhối, mức độ vi phạm chở quá tải càng nghiêm trọng, sức tàn phá hạ tầng giao thông ngày một lớn.

Theo ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân tích: Khi lực lượng công an rút khỏi các trạm cân lưu động, quá thiếu nhân sự. Nhiều tỉnh, thành đã dừng kiểm soát tải trọng xe bằng trạm cân lưu động. TTGT của các sở GTVT cũng không được kiểm soát trên các tuyến đường không được ủy thác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tuyến quốc lộ của Trung ương gần như bị bỏ trống, xe quá tải mặc sức tung hoành. Đến đầu năm 2017, xe quá tải bắt đầu bùng phát trở lại trên nhiều tuyến đường.

Về mặt hình thức, việc phân công nhiệm vụ này có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại là bất cập, bởi không có quy định nào cho phép TTGT vào các đầu mối hàng hóa. Khi xe chưa ra đường, dù có quá tải mức bao nhiêu chăng nữa, lực lượng này cũng không thể vào các đầu mối bốc xếp hàng hóa để xử phạt. Chưa kể, việc lực lượng TTGT các tỉnh còn mỏng, không đủ biên chế hoạt động thường xuyên tại các trạm cân, liên tục trên các tuyến đường nên hiệu quả đem lại chưa cao.

Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông vẫn là văn bản pháp lý cao nhất về giao và quy trách nhiệm người đứng đầu các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xe chở quá tải trên địa bàn. Để làm được thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, trong đó chủ công là lực lượng CSGT và TTGT.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm