Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội đề xuất xây mới 6 bệnh viện

Hải Hà

Thứ ba, 05/10/2021 - 23:07

(Thanh tra)- Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành lập 6 bệnh viện mới với quy mô 1.950 giường bệnh; nâng cấp, mở rộng các bệnh viện trực thuộc để tăng thêm dự kiến 2.760 giường bệnh…

Hà Nội đề xuất xây mới 6 bệnh viện; sáp nhập một số bệnh viện của các bộ, ngành về Hà Nội. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Chiều 5/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” đã tổ chức hội nghị triển khai các dự án đầu tư của TP giai đoạn 2021 - 2025 đối với lĩnh vực y tế.

Sáp nhập một số bệnh viện của các bộ, ngành về Hà Nội

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế Hà Nội được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 16 dự án. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án với tổng kinh phí hơn 3.306 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn TP có 12 bệnh viện tư nhân được thành lập.

Đến cuối năm 2020, ngành Y tế Thủ đô đã đạt 27,1 giường bệnh/vạn dân, vượt chỉ tiêu TP giao (giao 26,5 giường bệnh/vạn dân).

Có 6 dự án chuyển tiếp đã khởi công và chưa khởi công giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí hơn 3.040 tỷ đồng.

Theo chỉ tiêu trong Chương trình số 08, đến năm 2025, TP phấn đấu đạt 30 - 35 giường bệnh/vạn dân. Để đạt chỉ tiêu ở mức tối thiểu 30 giường bệnh/vạn dân, Hà Nội cần tối thiểu 27.000 giường. Do vậy, cần bổ sung tối thiểu là 4.204 giường bệnh.

Sau khi rà soát, Sở Y tế dự kiến tăng giường bệnh từ các nguồn đầu tư công bằng nguồn ngân sách TP, sáp nhập một số bệnh viện của các bộ, ngành về Hà Nội theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Theo đó, Sở Y tế đề xuất thành lập 6 bệnh viện mới với quy mô 1.950 giường bệnh; nâng cấp, mở rộng các bệnh viện trực thuộc để tăng thêm dự kiến 2.760 giường bệnh; sáp nhập một số bệnh viện thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội về TP Hà Nội quản lý, dự kiến tăng 950 giường bệnh; số giường bệnh tăng thêm từ các bệnh viện ngoài công lập đóng trên địa bàn Hà Nội dự kiến 494 giường bệnh...

Sửa chữa, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/vạn dân đến năm 2025, TP cần có các giải pháp về vốn.

Thời gian tới, Sở Y tế cần phối hợp với các sở rà soát rõ địa chỉ đối với 6 bệnh viện xây mới, bố trí phân cấp đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Việc xây dựng bệnh viện mới phải đi đôi với đầu tư trang thiết bị y tế để đưa ngay vào sử dụng. Bên cạnh việc xây mới các bệnh viện, các sở, ngành liên quan cũng cần tham mưu cho TP sửa chữa, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế cơ sở.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, để hoàn thành các chỉ tiêu về lĩnh vực y tế cần phải có đột phá mới. Trong đó, xây dựng bệnh viện mới mang tính vùng của Hà Nội được xác định là nhóm giải pháp quan trọng. Để tương xứng với ngành Y tế Hà Nội, cần đầu tư 3 nhóm là xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị và nguồn nhân lực…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình số 08 có tác động lớn với nhân dân, trong đó có các chỉ tiêu về lĩnh vực y tế. Vì thế, hội nghị đã rà soát, định lượng cân đối nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/vạn dân và quản lý sức khỏe cho nhân dân Thủ đô.

“Quan điểm của Ban Chỉ đạo là triển khai phải rõ sản phẩm bởi thực tiễn, nhu cầu thì lớn, nhưng cân đối ngân sách mới đáp ứng được khoảng 40%. Vì thế, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan cần rà soát lại các chỉ tiêu đầu tư các lĩnh vực khác, để điều chỉnh phù hợp, trong đó cần ưu tiên cho lĩnh vực y tế với mục tiêu đặt sức khỏe của người dân lên trên hết…”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Y tế rà soát, đôn đốc triển khai các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020; làm việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp nhận các bệnh viện.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần phối hợp với các địa phương phân tuyến, địa điểm xây dựng các bệnh viện mới; bố trí đào tạo đủ nguồn nhân lực để đưa vào hoạt động ngay sau khi xây dựng xong bệnh viện, tránh lãng phí, kéo dài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm